Gia đình xã hội

Scandal thực phẩm bẩn chấn động dư luận năm 2013

15:09, 11/12/2013 (GMT+7)

Thực phẩm bẩn, chứa chất độc hại hưởng tới sức khỏe luôn là vấn đề nhức nhối chưa có cách giải quyết. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay các vụ thực phẩm bẩn liên tục được phanh phui khiến người tiêu dùng càng hoang mang, lo lắng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người dân vẫn luôn được khuyến cáo là hãy trở thành người tiêu dùng thông minh trước sự bủa vây của thực phẩm nhiễm hoá chất độc hại. Nhưng xem ra điều đó thật khó thực hiện khi mà các cơ quan chức năng đang thể hiện vai trò khá mờ nhạt như hiện nay

Hãy cùng nhìn lại những scandal thực phẩm bẩn chấn động dư luận trong năm 2013.

Thịt ngựa giả thịt bò ở châu Âu

Vụ scandal thịt ngựa giả thịt bò bị phanh phui vào tháng 2 cho thấy có hơn 10 nước châu Âu có dính líu đến vụ việc này. Ngoài nước được cho là nơi xuất phát của thịt ngựa giả thịt bò là Romania thì còn có 10 nước khác đã bị phát hiện có thịt bò giả trên thị trường.

Theo cơ quan chống gian lận thương mại của Pháp thì tổng cộng đã có 750 tấn thịt ngựa giả thịt bò bị đưa ra thị trường, trong đó 550 tấn dùng để chế biến thành khoảng 4,5 triệu sản phẩm thịt đông lạnh để bán ở 13 nước châu Âu. Những con số trên đủ cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhất là khi các sản phẩm thịt ngựa giả thịt bò lại là những sản phẩm tiêu dùng hết sức thông dụng ở các nước châu Âu như sốt thịt bò Lasagne, Bolognaise dùng cho món mỳ Ý, hay thịt bò viên dùng làm nhân pizza, hamburger…

Có thể nói, scandal thịt ngựa giả thịt bò này là một cú sốc khá lớn với người tiêu dùng ở châu Âu bởi châu Âu vốn nổi tiếng là nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và người tiêu dùng châu Âu cực kỳ khắt khe với vấn đề vệ sinh thực phẩm và sức khỏe.

 

Tiến hành xét nghiệm sản phẩm có thịt ngựa
Tiến hành xét nghiệm sản phẩm có thịt ngựa

Theo các chuyên gia y tế và dinh dưỡng thì nếu thịt ngựa được dán mác thịt bò là thịt ngựa nguyên chất, thịt ngựa “sạch” thì không vấn đề gì bởi thịt ngựa cũng là loại thực phẩm có dinh dưỡng và được tiêu thụ nhiều ở châu Âu. Vấn đề là người ta nghi trong các loại thịt ngựa được cho là có nguồn gốc từ Romania này có các loại chất cấm có thể gây bệnh cho con người.

Các con ngựa bị giết thịt có thể trước đó là ngựa đua, ngựa chở hàng và thường được cho dùng chất kích thích để tăng sức khỏe. Sau đó, do Romania cấm ngựa chở hàng lưu thông trên đường nên chúng bị đưa vào các lò mổ để xẻ thịt rồi các hãng phân phối dán mác thịt bò mang đi tiêu thụ khắp châu Âu. Vì thế, scandal thực phẩm giả này cũng là một scandal lớn về vấn đề đạo đức.

Bún, phở chứa chất tẩy trắng huỳnh quang

Đầu tháng 7/2013, Cơ quan chức năng phát hiện bún, phở trên thị trường TP HCM có chứa chất làm trắng quang học Tinopal (còn gọi là huỳnh quang). Trong 30 mẫu bún, bánh hỏi, bánh canh, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt… mà Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (thuộc Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng) đã khảo sát trên thị trường ở TP HCM, có đến 24 mẫu chứa chất làm trắng quang học.

100% mẫu bún ở TP.HCM không đạt chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm (ảnh minh họa)
100% mẫu bún ở TP.HCM không đạt chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm (ảnh minh họa)

Đây là hóa chất gây hại đến đường tiêu hóa, có thể dẫn đến viêm loét dạ dày. Nghiêm trọng hơn, người ăn phải loại bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ bị suy gan, thận và có thể bị ung thư. Huỳnh quang cũng là một chất dùng trong công nghiệp nên khó tránh khỏi việc chứa các tạp chất gây hại cho sức khỏe.

Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng cho biết: “Sử dụng tinopal để làm tăng trắng cho thực phẩm chế biến từ bột gạo sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm tổn hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có nguy cơ dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt, tinopal có thể làm tổn thương mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Nếu ăn những thực phẩm chứa tinopal trong thời gian dài sẽ gây suy gan, suy thận, thậm chí cả bệnh ung thư”.

Thu hồi sữa nhiễm khuẩn, người tiêu dùng lo lắng

Tuần qua, dư luận dành sự quan tâm đặc biệt đến việc sản phẩm sữa của tập đoàn Fonterra, nhà sản xuất sữa lớn nhất New Zealand và là nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, bị nhiễm khuẩn.

Một danh sách các nước đã nhập khẩu nguyên liệu sữa nhiễm khuẩn được Fonterra công bố. Các hãng sữa ở nhiều nước đã tiến hành thu hồi sản phẩm, một số dù có hay không có tên trong danh sách trên đã ngừng nhập khẩu các sản phẩm sữa của New Zealand.

10 lô sữa Similac Gainplus IQ bị thu hồi
10 lô sữa Similac Gainplus IQ bị thu hồi

Một lần nữa vấn đề an toàn chất lượng sữa lại được gióng lên sau vụ bê bối "sữa bẩn" ở Trung Quốc năm 2008. Ngay sau đó, tại Việt Nam, hàng loạt các thương hiệu sữa được các bà mẹ tin dùng cũng dính nghi vẫn nhiễm khuẩn phải thu hồi. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thông báo tới các văn phòng đại diễn của những hãng sữa lớn nhật khẩu vào Việt Nam về việc thu hồi những sản phẩm nghi nhiễm khuẩn. Ngay sau đó Dumex ở VN đã tiến hành ngay việc dừng lưu hành và thu hồi sản phẩm Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi loại 800g với số lô 300513R1 do Công ty Danone Dumex (Malaysia) sản xuất ngày 30/5/2013.

Tiếp đến, Văn phòng đại diện Abbott Laboratories S.A tại VN cũng tiến hành thu hồi các nhãn sữa nằm trong diện nghi vẫn nhiễm khuẩn. Đến ngày 6/8, Abbott đã tiến hành thu hồi được 11.653 thùng sữa Similac GainPlus Eye-Q 400g và 900g có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinumtrên thị trường.

Công ty sữa Nutricia, thuộc tập đoàn thực phẩm Danone của Pháp cũng phải tuyên bố thu hồi toàn bộ sản phẩm Karicare trên thị trường New Zealand do có nguy cơ nhiễm vi khuẩn trên.

Trà chanh, nước mía vỉa hè nhiễm khuẩn, độc tố kim loại

Sáng ngày 23/7, Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam thuộc Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam công bố kết quả kiểm nghiệm một số loại nước uống đường phố tại Hà Nội.

Theo đó, trong tháng 7, Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn, Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam đã tiến hành lấy mẫu độc lập, ngẫu nhiên một số loại nước uống đường phố bao gồm: Nước trà xanh (đá), nước trà bát bảo, nước mía, nước ngô, nước trà đá, nước trà nhân trần, nước vối, mẫu nguyên liệu khô tiền pha chế (nhân trần khô) tại các phố Hoàng Cầu, Lãn Ông, Đê La Thành, Cát Linh … về kiểm nghiệm.

Kết quả cho thấy có 90% mẫu kiểm nghiệm nhiễm khuẩn E.coli; 100% mẫu nhiễm vi khuẩn B.cereus; 33% mẫu vượt hàm lượng vi khuẩn hiếu khí; 45% mẫu vượt giới hạn nấm men, nấm mốc; 33% mẫu phát hiện có hàm lượng kim loại nặng như chì, thủy ngân, Cadimi…

Trà đá, nhân trần, nước vối, nước ngô, trà bát bảo... đều nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)
Trà đá, nhân trần, nước vối, nước ngô, trà bát bảo... đều nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)

Trong đó, hàm lượng chì trong mẫu nước trà xanh, mẫu nhân trần khô và mẫu nước nhân trần đều vượt xa giới hạn cho phép. Hàm lượng Cadimi phát hiện vượt giới hạn cho phép trong mẫu nhân trần khô và nước nhân trần. Hàm lượng thủy ngân vượt ngưỡng cho phép có nhiều trong mẫu nước nhân trần.

Theo đó, vi khuẩn E.coli là loại vi khuẩn nguy hiểm, có thể tìm thấy trong phân, uống nước nhiễm vi khuẩn ngày người dân có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột, đặc biệt là tiêu chảy.

