Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201312/nhieu-tuyen-duonghanh-dan-423786/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201312/nhieu-tuyen-duonghanh-dan-423786/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhiều tuyến đường..."hành dân" - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 04/12/2013, 09:14 [GMT+7]

Nhiều tuyến đường..."hành dân"

(Congannghean.vn)- Trục đường nhánh 533 từ xã Thanh Giang đi xã Thanh Mai nối đường mòn HCM dài 8 km, khởi công từ tháng 3/2007, do UBND huyện Thanh Chương làm chủ đầu tư, tổng nguồn vốn 40 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2011.

Sau hơn 6 năm thi công, nhà thầu mới chỉ xây dựng được 2 cây cầu, cống thoát nước, nền đường. Người dân các xã Thanh Mai, Thanh Giang quen miệng gọi đây là con đường... “hành dân”. Bởi mùa nắng, đến nhà nào cũng phải chăng bạt che bụi bẩn, còn mùa mưa thì ngập ngụa trong lớp bùn nhão nhoét, rãnh cao, hào sâu... Đây chỉ là một trong số rất nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Thanh Chương chậm tiến độ với lý do thiếu vốn.

Cận cảnh con đường... “hành dân”

Tuyến đường liên xã này chủ yếu đi qua địa bàn xã Thanh Mai, là trục đường huyết mạch, có ý nghĩa lớn trong đời sống dân sinh của người dân 2 xã Thanh Mai, Thanh Giang. Năm 2007, khi UBND huyện Thanh Chương có chủ trương đầu tư làm mới đường nhựa, người dân 2 xã Thanh Mai, Thanh Giang rất phấn khởi, bởi không những tránh được cảnh trầy trật mỗi khi đi trên tuyến đường đất đá lởm chởm này mà còn giúp người dân hạn chế được thiệt hại do lũ lụt hàng năm trong vùng rốn lũ Bích Hào.

Hy vọng vào một sự đổi thay trên vùng đất quanh năm lụt lội này, người dân 2 xã Thanh Giang, Thanh Mai hết sức đồng thuận, công tác giải phóng mặt bằng vì thế được thực hiện chóng vánh, đơn vị thi công sớm được nhận bàn giao mặt bằng để bắt tay ngay vào việc triển khai dự án. Dự án gồm 2 cây cầu với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng, 8 km đường nhựa miền núi cấp 5, rộng 6 m (nhựa 3,5 m).

Thế nhưng, sau khi xây dựng xong 2 cây cầu, đặt hệ thống cống thoát nước và nền đường, đơn vị thi công mới chỉ rải thêm được 1 km đá, 200 m đường nhựa với số vốn từ ngân sách tỉnh khoảng 20 tỷ đồng. Hậu quả là, đường sau khi được đầu tư, đổ cả đống tiền vào, người dân lại phải “sống dở chết dở” khi đi lại trên con đường này. Mùa nắng, khi phương tiện giao thông di chuyển cuốn theo bụi tung mù trời; mùa mưa nhão nhoét, xẻ thành hào sâu, lầy lội, trơn trượt khiến việc đi lại gặp rất nhiều trở ngại.

Mặc dù hàng năm, qua các kỳ họp Hội đồng nhân dân, tiếp xúc cử tri, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 xã Thanh Mai, Thanh Giang đều có ý kiến lên các cấp chính quyền nhưng mọi việc đều chìm trong vô vọng. Trước tình hình trên, năm 2013, UBND xã Thanh Mai phải huy động nhân dân, đặc biệt là những người hưởng lương, phụ cấp đóng góp để san gạt nền đường, đổ thêm cát, sạn giúp việc đi lại dễ dàng hơn.

Được biết, năm 2013, từ nguồn đóng góp trong cán bộ, nhân dân, hội đồng hương xã Thanh Mai tại TP Vinh, người dân xã Thanh Mai đã đầu tư gần 100 triệu đồng san gạt nền đường, thuê xe chở sạn, đá cuội từ các khe suối đổ thêm cấp phối. Nhưng chỉ sau vài ngày mưa dầm, mọi việc lại trở về như cũ, đường tiếp tục sụt lún, nhão nhoét bùn đất khiến việc đi lại hết sức khó khăn.

Người và xe khó khăn khi lưu thông trên tuyến đường qua xã Thanh Mai

Còn nhiều tuyến đường...“hành dân” do thiếu vốn

Ông Nguyễn Viết Thiện - Trưởng phòng Công thương huyện Thanh Chương xác nhận, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thi công dang dở là do thiếu vốn. Tuyến Thanh Giang - Thanh Mai - Đường mòn HCM có tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, nhưng sau hơn 6 năm thi công (chậm tiến độ hoàn thành 2 năm), ngân sách tỉnh cấp mới chỉ được 50%. Đặc biệt, năm 2012, chỉ được cấp 1 tỷ đồng, năm 2013 là 1,2 tỷ đồng.

Cũng theo ông Thiện, hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Chương còn có một số tuyến đường không đảm bảo tiến độ hoàn thành, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiếu vốn. Các tuyến đường này chủ yếu nằm ở phía hữu ngạn sông Lam. Hệ thống giao thông yếu kém, đi lại khó khăn, địa hình thấp trũng là một trong những nguyên nhân khiến đời sống kinh tế người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuyến Thanh Thịnh đi đường mòn HCM có chiều dài 7 km, khởi công năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2013 với tổng mức đầu tư 26 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ hoàn thành được 5 km nền đường, 2 cây cầu đang thi công dang dở. Tuyến Thanh Tùng đi đường mòn HCM có tổng chiều dài 8 km, khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành năm 2012, với tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng, đến thời điểm này cũng còn khoảng 5 km chưa được đổ nhựa... Những tuyến đường thi công dang dở thực sự trở thành nỗi ám ảnh của người dân huyện Thanh Chương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có một số tuyến đường chỉ sau vài ba năm bàn giao đi vào sử dụng đã có những dấu hiệu hư hỏng nặng khiến việc đi lại, sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

.

Võ Văn Dũng

.