Gia đình xã hội
Ai giả mạo hồ sơ nhận tiền đền bù GPMB QL1A?
(Congannghean.vn)-Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1A đi qua huyện Kỳ Anh có tổng chiều dài gần 55 km. Trong đó có 41,3 km phải thực hiện đền bù, GPMB với tổng kinh phí được phê duyệt 176 tỉ đồng. Công tác GPMB dự kiến hoàn thành vào ngày 30/3/2014 nhưng đang bị ách lại do nhiều hộ dân phản ứng. Để xảy ra tình trạng trên, ngoài việc người dân chưa hiểu đúng, hiểu rõ về chính sách đền bù của Đảng và Nhà nước còn có hệ lụy của những khuất tất trong công tác đền bù, GPMB xảy ra nhiều năm trước.
Ông Trịnh Đình Hân (72 tuổi) trú tại thôn Hoàng Dụ, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh phản ánh: Năm 1978, gia đình ông lên khai hoang vùng đất này. Năm 1993, ông bán cho 15 hộ dân khác xây dựng nhà cửa sinh sống và sau đó đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ). Năm 1996, khi Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1A lần thứ nhất được triển khai, gia đình ông cùng nhiều hộ dân dọc tuyến đường này đã hiến đất để thực hiện Dự án mà không biết mình được nhận một khoản tiền đền bù, hỗ trợ GPMB.
Ông Trịnh Đình Hân khẳng định, chính quyền xã giả mạo hồ sơ, “ăn chặn” tiền đền bù của gia đình ông |
Hơn 10 năm sau, một lần nữa, Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1A lại được thực hiện. Lúc này, gia đình ông cùng các hộ dân mới vỡ lẽ, trước đây cũng như thời điểm hiện tại, Nhà nước có chính sách đền bù đối với các hộ dân có đất bị thu hồi. Hồ sơ giấy tờ lưu tại Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh cho thấy, gia đình ông đã làm hồ sơ thủ tục để được đền bù. Tuy nhiên, ông Hân khẳng định, chữ ký trong hồ sơ không phải của ông mà đã bị giả mạo để nhận tiền hỗ trợ. Theo ông Hân, hộ ông Thiều Hinh ngay cạnh nhà ông còn được lập hồ sơ mang tên Nguyễn Thảnh rồi ký tên, đóng dấu hoàn tất thủ tục (?). Số tiền ký nhận của gia đình ông, ông Thiều Hinh và các hộ dân là trên 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng đền bù GPMB huyện Kỳ Anh xác nhận: “Chúng tôi đã nhận được thông tin này và đã có văn bản yêu cầu UBND xã Kỳ Khang làm báo cáo giải trình trước ngày 17/2/2014, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi”. Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Xuân Thi - Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang cho biết, qua xác minh đúng là có sự việc trên: “Đúng là có một số chữ ký của các hộ không giống chữ ký gốc lúc làm hồ sơ. Có thể chữ ký nhận tiền họ đã ký thay để nhận. Trong danh sách đền bù năm đó, có 22 - 23 hộ được nhận tiền. Thời kì đó, tôi không rõ nhưng toàn bộ số tiền này đã được bỏ vào ngân sách UBND xã để xây dựng các công trình phúc lợi (?)”.
“Sự cố” này ít nhiều làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân có đất bị thu hồi dọc tuyến QL1A khiến công tác đền bù GPMB tại Kỳ Anh đang gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Hội đồng đền bù GPMB huyện Kỳ Anh, con số chưa chấp nhận phương án đền bù GPMB tại xã Kỳ Phong là 170 hộ, Kỳ Đồng 17 hộ, Kỳ Khang 34 hộ...
P.V