Phù phép thịt heo thối thành thịt bò khô

Ngày 6/9, Ðội CSÐT về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận Bình Tân, TP HCM đã bắt quả tang Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thực phẩm Thanh Ly (trên đường Lê Trọng Tấn, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) sản xuất khô bò từ thịt heo thối.

Hóa chất để biến thịt heo thối thành khô bò
Hóa chất để biến thịt heo thối thành khô bò

Lực lượng chức năng phát hiện trong kho của công ty này có hơn 6.500 kg khô bò thành phẩm được chế biến từ thịt heo thối và 3.500 kg thịt heo nguyên liệu đang ở giai đoạn phân hủy cùng với nhiều hóa chất, gia vị không rõ nguồn gốc.

Theo thông tin từ Công an Bình Tân, đây là cơ sở chuyên sản xuất khô bò với số lượng lớn để cung cấp cho thị trường TP HCM, Huế và Hà Nội. Nguyên liệu chính để làm khô bò là thịt heo qua quá trình tẩm ướp hóa chất. Công ty này hoạt động từ năm 2007, mỗi ngày "chế biến" khoảng 3 tấn thịt heo thối thành khô bò, bình quân cứ 1 tấn thịt heo thối sẽ cho ra 500 kg khô bò.

Gia cầm nhuộm bằng bột sắt

Ngày 22/8, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP.HCM phát hiện một số đối tượng đang tổ chức giết mổ gia cầm trái phép tại khu đất trống thuộc tổ 6, ấp 3, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh.

Các đối tượng nhanh chóng tẩu tán các tang vật vi phạm, tại hiện trường, chỉ còn vài con vịt sống và vịt đã được giết mổ, cùng với một số dụng cụ dùng để giết mổ, đặc biệt là có một hộp hóa chất màu vàng dùng để nhuộm gia cầm sau khi giết mổ. Lò giết mổ dơ bẩn của ông Nguyễn Như Phong cùng những chén huyết nằm la liệt dưới đất.

Những chén huyết nằm la liệt dưới đất
Những chén huyết nằm la liệt dưới đất

Cùng ngày, đơn vị trên đã xử lý ba trường hợp vận chuyển gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; tiêu huỷ 184 con gà, vịt lông và 60 con vịt làm sẵn (trọng lượng 413 kg). Trước đó, ngày 21/8, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh phát hiện ông Nguyễn Như Phong tạm trú tại nhà không số, ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh đang tổ chức giết mổ gia cầm trái phép.

Tổ công tác tiêu huỷ: 14 con vịt đã cắt tiết; 114 con gà, vịt lông; 4 kg huyết tươi (tổng trọng lượng 280kg) và một số dụng cụ để giết mổ; 6 kg nhựa thông và 1,6 kg bao bì của cơ sở giết mổ gia cầm Đại Nam.

Lòng lợn được làm sạch bằng... ủng

Tuần qua, dư luận khiếp sợ khi báo chí đưa tin về cách làm sạch nội tạng tại một khu giết mổ gia cầm ở huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Tại khu giết mổ, hàng trăm con lợn được mổ phanh ngay dưới sàn xi măng. Cạnh đó là chuồng nhốt lợn chờ “hóa kiếp”. Trên sàn nhà, ngoài máu, nước tiểu, lông thì phân lợn vương vãi khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Khi mổ lợn xong, nhân viên dùng ủng dẵm đạp lên thịt và dùng vòi nước để rửa, tạo nên một bãi nước đen kịt, hôi hám ứ đọng khắp sàn mổ.

Nội tạng được chất thành đống trên nền gạch, một vài người tay cầm vòi xịt, chân đi ủng còn bám đầy phân, nước thải, dùng hết sức giậm vào từng đống nội tạng.
Nội tạng được chất thành đống trên nền gạch, một vài người tay cầm vòi xịt, chân đi ủng còn bám đầy phân, nước thải, dùng hết sức giậm vào từng đống nội tạng.

Nội tạng sau khi được tách khỏi thân lợn, được chất thành đống trên nền gạch, một vài người tay cầm vòi xịt, chân đi ủng còn bám đầy phân, nước thải, dùng hết sức giậm vào từng đống nội tạng rồi vứt ra một góc chờ các tiểu thương đến thu gom để bán ra thị trường.

Kết quả điều tra mới đây của Cục ATVSTP cho thấy có tới 70-90% thức ăn đường phố Hà Nội có tỷ lệ nhiễm khuẩn E.coli, trong đó có nguy cơ cao nhất là những món: nộm thập cẩm, nem chua, giò, lòng, dạ dày...

VNN

Các tin khác