Đào tạo lái xe là một nghề, một dịch vụ xã hội đặc biệt, vì thế sản phẩm “xuất xưởng” phải là sản phẩm xã hội cần và không được phép có lỗi. Đào tạo để có thể lái được xe chứ không phải chỉ để lấy bằng. Nhưng thực tế đã tồn tại quá nhiều kẽ hở trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), là nguyên nhân khiến tai nạn giao thông không được giảm thiểu, khó kiểm soát, khiến mỗi năm có gần 1 vạn trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông…
Đó cũng là thông điệp được đưa ra bàn thảo thẳng thắn tại hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông” do Học viện CSND phối hợp với Văn phòng UBATGTQG và Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an phối hợp tổ chức ngày 28/3.
Vẫn phổ biến tình trạng cấp bằng thật nhưng chất lượng giả
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND cho biết, theo thống kê hiện cả nước có 316 cơ sở đào tạo lái xe ôtô, trong đó có 125 cơ sở tư thục; 463 cơ sở đào tạo lái xe môtô và máy kéo; 96 trung tâm sát hạch lái xe được phân bố đều trong cả nước (riêng lực lượng Công an có 13 trung tâm đào tạo lái xe đang hoạt động).
Nhưng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn bộc lộ quá nhiều bất cập, như: phương tiện huấn luyện, phòng học chuyên dùng cũng như các trang bị, đồ dùng dạy học của một số cơ sở đào tạo còn thiếu; có cơ sở không có sân, bãi tập; năng lực và trình độ đội ngũ của giáo viên huấn luyện còn yếu kém; chương trình, nội dung và giáo trình đào tạo bị cắt xén, chậm đổi mới, nhất là nội dung đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông. Các cơ sở đào tạo chú ý đến lợi nhuận hơn là chất lượng sản phẩm đầu ra. Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm còn cảnh báo, tình trạng cấp bằng thật nhưng chất lượng giả vẫn còn xảy ra, còn tình trạng nể nang, công tác cấp GPLX chưa thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Mỗi người dân cần nâng cao văn hóa giao thông để tự bảo vệ mình |
Còn theo TS Đào Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Thông tin Viện Khoa học và Công nghệ giao thông, Bộ GTVT thì chất lượng giáo viên là một trong những vấn đề cốt yếu trong đào tạo, sát hạch lái xe. Hiện chưa có trường sư phạm đào tạo giáo viên dạy lái xe nên thiếu nguồn giáo viên có sẵn như các ngành nghề khác. Để có giáo viên, các cơ sở phải tuyển chọn đầu tư kinh phí đào tạo. Tiêu chuẩn là những người lái xe có kinh nghiệm, sau một thời gian tập huấn ngắn hạn được công nhận là giáo viên. Do vậy, nhận thức, trình độ cũng như văn hóa ứng xử của giáo viên còn hạn chế. Nói cách khác, hiện chúng ta vẫn chưa có chuẩn về giáo viên, từ sư phạm tới tay nghề đạo đức. Bên cạnh đó, TS Đào Huy Hoàng còn chỉ ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo. Cả nước hiện còn 15 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch lái xe, việc sát hạch phải sang tỉnh khác, gây tốn kém…
Tước giấy phép lái xe vĩnh viễn với trường hợp vi phạm nghiêm trọng
Có rất nhiều giải pháp thiết thực đã được đưa ra kiến nghị, đề xuất tại hội thảo. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Bộ Công an đề nghị phải sớm tổ chức thanh tra, kiểm tra năng lực đào tạo của các trung tâm dạy nghề và đào tạo, sát hạch lái xe; công tác quản lý, cấp đổi GPLX tại Công an địa phương nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, đồng thời phát hiện những khó khăn nảy sinh; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện công tác sát hạch, cấp GPLX đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn công tác.
Đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề xuất, cần có quy chế phối hợp với Bộ Công an trong việc cung cấp số liệu, dữ liệu về tai nạn giao thông, cập nhật thông tin về các đối tượng lái xe vi phạm pháp luật giao thông và các hoạt động về thu hồi, cấp, đổi GPLX sau khi cả nước đưa vào vận hành quản lý cơ sở dữ liệu GPLX mới. Sở GTVT TP Hồ Chí Minh còn kiến nghị, cần có biện pháp tước GPLX vĩnh viễn đối với những trường hợp vi phạm Luật Giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, tước GPLX dài hạn (trên 5 năm) đối với người lái xe thường xuyên vi phạm.
Vấn đề văn hóa giao thông đã được nhiều đại biểu đề cập tại hội thảo, vì đây được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng TNGT ở Việt Nam tăng hẳn so với các nước trên thế giới. Đại diện Trường Cao đẳng CSND I cho hay, bên cạnh việc hiểu biết đầy đủ và chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ thì mỗi cá nhân phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Người tham gia giao thông phải có lòng tự trọng và lòng nhân ái, cần cư xử một cách văn hóa khi tham gia giao thông trên đường, phải từ tốn, bình tĩnh khi xử lý các tình huống, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi khi vi phạm giao thông, gặp trường hợp tai nạn phải kịp thời chia sẻ và giúp đỡ. Văn hóa giao thông còn là đảm bảo tính công bằng khi tham gia giao thông.
Do đó, đại diện Trường CĐ CSND I còn cho rằng, các cơ quan chức năng phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, không khoan nhượng, bỏ sót những hành vi vi phạm luật giao thông để người vi phạm thấy được lỗi của mình, người không vi phạm thấy được tác hại của việc vi phạm…
.