Về quê sớm
Hơn một tháng nay, dọc Quốc lộ 1A, các bến xe khách lớn nhỏ ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... đã tấp nập người về quê ăn Tết. Trong câu chuyện tỉ tê của những người tha phương có cái gì đó phảng phất nỗi lo toan.
Xách chiếc valy cũ kỹ, bên trong đựng vỏn vẹn vài bộ quần áo, sáng 3-12-2013, hai chị em Nguyễn Thu Hương và Nguyễn Thu Thảo (quê Quảng Trị) đứng lóng ngóng ở ngã tư Linh Xuân (quận Thủ Đức) đón xe về quê sớm. Hương thở dài: “Quê em đất đai cằn cỗi trồng trỉa không được, bão lũ liên miên nên em theo mấy anh chị vào Sài Gòn làm công nhân may từ giữa năm. Cuối năm hàng hóa ế ẩm, bữa làm bữa nghỉ. Trong khi tiền lương “teo tóp” không đủ sống thì tiền nhà trọ, điện, nước cứ tăng nên hai chị em em và mấy bạn xin nghỉ trước. Làm từ nay đến Tết cũng kiếm được gần triệu đồng nữa nhưng vé xe ngốn gần gấp đôi rồi. Đợt rồi ngoài quê “dính” hai cơn bão, hai chị em làm không được bao nhiêu, không biết năm nay gia đình em lấy gì đón Tết đây?”. Cầm chút tiền ít ỏi về quê, Hương không khỏi chạnh lòng, lo âu.
Nhấp nhổm đón xe cả buổi sáng ở cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức) nhưng vợ chồng anh Lê Văn Thắng, chị Mai Thị Nhung (quê Hà Tĩnh) vẫn chưa tìm được chuyến nào có giá “mềm”. Anh Thắng làm công nhân cho một công ty điện tử ở Khu chế xuất Linh Trung II, công việc bấp bênh, ít tăng ca. Bốn tháng nay, anh phải gồng gánh nuôi vợ con vì chị Nhung phải ở nhà chăm con nhỏ. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào đồng lương còm cõi của anh nên rất chật vật. Tối đến, vợ chồng anh phải luộc thêm nồi bắp ngồi vỉa hè bán nhưng cũng chỉ đủ tiền mua sữa cho con.
Mỗi dịp Tết về, anh hết lo chuyện thôi nôi, cưới xin của bạn bè, chuyện về quê đến rạc người. Sau hai năm đón Tết ở Bình Dương, năm nay kinh tế khó khăn, anh quyết định đưa cả nhà về quê ăn Tết sớm. Anh Thắng tâm sự: “Mình nghèo nên phải chọn chiếc xe nào lấy giá rẻ để đi thì mới dư ra tý tiền mua quà cho ông bà thằng nhỏ. Biết là giờ về quê cũng chẳng làm gì, ở lại mươi bữa nữa cũng kiếm được hơn triệu đồng, nhưng tiền xe lúc đó đắt đỏ, bù qua trừ lại đâu cũng vào đấy. Cha mẹ tôi làm ruộng, mùa này lại vào mùa cấy, cũng muốn về phụ thêm gia đình”.
Gần 25 tuổi, Nguyễn Thanh Hưng (quê Phú Yên) đã làm phụ hồ ở Bình Dương, Đồng Nai gần mười năm. Những năm trước, công việc đều đặn, chủ thầu thưởng mỗi người năm, bảy triệu đồng, cộng với tiền lương tích góp cả năm, quà cáp gia chủ cho, Hưng và anh em đồng nghiệp có ít tiền giúp gia đình có cái Tết đầm ấm, nhưng năm nay khác. Hưng trải lòng: “Những công trình lớn mình không có khả năng đảm nhiệm, công trình nhỏ thì làm dăm bữa nửa tháng là xong. Thời buổi khó khăn, người ta cũng ít xây dựng lắm! Có xây cũng chỉ sửa chữa qua loa nên một ngày làm, hai, ba ngày nghỉ. Tụi em phải về quê sớm chứ lóng ngóng ở đây chỉ tốn tiền ăn, tiền trọ”.
