Gia đình xã hội
31971
Tìm mộ liệt sỹ không nhờ đến yếu tố tâm linh, ngoại cảm
08:19, 12/11/2013 (GMT+7)
Ít ai biết rằng, cách đây 30 năm về trước, việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ được các đoàn chuyên gia âm thầm thực hiện, không tâm linh, cũng chẳng cần đến ngoại cảm, hơn 12.000 bộ hài cốt liệt sỹ đã được tìm thấy, với độ chính xác đến 100%. Chuyện về hành trình tìm kiếm và quy tập một phần thân thể các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì đất nước nhưng đang nằm lại đâu đó trên chiến trường, là một chuỗi hành trình dài của sự tri ân, tưởng nhớ.
30 năm, hơn 12.000 hài cốt liệt sỹ được quy tập
Cách đây 2 năm, đúng vào thời điểm các nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sỹ rộ lên tại Nghệ An nói riêng và nhiều tỉnh, thành trong cả nước nói chung, người viết bài này đã tìm gặp thượng tá Nguyễn Thị Tiến - Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4, người đã tìm được hơn 500 hài cốt liệt sỹ nhờ vào những kỷ vật chiến tranh còn sót lại và độ chính xác trong cách tìm kiếm này lên đến 99%. Thời điểm đó, thượng tá Tiến đã có nhã ý không muốn bình luận hay đưa ra bất cứ nhận xét nào trước “phong trào” đang lên của các nhà ngoại cảm với khả năng tìm kiếm mộ liệt sỹ thần kỳ này.
Tìm kiếm, cất bốc và quy tập mộ liệt sỹ trên đất Lào
Cho đến thời điểm hiện nay, khi sự thật về tài năng của các nhà ngoại cảm ít nhiều bị bóc mẽ, nhất là từ sau vụ hai vợ chồng “cậu Thúy” bị cơ quan An ninh bắt giữ, tôi lại tìm gặp thượng tá Nguyễn Thị Tiến và được chị giới thiệu gặp đại tá Hồ Trọng Bình - Đoàn trưởng Đoàn quy tập mộ liệt sỹ, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, người có gần 20 năm gắn bó với nhiệm vụ liêng thiêng này. Từ đây, câu chuyện về những năm tháng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên các chiến trường trong nước cũng như tại nước bạn Lào đã được tái hiện, với sự thành tâm và tôn kính, thiêng liêng nhất.
Đại tá Hồ Trọng Bình nhớ lại, ngày 18/4/1984, Bộ Tổng tham mưu, Tư lệnh Quân khu 4 quyết định thành lập 2 đoàn quy tập, làm nhiệm vụ tại các tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Bôlykhămxay và Khăm Muộn để làm công việc hết sức đặc biệt, đó là tìm kiếm, cất bốc, quy tập phần mộ các liệt sỹ Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào để đưa về quê hương. Lúc bấy giờ, mọi việc còn khó khăn gấp bội, bên cạnh đấu tranh với vấn nạn thổ phỉ, các anh em trong Đoàn công tác còn phải chiến đấu với thời tiết khắc nghiệt ở Lào, song với tấm lòng tri ân sâu sắc, anh em đã khắc phục mọi khó khăn để đưa các anh về với đất mẹ.
Với nỗ lực đó, trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến năm 2000, Đoàn quy tập đã tìm kiếm và cất bốc gần 7.000 hài cốt liệt sỹ Việt Nam hy sinh tại Lào đưa về đất mẹ và từ năm 2000 đến nay, có hơn 5.000 hài cốt được tìm thấy, quy tập về các nghĩa trang liệt sỹ ở Nghệ An.
Thành quả đó có khi phải đánh đổi bằng mạng sống, lại có thêm những liệt sỹ thời bình, ngã xuống trong khi đi tìm liệt sỹ thời chiến (có 9 chiến sỹ của Đoàn quy tập đã ngã xuống, 15 người bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên nước bạn Lào, 1 người được công nhận là bệnh binh), song không vì điều đó làm các anh chùn bước.
