Gia đình xã hội

3 ca ghép gan từ người cho chết não thành công

14:44, 10/12/2013 (GMT+7)

Sau những tháng ngày mệt mỏi điều trị ở nước ngoài với kết quả "sự sống chỉ còn tính bằng ngày", kiến trúc sư Nguyễn Văn Đ. đã hoàn toàn suy sụp. Tương tự, cái "án tử hình" cũng treo lơ lửng trên đầu anh Nguyễn Anh T. và Nguyễn Ngọc A. khi họ đón nhận tin mình bị ung thư gan. Diệu kỳ thay, bên bờ vực của cái chết, họ là những người vô cùng may mắn khi được nhận tạng từ người chết não với độ tương thích cao. Cả 3 ca ghép gan được các giáo sư, bác sĩ đầu ngành ở Bệnh viện Việt - Đức thực hiện trong một tháng với kết quả thành công ngoài mong đợi. Sự sống đã hồi sinh cho cả 3 con người sau những ngày dài tuyệt vọng.

Chi phí phẫu thuật gan trong nước chỉ bằng 1/ 20 ở nước ngoài

Trong căn phòng đầy chật sách và tài liệu, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức chăm chú theo dõi từng bước tiến triển của 3 bệnh nhân vừa ghép gan. Với người thầy thuốc có bàn tay vàng về phẫu thuật tá tụy và là một chuyên gia đầu ngành về ghép tạng, sau mỗi thành công, ông lại thấy vô cùng xúc động. Bởi ngoài mang lại sự sống cho người bệnh, niềm vui, niềm tự hào lại đan xen khi ông được chứng kiến sự trưởng thành của các đồng nghiệp, của những GS, bác sỹ tận tâm, say nghề đã nhanh chóng bắt nhịp với các kỹ thuật tiên tiến của thế giới, xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại chẳng thua kém các nước khác. Nhưng trong ông vẫn đau đáu một nỗi niềm khi cuộc chạy đua xuất ngoại chữa bệnh của người dân trong nước vẫn còn nhiều, mà các kỹ thuật đó tại Việt Nam hoàn toàn làm được với chí phí thấp hơn nhiều lần. Từng chữa trị cho nhiều người bệnh bị một số bệnh viện ở nước ngoài trả về, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, ông rất lấy làm tiếc khi người bệnh chưa nhận thức đúng về trình độ cũng như phương tiện của y học trong nước mà đã vội vã ra nước ngoài điều trị.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết minh chứng cho chúng tôi xem về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. - một trong 3 bệnh nhân được Bệnh viện Việt - Đức ghép gan thành công trong cùng một tháng. Anh Đ là một kiến trúc sư nổi tiếng ở Hà Nội, cách đây vài năm anh phát hiện mình bị viêm gan siêu vi trùng và đã điều trị nhưng không đỡ mà bệnh lại biến chuyển sang ung thư gan. Tháng 8/2013 gia đình đưa anh Đ. sang Thái Lan để cắt gan phải. Tiền viện phí điều trị cho ca phẫu thuật này hết 600 triệu đồng, chưa kể còn rất nhiều chi phí khác. Nào ngờ các bác sĩ ở nước ngoài đã cắt phần gan của anh quá nhiều, nên phần còn lại quá nhỏ không đủ nuôi cơ thể (một người có trọng lượng 60kg thì ít nhất lá gan phải được 600g thì mới nuôi cơ thể sống). Vì vậy đã dẫn tới gan của anh Đ. bị suy, da và mắt đều vàng, bụng đầy nước. Quá tuyệt vọng, anh Đ. đã phải quay về Bệnh viện Bạch Mai điều trị nội khoa và lọc gan hàng ngày rất tốn kém.

Các GS đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai và Việt - Đức đã hội chẩn lại, chụp phim thì thấy gan của anh Đ. có rất nhiều nốt di căn ung thư. Họ nhận định, tính mạng của bệnh nhân chỉ tính bằng tuần, nên đã chỉ định phải ghép gan. Như một sự kỳ diệu khi anh Đ. trên bờ vực của cái chết đã được kíp phẫu thuật gồm các GS, bác sỹ đầu ngành của Bệnh viện Việt - Đức cứu sống bằng ca đại phẫu thuật kéo dài từ 8 giờ đồng hồ. Điều đầu tiên khi tỉnh lại, anh Đ. sờ khắp người mình, anh không tin là mình đã sống. Anh là người cực kỳ may mắn khi có các chỉ số tương thích với người hiến tạng là một ca chết não. "Ca ghép rất thành công, hiện nay tiến triển sức khỏe của bệnh nhân rất tốt và chỉ vài hôm nữa là được ra viện" - PGS.TS Nguyễn Tiết Quyết cho biết.