Công nhân phải về Tết sớm vì thu nhập bấp bênh |
'Chạy sô' làm Tết
Tại các xóm trọ công nhân quanh khu chế xuất, khu công nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... những ngày giáp Tết, không khí có phần ảm đạm. Tiếp tôi trong căn phòng chật chội chưa đến 12m2, chị Nguyễn Thị Huyền (quê Quảng Bình) tâm sự: “Lương cơ bản của em chỉ 2,7 triệu đồng/tháng, cộng với tiền chuyên cần, phụ cấp cũng đủ ăn. Nếu có việc để tăng ca, làm 12 tiếng/ngày thì được khoảng 4,5 triệu đồng, nhưng năm nay công ty ít tăng ca nên không có thêm thu nhập gì. Mọi chi phí đều trông vào lương cơ bản. Lúc trước, tụi em được thưởng Tết khoảng 3 triệu đồng, nhưng năm nay chỉ được ba lít dầu ăn, hai gói bột ngọt và 1,5 triệu đồng. Lương, thưởng cuối năm em chỉ dám mua đôi giày, ít kẹo mứt, còn đâu phải “nhịn” mua áo quần để gửi về nhà. Thu nhập thấp, cuộc sống hàng ngày không đảm bảo nên tụi em ngại Tết lắm! Năm nay, nếu công ty tổ chức làm Tết thì em sẽ làm. Chỉ mười ngày Tết nhưng lương tăng từ 150 đến 300%, tụi em có thể kiếm thêm từ hai đến bốn triệu đồng, số tiền này với tụi em không hề nhỏ”.
Chị Nguyễn Thị Gái - chủ nhà trọ gần Khu công nghiệp Đồng An (tỉnh Bình Dương) - cho biết: “Không như mọi năm, năm nay công nhân ít tăng ca nên phần lớn họ đi làm về rất sớm. Những người ở lại, thay vì háo hức chờ Tết thì hầu hết lại buồn thiu. Có người bốn, năm cái Tết rồi không về quê, giờ muốn về nhưng không có xe, tiền quà cáp. Đó là chưa kể phải chuẩn bị tiền cho lúc vào lại chứ chẳng lẽ ngửa tay xin gia đình? Với một bộ phận lớn công nhân, những ngày Tết là những ngày buồn”.
Chị Nguyễn Thị Lan (quê Thanh Hóa) ở trọ tại phường Bình Hòa (thị xã Thuận An, Bình Dương) được sáu năm nay. Cuộc sống khó khăn, sợ không lo được cho gia đình nên chị ngại lấy chồng. Ba tuần nay, chị thường xuyên lên mạng “săn” việc làm Tết để kiếm thêm thu nhập. “Ở xóm trọ này, Tết đến, thay vì đi mua đồ chuẩn bị đón Tết thì nhiều công nhân phải “cày” thêm để có tiền chi tiêu và dành dụm gửi về nhà. Có người xin phụ quán nhậu, siêu thị, người bán trái cây, rau quả, người thì bán khoai nướng... ai cũng tất tả lo toan hơn. Nói đến Tết mà tụi em thấy sợ”, chị Lan ngậm ngùi.
Chung suy nghĩ với chị Lan, anh Lê Hữu Nam, làm công nhân của Công ty giày Thái Bình ở Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), cho biết: “Quê em ở Nam Định, nếu hai vợ chồng về quê, chỉ tính riêng tiền xe đã mất gần 5 triệu đồng, số tiền đó rất lớn đối với con nhà nông như em. Đi làm ăn xa, Tết ai không muốn về quê nhưng kinh tế khó khăn, mình chịu thiệt một tý để dành số tiền đó khi gia đình có việc gấp thì về”. Mấy hôm nay, Nam phải chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm thêm cho hai vợ chồng: “Có một công ty đã nhận tôi làm bảo vệ nên sắp tới sẽ đi làm, tôi tính xin cho vợ làm ở một cửa hàng tạp hóa nào đó để kiếm thêm thu nhập”.
Trái ngược với tâm trạng nhiều người đang hối hả mua quà mang về quê đón Tết thì số người ở lại xem đây là “mùa” làm ăn. Tết đến, những tưởng công nhân sẽ vui vẻ đón xuân nhưng trên khuôn mặt của nhiều người không giấu nổi vẻ lo âu về gánh nặng cơm áo gạo tiền.