Gia đình xã hội
Giang hồ rẽ lối hoàn lương
08:21, 13/03/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Họ là những người đã từng có vết nhơ trong quá khứ, khi phạm phải những sai lầm ở quãng thời gian bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ cạn nghĩ. Đi qua ngày giông bão, những phận người ấy đã sống một cuộc đời khác, rẽ lối giang hồ để hoàn lương, phục thiện, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Bài 1: Lối về nẻo thiện của một “đại ca làng”
Anh Phạm Văn Ca (SN 1968) trú xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), từng là một đại ca làng có tiếng, lấy số má bằng cách thẳng tay ném lựu đạn vào hai nhóm thanh niên đang hỗn chiến, bị kết án 6 năm tù giam. Ra trại, bản thân bôn ba khắp nơi, lên cả miệt rừng đá đỏ Quỳ Châu tìm kiếm cơ hội đổi đời. Trở về đời thường, với hai bàn tay trắng, Ca đã làm lại cuộc đời bằng một gara ô tô, và nhờ tình yêu thương của người vợ trẻ, anh đã chí thú hoàn lương, sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Phó trưởng Công an xã Nguyễn Bá Sơn trước khi dẫn tôi đi gặp con người đặc biệt này đã cho biết, bao nhiêu năm qua kể từ khi về lại địa phương, anh này đã sống một cuộc đời khác, chí thú làm ăn, không chỉ trở thành người chồng, người cha mẫu mực mà còn giúp đỡ nhiều đối tượng thanh niên hư hỏng, lêu lổng trên địa bàn có công ăn việc làm, không vi phạm pháp luật.
“Đại ca làng” ngày ấy
Phạm Văn Ca sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo đông anh em, bản tính phóng khoáng nên đã bỏ ngang học hành từ khi còn là cậu học sinh cấp 2, ở nhà tụ tập bạn bè ăn chơi. Lúc bấy giờ, tại nhiều làng quê, trong đó có xóm Hồng Thọ, thường có “phong trào” trai làng cát cứ, khi có chuyện gì đó mâu thuẫn thường kéo nhau tập thể đi “dằn mặ”t đối phương, và Ca đã nhiều lần cầm đầu đám trai làng mình đi sang làng khác quậy phá để lấy số má. Biệt danh “Anh Ca” cũng xuất hiện từ đó. “Một lần hai nhóm trai làng xích mích, sẵn có quả lựu đạn trong tay mình nhặt được trước đó, mình đã rút chốt ném về đám đông khiến tất cả đều bỏ chạy toán loạn. Rất may, lần ấy lựu đạn đã không phát nổ, nếu không sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, anh Phạm Văn Ca tâm sự. Mặc dù không gây ra hậu quả nghiêm trọng nào, nhưng với việc “tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép”, Ca đã bị bắt và bị kết án 72 tháng tù giam, thụ án tại Trại giam số 3 Bộ Công an, đóng chân trên địa bàn huyện Tân Kỳ.
Anh Ca với công việc hằng ngày của mình |
Sau khi mãn hạn tù, trở về địa phương Ca bị kỳ thị, xa lánh nên bản thân rất bất mãn, xách ba lô lên và đi. Ấy là vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đúng vào giai đoạn đá đỏ Quỳ Châu đang lên cơn sốt, vậy là Ca tìm đến đây mong thay vận đổi đời. Tuy nhiên, những tháng ngày bạc mặt với niềm tin ở chốn địa ngục trần gian, nơi mà đầy rẫy chuyện chém giết, cướp bóc, cờ bạc, ma túy, mại dâm diễn ra như chớp mắt mỗi ngày này, Ca đã gác tay lên trán để suy nghĩ về chặng đường đời còn lại phía trước, và anh quyết rời bỏ giấc mơ đá đỏ, về lại quê hương nơi mình đã sinh ra và lớn lên, bởi sau bao bầm dập của số phận, Ca nhận thấy một điều, không đâu bao dung bằng chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Phục thiện trên quê nhà
Về lại quê nhà, Phạm Văn Ca nhờ bố mẹ vay mượn tiền bạc để mình vào tận TP Hồ Chí Minh học nghề sửa chữa ôtô. Sau hơn một năm miệt mài học tập, khi tay nghề đã vững, Ca rời chốn phồn hoa về lại quê nhà để bắt tay vào lập nghiệp, đó là thời điểm của năm 2000. Anh Ca chia sẻ: “Thấy mình tu chí thực sự, bố mẹ đã chắt bóp tiền bạc, mua cho mảnh đất bám đường lớn để làm xưởng sửa chữa ôtô. Thương đấng sinh thành vất vả, mình đã rất cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của các cụ, nhưng cũng phải rất kiên định mới chiến thắng được bản thân”. Theo anh, thời điểm đó xe ôtô không thịnh hành như bây giờ, đặc biệt là xã nghèo heo hút như Nghĩa Hồng thì lại càng ít, bản thân vào tù ra tội, vừa bị kì thị trong khi tay nghề chưa cao, chưa tạo dựng được thương hiệu nên thời gian đầu rất khó khăn, có lúc anh đã có ý định đóng cửa để đi làm việc khác.
Tuy nhiên, cũng thời gian này, cô giáo cấp 1 trường làng, cũng chính là vợ anh bây giờ, đã phải lòng Ca. Chị Cao Thị Thế, ngày ngày đạp xe đi dạy về qua đã bị hình ảnh chàng trai lực lưỡng lúc nào cũng miệt mà với công việc, người lấm lem dầu mỡ, ngồi ngay bên đường nhưng lại rất ít khi trò chuyện với người khác ấy hút hồn. Sau nhiều lần như thế, cô giáo Thế đã chủ động làm quen rồi tình yêu đến lúc nào không hay. Ban đầu anh Ca cũng ngại ngùng, mặc cảm song tình cảm đã lấn át tất cả và chính tình yêu ấy đã cứu rỗi và động viên Ca vững tin với lựa chọn của bản thân.
Sau khi hai người cưới nhau, công việc làm ăn của Ca có nhiều biến chuyển, khởi sắc nên đã đều tay hơn. Với tay nghề tốt nên gara của anh dần dà có nhiều cánh tài xế biết đến, rỉ tai nhau đến đây để sửa chữa, bảo dưỡng lúc xe cộ gặp sự cố. Cho đến nay, gần 15 năm gắn bó với công việc của mình, anh Ca đã tạo được thương hiệu thực sự, bản thân anh cũng là thợ sửa xe ôtô có tiếng và gần như duy nhất của xã, gara của anh cũng đã được đổi tên thành “Anh Ca” để đánh dấu thời thanh niên sôi nổi. Anh cũng đã trực tiếp dạy và tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong xã, trong đó có những phần tử xấu, lêu lổng có công ăn việc làm. Thu nhập bình quân mỗi ngày từ công việc này mang lại cho anh trên dưới 1 triệu đồng. Cuộc sống gia đình nhờ vậy cũng đỡ vất vả hơn.
Anh Phạm Văn Ca cho biết thêm, anh đang vay mượn thêm vốn để mở rộng gara, tuyển dụng thêm người làm để tạo công ăn việc làm cho nhiều người trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng đến những người đã từng lầm lỡ, thanh niên lêu lổng để họ không sa vào con đường lầm lạc như thời trai trẻ mà bản thân anh đã can qua.
Thiện Thành