(Congannghean.vn)-Trong 53 gương sáng về y đức được ngành Y tế tôn vinh trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Nâng cao y đức” vừa qua, có những bác sĩ tôi đã được nhiều lần tiếp xúc. Điều ấn tượng nhất về họ là sự vững vàng về chuyên môn, luôn làm trọn chữ “tâm” của người thầy thuốc trong sứ mệnh thiêng liêng nhất là chữa bệnh cứu người, thực sự là gương sáng về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân... Chị Trần Thị Tuyết ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An là một trong những tấm gương đó.
Bước vào sân Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, tôi bắt gặp một người nhà bệnh nhân nét mặt phấn khởi đang nắm chặt tay bác sĩ tạm biệt khi được đón con về sum vầy với gia đình sau nhiều ngày điều trị. Đến Bệnh viện Tâm thần Nghệ An nhiều lần, tôi đã được chứng kiến cảnh “kéo co” giữa người bệnh với người nhà, hoặc chống đối thầy thuốc khi điều trị; có khi đang đi thì một bệnh nhân nam chìa tay “cho xin điếu thuốc”; những bệnh nhân nữ mặt đờ đẫn, đang hát vang đó rồi bất chợt khóc… tôi càng hiểu hơn nỗi nhọc nhằn, nhẫn nại và sự tận tâm điều trị cho người bệnh của các y, bác sĩ nơi đây. Đến thăm Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, nơi tạo “ấn tượng” nhất chính là khoa điều trị bệnh nhân nam. Được trực tiếp làm việc với bác sĩ Trưởng khoa Trần Thị Tuyết, chúng tôi càng hiểu hơn về sự vất vả, suy tư và hơn cả là sự hy sinh thầm lặng mà đội ngũ thầy thuốc nơi đây đang cần mẫn thực hiện.
Ở đó có điều dưỡng trưởng Lê Thị Hương, điều dưỡng nam Phan Sỹ Bình cần mẫn, chu đáo, chăm sóc người bệnh. Rồi những lời dỗ dành nhẹ nhàng giúp người bệnh có cảm giác bình yên, hoặc một giấc ngủ êm ái để nhanh qua đi cơn kích động. Sự kiên quyết mà nhẹ nhàng, mềm mỏng của điều dưỡng Bình đã làm giảm đi sự nguy hiểm cho những y tá đang điều trị và cả những người xung quanh, do người bị bệnh hoang tưởng, rối loạn hành vi... Rồi tấm gương về y tá Sen gắn bó cả đời làm thầy thuốc nơi đây...
Khoa có 18 thầy thuốc thì có đến 13 nữ, mà chỉ tiêu 45 giường bệnh. Trong khi người bệnh lên đến 80 - 90 người, nên rất khó khăn trong việc bố trí nơi ăn, ngủ, vệ sinh. Chiếc giường nghỉ trưa của bác sĩ Trưởng khoa cũng được “trưng dụng” để phục vụ người bệnh.
Bác sĩ Trần Thị Tuyết đang kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân trước khi ra viện |
Là một cô gái của vùng núi Thanh Đồng - Thanh Chương, từng ước mơ trở thành cô giáo “gõ đầu trẻ” nhưng do cơ duyên mà chị trở thành y sĩ sản - nhi rồi về quê hương công tác năm 1996. Chịu đựng gian khó cùng các đồng nghiệp quê nhà, miệt mài công việc, chị Tuyết đã từng giúp đỡ rất nhiều sản phụ được “mẹ tròn, con vuông”… Với chất giọng trầm lắng, khuôn mặt hiền nhưng đôi mắt kiên nghị, bác sĩ Tuyết tâm sự: Khi đang làm việc ở khoa Sản - Nhi Bệnh viện Thanh Chương, có trường hợp sản phụ ở một xã xa trung tâm vào viện trong tình trạng bị “thai lưu”, người mẹ ngất lịm, người chồng nông dân chất phác, lóng ngóng không biết phải làm gì. Sau khi xử lý thai và cấp cứu xong người mẹ, tôi chạy vội ra quán mua nén hương rồi đốt đuốc, cầm cuốc xẻng cùng người chồng sản phụ lên đồi nghĩa trang của bệnh viện mai táng chu đáo cho sinh linh bé bỏng này. Đêm đó, chị Tuyết trằn trọc không sao ngủ được, rồi cứ thế công việc cuốn hút chị… Đến năm 2001, chị được cử đi học bác sĩ đa khoa rồi về Bệnh viện Thanh Chương với tấm bằng loại khá, chị Tuyết lại hăng say công việc với mong muốn được chứng kiến niềm vui của các bà mẹ trẻ khi nghe tiếng khóc chào đời của những em bé.
