Gia đình xã hội

Hàng loạt nạn nhân sập bẫy xuất khẩu lao động

07:58, 10/12/2013 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tình trạng xuất khẩu sang các nước truyền thống bị đình trệ nên người dân đang tìm kiếm cơ hội sang Úc để làm việc. Nắm được nhu cầu đó, các đối tượng cò mồi và các công ty xuất khẩu lao động đăng tải thông tin tuyển dụng rầm rộ trên các trang web điện tử để mời chào, trong khi ở Việt Nam mới có 6 công ty được cấp phép tuyển người xuất khẩu sang Úc. Chính vì không phép nên mỗi khi tuyển được người, chúng đều tổ chức đưa lao động vượt biên trái phép sang Úc bằng đường biển. Lao động phải vượt hàng nghìn km đường biển bằng tàu đánh cá mong manh, sơ sài và phải chi trả hàng chục nghìn USD cho các đối tượng tổ chức. Những người vượt biên có khi phải ở trên tàu hàng chục ngày trời, sống chui rúc trong những khoang nhỏ hẹp trong tình trạng thiếu lương thực, nước uống và phó thác sinh mệnh cho biển cả.
 
Mê mẩn với những lời chào mời và viễn cảnh các đối tượng cò mồi vẽ ra, hàng chục người dân xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đóng mỗi người 7.000 USD cho ông Nguyễn Văn Thuận ở cùng địa phương để được xuất khẩu lao động sang Úc. Theo như lời kể của anh Đinh Bá Hải (SN 1991) ở xóm chợ Quán thì, "Cuối tháng 2/2013, ông Thuận tập hợp hơn chục lao động ở sân bay Vinh rồi giao cho một người tên Tuân mà ông Thuận giới thiệu là môi giới kèm phiên dịch. Khi bay sang Indonexia, Tuân thu thêm của mỗi người 3.500 USD rồi giao chúng em cho hai người Indonexia. Hai người này dẫn chúng em xuống một con thuyền đánh cá cũ nát và chuẩn bị vượt biên sang Úc. Lúc này, chúng em mới biết bị lừa nhưng không biết làm sao cả vì đang ở đất nước xa lạ, ngôn ngữ bất đồng nên đành phó mặc cho số phận. Sau gần một ngày lênh đênh trên biển thì sóng gió nổi lên, thuyền mất lái trôi dạt hai ngày thì cập được vào một hòn đảo. Người dân địa phương gọi điện cho Cảnh sát và họ tới đưa tụi em vào trại tị nạn. Một hôm, em mượn được điện thoại nên gọi về nhà cầu cứu và được gia đình liên hệ làm thủ tục cho em về nước. Một số người bạn của em không biết đang ở đâu, vì vào trại tị nạn, họ tách tụi em ra".
 
Các nạn nhân bị lừa đảo xuất khẩu lao động sang Úc
Các nạn nhân bị lừa đảo xuất khẩu lao động sang Úc
 
Sau khi nghe tin nhóm người xuất khẩu sang Úc bị bắt giữ và hiện đang sống trong trại tị nạn, hàng chục người thân của các  lao động đến tìm ông Thuận để đòi lại tiền, nhưng ông chỉ trả 3.000 USD, 4.000 USD, còn lại ông bảo đối tượng Tuân đang cầm nên không chịu trả. Hiện đã có 11 người viết đơn tố cáo ông Thuận lên cơ quan Công an. Trường hợp như anh Hải vẫn là may mắn, bởi xã Nghi Hoa có tới 20 người vượt biên sang Úc nhưng không biết bây giờ sống chết ra sao, người thân ở nhà thì đang phải gồng mình trả nợ, trả lãi suất ngân hàng.
 
Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang có hơn 10 người xuất khẩu chui sang Úc theo đường dây lừa đảo. Anh Dương Đức Thông cho biết: "Họ hứa sẽ đưa vào Sài Gòn làm hộ chiếu để bay sang Úc làm việc với giá 30.000 USD, nhưng khi vào đến Sài Gòn, họ thu 13.000 USD và đưa chúng tôi vượt biên bằng đường biển và xuất phát ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Đoàn chúng tôi có 35 người nằm ngổn ngang trong khoang của một chiếc ghe nhỏ, sau hai ngày tới địa phận Malayxia thì ghe chết máy nên họ phải thuê tàu lai dắt về Vũng Tàu sửa. Biết chuyến đi nguy hiểm nên tôi cùng một người bạn chấp nhận mất tiền bỏ về quê. Để có được số tiền trả nợ, anh Thông phải bán nhà và thuê nhà tạm cho vợ con ở, bản thân thì sống lay lắt bằng nghề phụ hồ.
 
Được biết, người dân vẫn có cơ hội xuất khẩu lao động sang Úc theo con đường hợp pháp, tuy nhiên, thị trường Úc đòi hỏi trình độ tay nghề cao và trình độ Tiếng Anh đạt IELTS 5.0 nên lao động phổ thông rất khó đáp ứng. Chính vì vậy, các đường dây xuất khẩu lao động chui hoạt động để lừa tiền những người lao động nghèo có khát vọng đổi đời. Trên mạng Internet vẫn đầy rẫy những lời mời chào xuất khẩu lao động sang Úc với những thông tin đường mật, ở các vùng quê, người dân cũng đang bị đầu độc bởi những lời giả dối của các đối tượng cò.
 
Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh có tới hàng trăm lao động đang sống chui lủi bên Úc hay đang ở trong các trại tị nạn chưa tìm được cơ hội về nước. Dân nghèo ngày một nghèo thêm, bởi giấc mộng đổi đời đặt không đúng chỗ.

Ngọc Hùng

Các tin khác