Gia đình xã hội
32012
Khó khăn trong xây dựng đạt chuẩn Quốc gia về y tế
08:44, 13/11/2013 (GMT+7)
Theo kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trạm y tế xã giai đoạn 2013 -2015 của UBND tỉnh Nghệ An, sẽ có 112 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Nhưng khi thực hiện giai đoạn mới vẫn còn gặp không ít khó khăn về nguồn lực, cơ sở vật chất.
Việc xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế nhằm nâng cao nhận thức trong công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng; cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng cao đến người dân, thực hiện khám, chữa bệnh BHYT tại tất cả các trạm y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Tuy nhiên, qua 7 năm thực hiện chuẩn Quốc gia về y tế (nay là thực hiện bộ tiêu chí Quốc gia về y tế), phần lớn các xã chưa đạt, có tới 66,6% trạm y tế xã xuống cấp về cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, số nhà trạm hiện có cũng không đảm bảo đủ các phòng chức năng, chính vì thế mà ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tăng chuyển tuyến điều trị quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Từ việc hạn chế về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế nên hầu hết các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.
Cơ sở vật chất trạm y tế xã miền núi còn nhiều thiếu thốn
Đảm bảo được tiêu chí xã đạt chuẩn y tế cũng là điều quá khó. Tỉnh mới có 234 trạm y tế xã được đầu tư xây dựng nâng cấp. Nhìn tổng thể, cơ sở vật chất y tế xã ở tỉnh hiện thiếu và không đảm bảo được nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Các tiêu chí về nước sạch, trang thiết bị phục vụ… cũng khó đạt. Tại một số huyện miền núi, tỷ lệ xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế còn thấp, đặc biệt, đến thời điểm này, vẫn còn một số xã chưa có nhà trạm y tế xã như xã Nghĩa Bình và thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn.
Toàn tỉnh vẫn còn nhiều trạm bị xuống cấp trầm trọng cần phải xây dựng mới. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng không hoàn thành kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
Trong đó, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu thực hiện khá tốt kế hoạch này, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế là thách thức lớn đối với ngành y tế, vì kinh phí đầu tư xây dựng cho trạm y tế xã, phường chưa có, chủ yếu lấy từ kinh phí sự nghiệp.
Khó khăn nhất trong thực hiện chuẩn Quốc gia về y tế ở tỉnh ta hiện nay là cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa đáp ứng. Ngoài các xã đã được công nhận đạt chuẩn, các trạm y tế còn lại đều xuống cấp, trang thiết bị cần thiết, chuyên khoa cơ bản để phục vụ khám, chữa bệnh ban đầu phần lớn bị hư hỏng hoặc không có.
Chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Nhiều nơi còn xác định, xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế là công việc của ngành y tế, nên trông chờ vào bao cấp, chưa huy động được các nguồn lực từ cộng đồng và xã hội.
Bởi vậy, để trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia của các xã chỉ có được khi địa phương quan tâm nhiều hơn nữa đến việc hỗ trợ điều kiện cho các hoạt động y tế, nhất là đối với các xã vùng cao, nơi điều kiện kinh tế và đời sống nhân dân còn thấp, thiệt thòi trong việc chăm sóc sức khỏe và hưởng thụ các dịch vụ y tế.
Để tháo gỡ những khó khăn, hiện nay, Sở đang tập trung xây dựng 24 trạm y tế chưa có nhà trạm hoặc đã có nhà trạm nhưng xuống cấp nghiêm trọng theo Quyết định 1128/QĐ-UBND ngày 2/4/2013 của UBND tỉnh. Trong thời gian tới, từ nay đến năm 2015, sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo cơ sở hạ tầng 65 trạm y tế.
Nâng cấp trang thiết bị thiết yếu cho 118 trạm y tế chưa đảm bảo danh mục trang thiết bị y tế. Sở đang cố gắng để cùng địa phương xây dựng xã chuẩn, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho người dân địa phương.
Trường Khuyên