Gia đình xã hội
Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng: Thắng lợi cũng đầy nước mắt
09:03, 13/03/2014 (GMT+7)
Để đưa những vụ tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng, người đấu tranh phải mất rất nhiều công sức, tiền bạc, xâm phạm danh dự… Nhìn những giọt nước mắt đắng chát của chị Hoàng Thị Nguyệt, Phan Thị Oanh, Nguyễn Thị Nam Đông tại phiên xét xử vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội ngày 7/3, chúng tôi cảm nhận phần nào sự hy sinh của họ.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW đúc kết rằng, nếu ai cũng né tránh cái xấu, không muốn “đụng độ” với nó thì cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của chúng ta rất khó thành công.
Họ là những người can đảm
Do yêu cầu công việc, nhất là từ khi Đảng ta quyết liệt thực hiện chống tiêu cực, tham nhũng, chúng tôi có dịp tìm hiểu, tiếp xúc với những cá nhân tích cực trên mặt trận này. Ở họ, đều có điểm chung là - giàu nhiệt huyết, ý chí kiên cường và rất mực yêu nước. Nếu không có những tố chất này, có lẽ không ai trong số họ có thể vượt qua những khó khăn, thách thức và đôi khi là những cạm bẫy để đi đến cùng sự thật. Có người, đến với cuộc đấu tranh này bắt đầu từ lý do cá nhân. Nhưng cũng có người “giữa đường thấy chuyện bất bình”. Cho dù lý do gì thì sự đấu tranh của họ đều vì mục đích đòi sự công bằng, trong sạch cho xã hội.
Ông Phú Đồ Sơn (ông Đinh Đình Phú), người có công đầu đưa vụ tham nhũng liên quan đến dự án đất đai Đồ Sơn ra ánh sáng “vào cuộc” khi đã nghỉ hưu. Vốn là một Đại tá Công an, lúc về già đáng được vui thú điền viên sau mấy chục năm cống hiến. Nhưng, những gì mà cựu sỹ quan An ninh này nghe, chứng kiến và tận mắt thấy sự thờ ơ của người lãnh đạo địa phương trước phản ánh về tiêu cực của dự án này khiến ông không thể đứng ngoài. Để đưa cái xấu ra ngoài ánh sáng, cái quan trọng nhất là bằng chứng. Thế là ông cất công đi thu thập chứng cứ, nhân chứng, tài liệu. Có trong tay những bằng chứng sát thực rồi, ông đến gõ cửa các cơ quan chức năng từ cấp quận, thành phố đến cấp TW. Ông kiên trì gõ cửa những cơ quan này cho đến khi gặp được những cán bộ lãnh đạo giàu tâm huyết ở Ủy ban Kiểm tra TW. Vụ việc được đưa ra ánh sáng.
Cũng là người “giữa đường thấy chuyện bất bình” là bà Nguyễn Thị Hòa ở Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Bà “vào cuộc” trong một lần đi lễ mẫu ở phủ Tây Hồ và nghe người dân bàn tán về tiêu cực trong dự án kè Hồ Tây. Là một cựu chiến binh, một cán bộ quân đội nghỉ hưu, bà đã dành thời gian được ngơi nghỉ của mình để vào cuộc đấu tranh này. Bà tự đóng vai người bắt ốc để đo đạc đất đai ven hồ, tự đi sưu tầm tài liệu, tự mình gõ cửa cơ quan chức năng. Cái bà được trong vụ việc này là góp công đưa những người tham nhũng trong dự án này ra toà.
Ông Hoàng Văn Khánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may xuất khẩu Hải Phòng bước chân vào “trận chiến” chống tham nhũng lại trong cảnh “con giun xéo mãi cũng quằn”. Doanh nghiệp của ông liên tục bị vị Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam Đoàn Tiến Dũng nhũng nhiễu. Liên tục chung chi số tiền hàng tỷ đồng nhưng vẫn không yên, bất đắc dĩ ông phải tố cáo đến cơ quan điều tra. Kết quả, đối tượng vi phạm phải ra tòa.
Cái được của những người chống tham nhũng là góp phần phanh phui cái xấu, bắt kẻ xấu bị pháp luật trừng trị. Nhưng cái mất của họ thì vô cùng. Đó không chỉ là mất thời gian, trí lực, tiền bạc mà cả xương máu, sự an toàn cho bản thân, gia đình lẫn danh dự. Ông Phú từng bị cả chục người kéo đến nhà chửi bới, đe dọa. Bà Hoà bị kẻ xấu ném “bom bẩn” vào nhà vào ngày Tết, lập bàn thờ tế sống trước cửa nhà. Ông Khánh bị xã hội đen bao vây trước cổng công ty, ngân hàng phong tỏa… Họ đã can đảm để đấu tranh, và phải can đảm để chấp nhận “cái được” sau thành quả mà cả xã hội tôn vinh.
Chị Oanh (phải) trả lời PV trong sự chì chiết, dò xét của người phụ nữ ngồi đằng sau |
Nước mắt giữa công đường
“Cái được” của các chị Hoàng Thị Nguyệt, Phan Thị Oanh, Nam Đông trong phiên tòa xét xử vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội là gì? Lẽ ra, đấy là ngày hoan hỉ của các chị khi những người làm sai phải đứng trước vành móng ngựa. Thế nhưng ngược lại, các chị đều khóc. Họ khóc vì nhiều nhẽ.