Mãi đến năm 2006, do hoàn cảnh gia đình (chồng chị cũng là thầy thuốc ở Khu điều dưỡng thương binh 4 - Nghi Phong), chị xin chuyển về Bệnh viện Tâm thần Nghệ An công tác. Được gần chồng, tuy nơi ăn, ở ban đầu còn khó khăn, lại con nhỏ, nhưng nhờ sự động viên của gia đình thực sự là tổ ấm để chị Tuyết vượt qua tất cả. Bắt đầu từ Khoa Bán cấp tính nam, chị được chuyển sang khoa Kế hoạch, sau đó là Khoa điều trị nam.
Nhờ chịu khó học hỏi từ người đi trước, lại nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, năm 2010, bác sĩ Tuyết được bổ nhiệm làm Trưởng khoa điều trị Bệnh nhân nam - vừa là Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác nữ công, chị miệt mài với công việc. Là khoa điều trị nam nhưng hầu hết y, bác sĩ là nữ, biết tâm lý, chăm lo xây dựng khoa tiên tiến như sự mong mỏi, tin tưởng của lãnh đạo Bệnh viện. Ghi nhận sự phấn đấu không mệt mỏi của chị, tập thể lãnh đạo và các thầy thuốc ở đây đã suy tôn bác sĩ Tuyết đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2011 - 2012; hiện chị đang chuẩn bị báo cáo để cấp trên và ngành chức năng thẩm định đề tài “Mô hình bệnh tật vào điều trị Khoa Bệnh nhân nam”, những mong chữa trị thành công cho những bệnh nhân nam khi đến khoa này. Từ Khoa, đã có nhiều bệnh nhân được trở về cuộc sống bình thường như: Anh Vũ Ngọc Tâm (24 tuổi) ở thị trấn Mường Xén - Kỳ Sơn, anh Nguyễn Mai Mão (20 tuổi) ở Thái Sơn - Đô Lương, anh Bùi Đình Thế (23 tuổi) ở Nam Giang - Nam Đàn, anh Nguyễn Văn Mong (36 tuổi) ở Sơn Trạch - Bố Trạch - Quảng Bình và còn nhiều bệnh nhân từ các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa và cả nước bạn Lào đã lành bệnh sau khi điều trị. Với sự kiên trì điều trị cho người bệnh, chị Tuyết luôn căn dặn, động viên, hướng dẫn chu đáo, tỉ mỉ bệnh nhân uống thuốc đầy đủ. Chị cũng không suy bì làm việc nơi này hơn, nơi kia thiệt. Mỗi bệnh nhân được điều trị lành bệnh trở về sum vầy với gia đình là niềm hạnh phúc của bác sĩ Tuyết, mong muốn sự đóng góp của mình như hạt cát nhỏ xây dựng ngành ngày càng vững mạnh...
Dù là vậy, nhưng chắc hẳn chị Tuyết cũng như các bác sĩ nơi đây cũng dự báo được những khó khăn sẽ chờ mình phía trước. Nhưng, họ đã và đang làm trọn chữ “tâm” của người thầy thuốc trong sứ mệnh thiêng liêng nhất là chữa bệnh cứu người.
.