Một ca ghép gan tại Bệnh viện Việt - Đức.
Một ca ghép gan tại Bệnh viện Việt - Đức.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết thì một ca phẫu thuật cắt gan phải tại Bệnh viện Việt - Đức chi phí là 25 triệu đồng, nếu người bệnh mổ bằng dao siêu âm thì mất 30 triệu. So với giá 600 triệu tại Thái Lan thì nó chỉ bằng 1/20, thật hiệu quả. Vì sao người dân vẫn "sính ngoại", mỗi năm có 1 vài tỷ USD của người dân mang ra nước ngoài chữa bệnh? Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết là do người dân chưa hiểu hết về ngành Y của Việt Nam mà chỉ nghĩ rằng tay nghề của bác sỹ còn yếu nhưng không biết rằng, hiện nay kỹ thuật cắt gan ở Việt Nam rất tốt, cắt không chảy máu. Một số ít người có tiền ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng tới nơi mới biết viện phí ở đó đắt quá. Hiện nay có nhiều bệnh viện nước ngoài hợp tác với bệnh viện trong nước đưa bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh.

Hồi sinh sự sống

Gặp 3 bệnh nhân vừa được ghép gan thành công ở Bệnh viện Việt - Đức, chúng tôi nhận thấy trên gương mặt của họ là nụ cười hạnh phúc khi họ đang nhận được sự chăm sóc từ gia đình và các điều dưỡng. Chỉ cách đây hơn một tháng thôi, họ đã tuyệt vọng biết bao. "Một tia hy vọng cũng không có. Tôi nghĩ rằng mình sẽ chết, chẳng nghĩ có ngày mình được sống dậy như thế này"- bệnh nhân Nguyễn Anh T., ở Hà Nội chia sẻ. Anh T bị ung thư toàn gan, không cắt được mà phải ghép. Anh cũng là người trong số rất ít may mắn khi gặp được người hiến gan tương thích với mình.

Tương tự bệnh nhân Nguyễn Ngọc A., ở Phú Thọ cũng có may mắn khi nhận được tạng từ người chết não. Bệnh nhân này bị viêm gan B, ung thư gan, hy vọng sống là rất ít. Một ca ghép gan ở Bệnh viện Việt Đức chi phí hết 1,5 tỷ đồng, do vậy không phải người bệnh nào cũng có điều kiện để ghép. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết thì nguồn tạng hiến hiện rất khan hiếm. 4 năm nay mới chỉ có 20 người chết não hiến tạng. Trong khi đó, số bệnh nhân đăng ký ghép tạng lại là con số cực lớn. Từ năm 2007 đến nay, Bệnh viện Việt - Đức đã thực hiện 19 ca ghép gan thành công, trong đó có 16 ca lấy gan từ người chết não.

Một tháng thực hiện thành công 3 ca ghép gan từ người cho chết não được thực hiện bởi những bác sỹ giàu kinh nghiệm như PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, PGS.TS Trịnh Hồng Sơn, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, GS Nguyễn Quốc Kính, TS Nguyễn Quang Nghĩa, TS Đỗ Mạnh Hùng, BSCKII Phạm Kim Bình đã minh chứng cho những tiến bộ về y học của nước nhà. Việt - Đức là bệnh viện thực hiện nhiều nhất kỹ thuật ghép gan từ người cho chết nào. Họ đã chạy đua trên hành trình chinh phục những đỉnh cao khoa học. Sự sống của người bệnh được hồi sinh từ những tấm lòng nhân văn cao cả của thân nhân những người hiến tạng và bàn tay tài ba của người thầy thuốc.


Mỗi năm Việt Nam có 21 nghìn người bị ung thư gan, viêm gan B và C chết. Hiện có gần 20% dân số bị viêm gan virus B và C, trong đó 75% là viêm gan B và 25% là viêm gan C. Tỷ lệ người ung thư gan có từ 70 - 80% xuất phát từ viêm gan B và C. Một người bị viêm gan B điều trị thuốc một năm khoảng 40 triệu đồng; viêm gan C khoảng 60 triệu - 200 triệu đồng mà vẫn gặp phải nhiều nguy hiểm như: biến chứng cuối cùng là suy gan, hôn mê gan, chảy máu do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, ung thư… Theo khuyến cáo của các bác sĩ thì ngoài tiêm phòng vi rút viêm gan B thì người dân nên hạn chế uống rượu, bia, sống lành mạnh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết: Để thực hiện 1 ca ghép gan từ người chết não, Bệnh viện Việt - Đức phải huy động tới 150 y, bác sỹ, điều dưỡng. Khâu chuẩn bị ghép phải tính toán tất cả các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt về gây mê, hồi sức. Khi mổ nối các mạch máu, tĩnh mạch, động mạnh và đường mật xong phải có siêu âm màu ngay tại bàn mổ để kiểm tra. Từng giai đoạn phải tính toán chuẩn xác tới từng chi tiết nhỏ. Sau mổ phải có 8 điều dưỡng phục vụ bệnh nhân. Thời gian ghép gan nhanh nhất là 5 tiếng, lâu nhất là 12 tiếng. Bệnh nhân sau ghép nhanh nhất 15 ngày được ra viện, lâu nhất 1,5 tháng. Trên thế giới, người bệnh ghép gan sống được trên 20 năm.

CAND

Các tin khác