Đến nay, sau trọn 30 năm lặng lẽ tìm kiếm, có hơn 12.000 ngôi mộ đã được tìm thấy, được trở về với đất mẹ sau bao nhiêu năm nằm lại trong rừng thẳm của nước bạn Lào.
Đưa hài cốt liệt sỹ về đất mẹ
Tìm kiếm mộ liệt sỹ không bằng tâm linh, ngoại cảm
Điều đặc biệt đáng quan tâm là, trong quãng thời gian gần 30 năm miệt mài tìm kiếm hài cốt trên nước bạn Lào, với hơn 12.000 hài cốt liệt sỹ được tìm thấy, Đoàn quy tập đã tìm kiếm dựa trên những thông tin có thật, không sử dụng bất cứ hình thức tâm linh, ngoại cảm nào nên tỷ lệ chính xác gần như 100%.
Thượng tá Phạm Đức Thìn - Trợ lý Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 4 cho biết, để xác định vị trí mộ, Đoàn mất cả năm trời để khảo sát trên cơ sở sơ đồ mộ chí, kết hợp với thông tin từ đơn vị chiến đấu, lời kể của những người trực tiếp chiến đấu hiện còn sống, thông tin từ giấy báo tử, những kỷ vật còn sót lại.
Trải qua quá trình thu thập, đối chiếu, xác minh rất tỉ mẩn, cặn kẽ, sau khi khai quật được hài cốt, các đơn vị tiếp tục tiến hành giám định ADN để kiểm chứng độ chính xác. Theo thượng tá Thìn, một trong những căn cứ quan trọng nhất để xác định đúng tên tuổi, quê quán của liệt sỹ là từ những di vật còn sót lại cùng với hài cốt trong quá trình cất bốc đã thu thập được.
Nhắc đến chuyện này, không thể không kể đến thượng tá Nguyễn Thị Tiến, người đã 3 lần lên sóng truyền hình VTV1 trong chương trình “Người đương thời”. Bằng cách kiên nhẫn “trả lại tên cho anh” từ những di vật còn sót lại, chị Tiến đã góp phần không nhỏ giúp Đoàn quy tập tìm đúng và chính xác tên tuổi, quê quán của từng liệt sỹ. Từ những di vật như chiếc bút, kẹp tóc, chiếc lược nhôm, vòng tay, tấm ảnh, cối giã trầu…, chị Nguyễn Thị Tiến đã lần tìm ra được đơn vị, quê quán, tên tuổi của liệt sỹ nhờ những ký hiệu khắc họa trên đó.
Có thể thấy, trong điều kiện hiện nay, việc dựa vào các di vật để giải mã thông tin, từ đó đối chiếu, so sánh, kết hợp với sử dụng bản đồ chiến tranh để tìm đúng vị trí chôn cất cũng như xác định đúng tên tuổi của liệt sỹ là việc làm có cơ sở khoa học.
Thực tế từ 30 năm qua, bằng phương pháp đối chiếu, so sánh tổng hợp, điều tra, xác minh, tìm nhân chứng, giải mã ký hiệu đơn vị, thời gian hoạt động cũng như địa bàn chiến đấu, đã tìm ra mộ liệt sỹ với độ chính xác gần như tuyệt đối. Việc tìm kiếm và quy tập này xuất phát từ lòng thành kính, sự tri ân.
Mới đây nhất, ngày 29/9/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại dẫn đầu Đoàn công tác đặc biệt của Nghệ An có chuyến làm việc với Ban công tác đặc biệt của Chính phủ Lào về công tác phối hợp, cất bốc hài cốt liệt sỹ. Chính phủ Lào đánh giá cao công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ của Nghệ An, đồng thời cho biết, trong thời gian tới, Ban công tác đặc biệt Chính phủ Lào sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Ban công tác đặc biệt tỉnh Nghệ An, nhất là Đoàn quy tập tỉnh Nghệ An hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và quân đội Việt Nam giao phó, góp phần đền ơn đáp nghĩa và giáo dục các thế hệ hai nước trong mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Thiên Thảo