Gia đình xã hội

31996

Giải quyết 'bài toán' sinh viên thất nghiệp

08:35, 13/11/2013 (GMT+7)
Mối quan tâm lớn nhất của các tân kỹ sư, cử nhân là tìm được một việc làm phù hợp với ngành đã học để lập nghiệp. Mặc dù vậy, tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm đang là nỗi ám ảnh với nhiều người. Thậm chí, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn thất nghiệp hoặc phải chấp nhận làm trái ngành được đào tạo đã không còn là cá biệt. Do đó, giải quyết “bài toán” lãng phí nguồn nhân lực được đào tạo bài bản từ các trường ĐH, CĐ không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng đối với gia đình và xã hội mà còn tạo điều kiện cho lớp sinh viên mới tốt nghiệp ra trường phát huy sức trẻ, phục vụ cho quá trình phát triển đất nước.

Hiện chưa có một thống kê thực sự đầy đủ về tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm trên địa bàn cả nước, tuy nhiên, con số có thể lên tới hàng trăm nghìn người. Riêng ở Nghệ An, theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp được thực hiện đầu năm 2013 cho thấy: Trong số 19/20 huyện, thành, thị được khảo sát, có tới 11.569 người đã tốt nghiệp trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên chưa tìm được việc làm. Trong đó, có 1 thạc sỹ, 3.047 người tốt nghiệp ĐH, 4.042 người có trình độ CĐ và 4.479 người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.
 
Những con số “biết nói” trên cho thấy một thực tế đáng buồn trước tình trạng lãng phí lớn về nguồn nhân lực. Trong khi lẽ ra, đây phải là nguồn chất xám quý báu giúp Nghệ An phát triển. Đáng nói là, trong số hàng nghìn sinh viên đang chịu cảnh thất nghiệp, có không ít người ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi. Tình trạng kỹ sư, cử nhân thất nghiệp tràn lan đã tạo ra gánh nặng cho xã hội, trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều gia đình và bản thân các sinh viên.
 
Để chu cấp cho một sinh viên ăn học trong 4 - 5 năm đại học, trung bình mỗi gia đình phải tiêu tốn trên dưới 100 triệu đồng. Con số này nhân lên cho hàng chục nghìn sinh viên đã tốt nghiệp thực sự là một số tiền khổng lồ. Tình trạng sinh viên thất nghiệp ngày càng nhiều không chỉ gây ra sự lãng phí lớn về tiền bạc, thời gian, sức lực mà về lâu dài còn làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
 
Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đều rất khó khăn khi tìm việc làm
 
Trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, trường hợp sinh viên La Văn Ngọ ở huyện miền núi Quế Phong được đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhận vào làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ GTVT gây sự chú ý của dư luận. Là người dân tộc Thái, La Văn Ngọ là thủ khoa Trường ĐH Giao thông Vận tải với tổng điểm toàn khóa lên tới 8,77. Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi nhưng La Văn Ngọ không thể tìm được công việc đúng với chuyên môn.
 
Với món nợ 30 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách Xã hội trang trải các chi phí sinh hoạt, học tập lúc sinh viên, Ngọ phải bươn chải kiếm sống từ làm gia sư, làm biển hiệu quảng cáo cho đến phát tờ rơi, chạy bàn. Việc được nhận vào làm ở Viện Khoa học và Công nghệ GTVT thực sự là “món quà” bất ngờ đối với Ngọ. Tuy nhiên, La Văn Ngọ là trường hợp may mắn khá hiếm hoi khi mà tình trạng kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp không tìm được việc làm đã trở nên phổ biến trong thời gian qua.
 
Nhằm giải quyết “bài toán” lãng phí nguồn nhân lực được đào tạo từ các trường ĐH, CĐ, trước hết cần thực hiện tốt hơn mục tiêu đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Cùng với việc hạn chế, thậm chí tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra”, cần rà soát, điều chỉnh quy mô ngành nghề đào tạo ở các trường ĐH, CĐ sao cho phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ở các địa phương.
 
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường gia tăng là chất lượng sinh viên còn nhiều hạn chế, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin, năng lực ngoại ngữ và hoạt động xã hội của sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo là hết sức quan trọng. Cần có khung pháp lý rõ ràng và cơ chế đánh giá chất lượng giáo dục ở các trường ĐH, CĐ thực sự minh bạch theo hướng chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng. Mặt khác, cũng cần chú trọng trang bị đầy đủ các kỹ năng thực hành, kỹ năng xã hội để sinh viên sau khi ra trường có thể tự tin đảm nhận được các nhiệm vụ mà người sử dụng lao động giao phó.
 
Đối với các trường phổ thông, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cần được tiến hành sớm, thực chất, phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, bản thân mỗi học sinh và các bậc phụ huynh cần có định hướng đúng đắn, thiết thực trong việc chọn nghề lập nghiệp phù hợp, đặc biệt cần tránh tình trạng thi ĐH, CĐ theo phong trào.

Minh Tuấn

Các tin khác