Gia đình xã hội
Những bi kịch từ ma túy ở bản Cặp Chạng
(Congannghean.vn)-Yên Tĩnh, thủ phủ của tệ nạn ma túy đã gieo rắc bao nhiêu đau đớn, xót xa. Những “cái chết trắng”, tình trạng bố mẹ ly hôn, hay đang trong thời gian thụ lý, để lại những đứa trẻ dại khờ, bơ vơ và trở thành gánh nặng với ông bà. Đây là thực trạng đáng buồn đang diễn ra tại bản Cặp Chạng, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương.
Chúng tôi có dịp về Yên Tĩnh vào một ngày đầu năm. Từ sáng sớm, khe Chà Hạ giữa tiết trời còn lạnh giá, ông Vang Đình Hiệu và bà Kha Thị Duyên năm nay đã trên 60 tuổi đang cặm cụi còng lưng đãi vàng. Dừng tay, ông Hiệu chia sẻ: “Đến tuổi xế chiều, đáng lẽ ra được nhờ con cái, nhưng ngặt nỗi gia đình tôi vô phúc. Vợ chồng tôi sinh được 4 đứa con thì 2 đứa ra đi vì nghiện ma túy nặng, 1 đứa thì đang thụ án tù. Bây giờ hai vợ chồng phải cố gắng gượng để nuôi 3 đứa cháu nhỏ ăn học”.
Bà Duyên hai tay còn để vương bùn cát, gạt dòng nước mắt nhớ lại: Đứa con trai cả là Vang Văn Tình đã chết bởi ma túy. Có vợ và 2 con nhưng rồi không chịu khó làm ăn, nghe theo bạn bè rủ rê đi buôn ma túy và bị bắt. Ngồi tù chẳng được bao lâu, khi ra thì có ngờ đâu Tình chết vì bệnh AIDS, để lại vợ và 2 đứa con (đứa lớn học lớp 4, đứa nhỏ học lớp 3). Không chịu được điều tiếng, vợ Tình cũng bỏ bố mẹ chồng, bỏ con cho ông bà đi lấy người khác. Chưa dừng lại ở đó, số phận trêu ngươi ông Hiệu và bà Duyên khi người con thứ 2 là Vang Văn Kháy cũng theo anh trai mà nghiện ngập rồi buôn bán “khói thuốc trắng”.
Dù tuổi đã cao, vợ chồng ông Hiệu vẫn phải đi đãi vàng để nuôi cháu |
Hiện, Kháy đang lĩnh án tù tại Quảng Bình. Vang Văn Kháy có vợ và 2 con. Kháy vào tù, vợ Kháy cũng quyết định ly hôn rồi lấy người khác. Bồng bế một đứa ra đi, đứa còn lại vợ Kháy nhờ ông bà cưu mang. Cuộc đời ông bà hết nuôi con giờ lại gánh nặng với những đứa cháu. Nhà mỗi một cô con gái thì đã mất cách đây gần 10 năm, khi cô mới tròn 17 tuổi. Giờ đây, ông Hiệu, bà Duyên sống cùng với vợ chồng đứa con trai út và nuôi 3 cháu nội. Tuổi cao không thể lên nương làm rẫy, ngày qua ngày, hai ông bà lại dìu nhau xuống khe đãi vàng những mong có cái ăn, cái mặc. Có những ngày trời mưa liên miên, nước dâng cao và chảy xiết, ông bà không thể ra khe Chà Hạ đãi vàng được. Điều đó cũng đồng nghĩa, không thể có tiền, nên cả nhà chỉ biết dùng măng rừng và củ chuối chắt chiu ăn trừ bữa.
Theo chân Trưởng bản Quang Đại Tình, chúng tôi có mặt tại nhà ông Lô Văn Truyền (SN 1952) và bà Vi Thị Thu (SN 1950). Hai ông bà ở cách nhà ông Hiệu không xa. Cũng hoàn cảnh đông con, nhà 5 đứa thì 3 cô con gái đã lấy chồng, đứa con trai cả chưa lập gia đình, con trai thứ 2 là Lô Văn Đê (SN 1981) cách đây 5 năm đã chết vì nghiện ngập. Theo lời bà Thu, Đê vốn là người con ngoan, chịu khó làm ăn. Đê yêu một cô gái trong bản hiền lành, xinh đẹp là Lô Thị Pàn.
Hai vợ chồng sống hòa thuận và yêu thương nhau. Không hiểu từ khi nào, Đê bỗng dưng đổ đốn rơi vào nghiện ngập rồi bị nhiễm HIV. Để lại người vợ trẻ và đứa con nhỏ cho ông bà, Đê ra đi trong sự thương tiếc của bà con dân bản. Chồng mất, Pàn dựng quán tạp hóa nhỏ ở cuối bản để mưu sinh. Có lẽ đây cũng là số phận của Pàn khi chồng mất chưa được bao lâu thì một đêm giữa năm 2011, Pàn bị kẻ xấu sát hại bằng cách lấy sợi dây thừng siết vào cổ rồi dìm xuống khe Chà Hạ. Đêm đó, may mắn cho bé Lô Thị Như Bình, con gái của Lô Thị Pàn ở với ông bà nội. Như Bình nay đã 9 tuổi, hiện ở với ông bà.
Ngay như gia đình Trưởng bản Quang Đại Tình cũng không tránh khỏi chuyện đau xót. Mỗi khi nhắc đến chuyện con cái, ông buồn mà không nói nên lời. Con trai đầu của ông ra đi vì bệnh AIDS. Vợ bỏ đi, để lại hai đứa con nhỏ cho ông Tình cưu mang. Con trai thứ hai hiện đang thụ án vì tội tàng trữ, vận chuyển và sử dụng hêrôin. Nghe đâu, vợ nó đi sang Trung Quốc làm ăn, đứa con nhỏ đang sống với ông bà ngoại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại Trường THCS bán trú Yên Tĩnh có trên 10 học sinh do ông bà nội, ngoại cưu mang. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Yên Tĩnh cho biết: Nếu tính cả mầm non và tiểu học chắc hẳn sẽ phải nhiều hơn nữa. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở bản Cặp Chạng mà hầu khắp các bản làng của xã Yên Tĩnh. Thậm chí, có những người phải cưu mang một lúc 5 - 7 cháu...
Chia tay Yên Tĩnh trong sương chiều đã thấm lạnh, chúng tôi không khỏi nghẹn ngào. Hình ảnh ông Hiệu, bà Duyên cặm cụi đãi vàng, hình ảnh bé Như Bình ngồi một góc nhà trong đôi mắt đượm buồn bám riết lấy tôi... Rồi tôi chợt hỏi: Nếu biết được cảnh ngộ thế này, không biết những người con có kịp tỉnh ngộ và họ có đủ bản lĩnh để thoát khỏi ma lực của thứ khói trắng chết người hay không?
Phan Tuyết