Tất cả mọi người tham dự phiên toà khi nghe Chủ tọa Nguyễn Bích Ngân đọc tên các bị cáo là nhân viên khoa Xét nghiệm đều ngậm ngùi. Họ đa số còn trẻ, tuổi đời mới 20. Họ mới vào nghề được 1, 2 năm và chủ yếu là nhân viên hợp đồng. Tâm huyết với nghề của họ còn hừng hực, tương lai của họ còn ở phía trước. Còn các “sếp” của họ, ông Nguyễn Trí Liêm, nguyên là Giám đốc Bệnh viện; bà Nguyễn Thị Nhiên, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện; bà Vương Thị Kim Thành, Trưởng khoa Xét nghiệm đều là những bác sỹ được đào tạo bài bản, có thâm niên tròm trèm 30 năm. Tại sao những nhân viên trẻ ở cái bệnh viện có tới 200 giường bệnh này lại dễ sa ngã như vậy? Tại sao những bác sỹ gắn bó với nghề gần cả cuộc đời, lại rơi vào vòng lao lý? Cơ quan điều tra, truy tố đều đã làm rõ hành vi phạm pháp của họ. Số tiền họ “móc” của cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa đầy 17 triệu đồng, một số tiền không quá lớn. Nhưng cái họ làm mất của ngành Y vô cùng lớn. Y đức ở đâu khi họ lấy kết quả xét nghiệm máu của người 57 tuổi để đưa vào kết quả xét nghiệm của đứa bé 2 tuổi?
Gần 800 kết quả xét nghiệm khống đã được cơ quan Công an làm rõ, số lượng những tờ phiếu kết quả xét nghiệm của từng nhân viên cũng được cơ quan Công an làm rõ. Trước công đường, những nhân viên này đều nhận tội. Khác hẳn sự thành khẩn của những nhân viên trẻ, vị nguyên Giám đốc bệnh viện một mực chối tội. Ông ta thừa nhận, trên cương vị là Giám đốc, ông có trách nhiệm quản lý chung. Nhưng ông ta phủ nhận, việc để xảy ra sai phạm này không phải do mình. Vị luật sư bào chữa đưa ra lý do, ngành Y có tính đặc thù nên người đứng đầu không phải chịu trách nhiệm trước cái sai của người khác. Thế nhưng bà Hà Thị Diễm, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà đã viện dẫn những quy định của ngành Y tế để chứng minh, ông Liêm phải chịu trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi không bàn luận đến kết quả tuyên án của Toà, khi ông Liêm nhận mức án cảnh cáo. Cái mà chúng tôi nói ở đây là nước mắt của những người đưa vụ việc này ra ánh sáng trong chính phiên tòa này.
Chị Nguyệt đã phải nhận những tin nhắn lăng nhục như thế này |
Chị Nguyệt khóc, chị Oanh khóc, chị Nam Đông khóc. Họ khóc vì tiếc nuối cho những nhân viên trẻ sớm rơi vào vòng lao lý, khóc vì sự chối tội đây đẩy của người từng đứng đầu bệnh viện khi đổ tội hết cho nhân viên của mình, khóc vì sự chì chiết, chửi bới của một số người trong đám đông kéo đến dự phiên tòa và khóc cho mình. Bản thân chúng tôi trong phiên xét xử đã ngồi cạnh các chị, đã tận tai nghe những lời nhục mạ của những người ngồi ở dãy ghế đằng sau dành cho những người dám đấu tranh với cái xấu. Những người này cho rằng, nếu các chị biết có việc sai trái mà ỉm đi thì con cái họ, người thân của họ không phải ra toà. Ôi! Cái lý không thể chấp nhận được.
Là người đấu tranh chống tham nhũng, nhưng tại phiên toà chị Nguyệt, chị Oanh xin HĐXX khoan hồng cho các bị cáo. Không dung tha cho cái xấu, nhưng họ cũng rất bao dung. Bởi là phụ nữ, là người trong cuộc nên họ biết, rất nhiều bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa chỉ là nạn nhân của ai đó. Những giọt nước của họ thêm mặn chát vì thế.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW: Nếu ai cũng né tránh cái xấu, không muốn “đụng độ” với nó thì cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của chúng ta rất khó thành công
Ngày 10/3, trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng chúng tôi được ông cho biết, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Để cuộc chiến này thành công, cần có sự vào cuộc của rất nhiều người và cần có sự bền bỉ. Các chị Nguyệt, Oanh, Nam Đông là những người phụ nữ rất can đảm. Trong xã hội ta hiện vẫn có những người nam giới, có khi còn có chức tước nhưng không dám xuất hiện để đấu với cái xấu. Nếu ai cũng né tránh cái xấu, không dám đụng độ với nó thì cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của chúng ta rất khó thành công. Hậu quả về vật chất trong vụ án ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức không lớn nhưng cái không đo đếm được là sự lừa dối, băng hoại đạo đức của ngành Y. Cần phải khai trừ khỏi Đảng những kẻ quan liêu, thiếu y đức.
|
CAND