Gia đình xã hội

Chuyện trái khoáy ở một xã nghèo

14:06, 10/12/2013 (GMT+7)

Bài 2: Biến đất rừng của dân thành đất riêng mình

(Congannghean.vn)-Sau hàng loạt sai phạm kéo dài từ năm 2006 đến nay, điều lạ lùng là ông Chủ tịch UBND xã Châu Thái Lô Văn Thước không những không bị kỷ luật mà còn được lên chức. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, từ vị trí Chủ tịch UBND xã, ông Thước được cân nhắc ngồi vào chiếc ghế Bí thư Đảng ủy xã Châu Thái. Bất luận từ bấy đến nay, mọi giấy tờ, sổ sách vẫn chưa được bàn giao và công nợ tồn đọng vẫn chưa giải quyết rốt ráo. 

*Bài 3: Sai phạm vẫn lên chức

UBND xã Châu Thái
UBND xã Châu Thái

Nợ như "chúa chổm", nóng tay bắt lỗ tai

Từ năm 2001 đến năm 2005, thực hiện chủ trương vay xi măng để xây dựng các công trình cơ bản, UBND xã Châu Thái ký vay tại hai nhà máy xi măng Cầu Đước và 12/9 Anh Sơn 1.382 tấn xi măng. Trong đó, 667,1 tấn các xóm, trường học đã ký nhận và chịu trách nhiệm trả nợ, còn 714,9 tấn do xã đứng ra cho các xóm cũng như cá nhân vay để xây dựng công trình cơ bản tại bản Sàn, bản Lòng, bản Muộng và xóm Tam Thành. Phần lớn trong số này được xã giao cho tư nhân thi công 3 công trình nhà sàn làm việc khối dân, Trường Tiểu học Tam Thành và cầu đi bản Lòng (500 tấn), theo phương thức lấy số lượng xi măng đổi ngang công trình cho bên B thi công nhưng không tính ra giá trị là bao nhiêu. Đặc biệt, cả 3 công trình này đều không có hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán đầy đủ theo quy định trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.
 
Ngoài ra, mọi chứng từ, sổ sách đều không có ký nhận số lượng xi măng. Sau khi nhận xi măng từ nhà máy, xã Châu Thái bán một phần với giá thấp hơn giá của nhà máy. Cụ thể, thời điểm vay, nhà máy định giá 1 tấn xi măng có giá từ 630.000 đồng, nhưng khi bán ra, xã Châu Thái chỉ bán với giá thấp hơn, từ 500.000 - 550.000 đồng/tấn. Đến nay, vẫn còn 35 tấn xi măng thất thoát không lý giải được, huyện Quỳ Hợp đã quy trách nhiệm cho ông Lô Văn Thước và giao ông này phải có trách nhiệm trả nợ ngân sách, số tiền 24,169 triệu đồng, tương đương 35 tấn xi măng. Đến nay, ông Thước vẫn trù trì, chưa chịu hoàn tất khoản nợ nói trên để cân đối vào ngân sách xã. 
 
Năm 2007, rét đậm, rét hại dẫn đến trâu, bò chết hàng loạt, người dân xã Châu Thái được hỗ trợ mỗi con trâu, bò bị chết số tiền 2 triệu đồng, 37 hộ nghèo trong toàn xã, mỗi hộ gia đình có trâu, bò chết được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được số tiền này (hơn 700 triệu đồng), xã chỉ chi trả cho mỗi hộ gia đình có trâu, bò chết 700.000 đồng, số còn lại mang đi trả nợ xây dựng công trình nhà làm việc 2 tầng của xã mà không có bất cứ sự bàn bạc, thống nhất từ trước. Tương tự như vậy, năm 2007, có 174 hộ dân thuộc diện nghèo trong xã được nhận tiền hỗ trợ nhà nghèo 6 triệu đồng, xã lập danh sách, tự ký vào rồi phát lại tiền cho dân chưa đầy một nửa, số còn lại vay tạm để chi trả nợ vào các công trình xây dựng cơ bản.
 
Đương chức để khắc phục hậu quả?
Đơn thư tố cáo của công dân liên quan đến Bí thư Đảng ủy Lô Văn Thước
Đơn thư tố cáo của công dân liên quan đến Bí thư Đảng ủy Lô Văn Thước
 
Hậu quả của những việc làm trái khoáy này là xã Châu Thái đã biến thành "chúa chổm", nợ đầm đìa và bị UBND huyện cấn trừ ngân sách trong nhiều năm, khiến cán bộ, công chức nhiều tháng mất lương, phải sống trong cảnh khốn đốn, nợ ngập đầu. Cụ thể, năm 2007, huyện cấn trừ ngân sách xã 317 triệu đồng, các năm 2009 và 2010, lần lượt là 318 triệu và 20 triệu đồng. Tiền lương của cán bộ từ xã xuống cơ sở xóm, bản nhiều tháng bị "treo". Quan ngại hơn, ông Lô Văn Thước thôi giữ chức Chủ tịch UBND xã từ năm 2010 đến nay, nhưng công việc bàn giao tài chính, quyết toán công nợ vẫn chưa thực hiện được. Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã xác nhận điều này và cho biết thêm, từ bấy đến nay, ông Thước có một lần bàn giao công việc, song thấy nhiều khuất tất nên ông không nhận. Cho đến nay, việc bàn giao vẫn chưa thực hiện được.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Thân Quang Vinh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp cho biết, những sai phạm của ông Lô Văn Thước trong thời kỳ giữ chức Chủ tịch UBND xã là có thật, trong đó có những sai phạm đã được xử lý, như thu hồi 5 bìa đất mang tên ông Thước và em trai Lô Văn Trung. Tuy nhiên, vẫn còn những sai phạm hậu quả còn kéo dài đến nay, chưa được giải quyết rốt ráo. Trong đó có nợ đọng chính quyền, chuyện chi trả sai mục đích các khoản dân đóng góp xây tượng đài liệt sỹ, trả nợ vay xi măng và một số vấn đề khác. Lý do sai phạm nhiều nhưng vẫn lên chức, ông Vinh cho biết, liên quan đến trường hợp của ông Lô Văn Thước, Đảng ủy, UBND huyện Quỳ Hợp đã có nhiều cuộc họp bàn xem xét.
 
Thực tế năm 2010, đã xét hình thức kỷ luật cho thôi Huyện ủy viên đối với ông Thước, còn việc tiếp tục cơ cấu, có hai lý do. Thứ nhất, công tác cán bộ, nhất là nguồn đào tạo trực tiếp từ địa phương của xã Châu Thái trong những năm qua rất khó khăn, cần phải có người sâu sát quần chúng, hiểu đồng bào mình như ông Lô Văn Thước. Thứ hai, để ông Thước đương chức là tạo điều kiện cho bản thân cũng như chính quyền xã tiếp tục có cơ hội khắc phục những hậu quả đang tồn đọng. Tuy vậy, đã gần 4 năm qua kể từ khi ông này ngồi vào ghế Bí thư Đảng ủy xã, hậu quả vẫn chưa được giải quyết và cán bộ tiền nhiệm vẫn đang phải gồng mình trả nợ.
Thiện Thành

Các tin khác