Gia đình xã hội
Bóng hồng góp phần 'hạ nhiệt' đường phố
16:02, 11/12/2013 (GMT+7)
"Mỗi ngày được ra đường điều tiết giao thông là một ngày em cảm thấy tràn đầy cảm xúc, tự hào vô cùng. Giúp được cụ già qua đường, giúp được các em nhỏ am hiểu và chấp hành tốt hơn luật giao thông, hay chỉ đơn giản nhìn thấy dòng người nghiêm chỉnh dừng xe theo hiệu lệnh của Cảnh sát, hay đèn tín hiệu giao thông… là bao mệt mỏi, bao vất vả dường như không còn" - Thiếu úy Nguyễn Mai Huyền (Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Hà Nội) bộc bạch.
Chiều 10/12, trong hội trường Tổng cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, lời bài bát "Từ một ngã tư đường phố" của nhạc sĩ Phạm Tuyên một lần nữa được cất lên trong tiết mục văn nghệ của chính các nữ Cảnh sát giao thông Hà Nội. Câu kết của bài hát cũng là lời mở đầu cho buổi tọa đàm về Hình ảnh của nữ CSGT trong công tác giữ gìn TTATGT. Chương trình do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp cùng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Tổng cục XDLL CAND tổ chức. Đến tham dự buổi tọa đàm có bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cùng đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội và các khách mời của chương trình.
Nữ Cảnh sát giao thông giúp người lưu thông… hạ nhiệt
"Mỗi lần bước chân ra đường, người dân lại phải đối mặt với áp lực giao thông, với thời gian lưu thông, và với cả những khó chịu của thời tiết. Nhiều thứ cộng lại, khó ai tránh được cảm giác bức bối trong lòng. Nhưng khi dừng xe ở một ngã tư, bắt gặp hình ảnh bóng hồng Cảnh sát giao thông (CSGT) đang hướng dẫn giao thông đầy thân thiện, với nụ cười tươi dễ mến, lòng người như dịu lại. Thậm chí ai đó có ý định vượt đèn đỏ, hay chen lên lấn làn, đều sẽ dừng lại. Nhờ họ, giao thông đang được cải thiện. Tôi và nhiều người tham gia giao thông đã cảm nhận được điều đó trong thời gian qua" - bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, khách mời của buổi tọa đàm chia sẻ. Vị khách đặc biệt này cũng cho hay, nữ CSGT đứng bục, không chỉ đẹp trong con mắt của người Việt Nam, mà còn đẹp cả trong con mắt của người nước ngoài.
Bày tỏ sự mến phục đối với nữ CSGT, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng, xã hội chúng ta đang phát triển với không ít sự phức tạp, đâu đó là hình ảnh những thanh niên bặm trợn cố tình gây mất trật tự an toàn giao thông, nhưng khi gặp nữ Cảnh sát xử lý trên đường, bản tính hung hăng phần nào sẽ giảm.
Chỉ có làm hết việc, chứ không có chuyện hết giờ
Nhắc đến nghề Cảnh sát, là nhiều người lập tức liên tưởng đến một công việc nguy hiểm, khô cứng… một công việc dành cho đàn ông. Thế nhưng, trong thời hiện đại này thì ngày càng có nhiều chị em phụ nữ là những chiến sỹ Công an. Các chị kiên cường, mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chẳng kém gì các đấng mày râu. "Nữ CSGT có thể làm được tất cả các nhiệm vụ của người Cảnh sát", Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội, khách mời của chương trình cho biết.
Vị Trưởng phòng cũng cho hay, hàng ngày dù nắng hay mưa, nữ CSGT vẫn phải ra đường làm nhiệm vụ từ 6h sáng, buổi chiều lại ra chốt đến 6 - 7h tối. Sau những giờ đứng bục, họ lại về trụ sở giải quyết hồ sơ vi phạm, chứ không có chuyện làm đến giờ là về. Ngoài áp lực giao thông ngoài đường, về trụ sở họ lại đối mặt với các kiến nghị, thắc mắc của người dân trong quá trình giải quyết vi phạm. Kiên quyết, nhưng không cứng nhắc, sắc sảo nhưng mềm mại, dịu dàng nên đa phần nữ CSGT giải quyết hồ sơ, thủ tục rất hiệu quả. Người dân đến giải quyết vi phạm cũng như am hiểu và chịu khó lắng nghe hơn.
Một hình ảnh đẹp về nữ chiến sỹ CSGT |
Phải đứng giữa cái nắng có lúc lên tới 45oC, giữa giá rét buốt có lúc thấp hơn 10oC, nhưng "Mỗi ngày được ra đường điều tiết giao thông là một ngày em cảm thấy tràn đầy cảm xúc, tự hào vô cùng. Giúp được cụ già qua đường, giúp được các em nhỏ am hiểu và chấp hành tốt hơn luật giao thông, hay chỉ đơn giản nhìn thấy dòng người nghiêm chỉnh dừng xe theo hiệu lệnh của Cảnh sát, hay đèn tín hiệu giao thông… là bao mệt mỏi, bao vất vả dường như không còn" - Thiếu úy Nguyễn Mai Huyền (Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Hà Nội) bộc bạch.
Không chỉ có CSGT trên đường bộ, tại buổi tọa đàm, hình ảnh những nữ CSGT đường thủy lái cano, vất vả trên những tuyến sông, đi điều tra vi phạm, đến từng bến đò, đến từng thuyền của người dân để tuyên truyền vận động họ chấp hành quy định mặc áo phao, hay thực hiện quy định an toàn giao thông đường thủy cũng đã được nhắc đến.
Là phụ nữ, hơn ai hết, bà Lê Thị Nga, đại biểu Quốc hội, thấu hiểu ngoài việc phải đảm đương trách nhiệm công việc, sau mỗi giờ làm, những nữ Cảnh sát còn phải đảm nhận thiên chức của một người mẹ, người vợ, giữ lửa ấm cho gia đình.Bởi thế, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng có lẽ cần thêm một số văn bản của lực lượng CSGT về chính sách ưu đãi đối với nữ CSGT.
Đồng quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho biết, hiện nay nữ CSGT chiếm khoảng 8% quân số lực lượng CSGT. Nữ dù được ưu ái hơn trong khi làm nhiệm vụ, song lại chịu áp lực nhiều hơn nam giới. Mới đây, Chính phủ cũng đã quan tâm đến chế độ bồi dưỡng cho CSGT. Điều này, cũng sẽ phần nào giúp họ đỡ khó khăn hơn. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, thì những nữ CSGT vẫn đang hàng ngày góp phần tích cực vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đảm bảo bình yên cho những tuyến đường. Và động lực giúp họ tự tin hơn cả, chính là cái nhìn thiện cảm, là sự khâm phục, là sự ghi nhận của người dân.
CAND