Gia đình xã hội
31763
Khi trẻ 'yêu' sớm
07:50, 03/11/2013 (GMT+7)
“Tình yêu” của nhi đồng
Nguyễn Tường Vi - Sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương kể: “Đợt thực tập vừa rồi, tôi gặp tình huống khó xử bất ngờ. Giờ học bắt đầu 10 phút nhưng ghế của hai bé vẫn trống, tưởng các cháu ham chơi quên giờ vào lớp nên tôi đi tìm.
Tôi ngạc nhiên và lần đầu tiên thấy xấu hổ khi chứng kiến hai đứa trẻ 5 tuổi đứng hôn nhau sau cánh cửa phòng bên cạnh”. Hỏi ra mới biết, “con thích bạn nên con thơm bạn”. Rồi bé còn nói thêm: “Chị gái con ở nhà cũng ôm người yêu như vậy mà”. Khi cô giáo giải thích, tuổi các con chỉ quý bạn thôi, không được thích bạn như các anh chị lớn ở nhà thì cả “chàng” và “nàng” đều òa lên khóc bắt đền cô giáo.
“Cháu vẫn thầm gọi anh Khánh ơi! trong mơ mong được gọi chú là anh lắm”. Nhân vật bị yêu là cậu sinh viên Trần Huy Khánh (Trường ĐH Vinh) cho chúng tôi đọc lá thư. Tác giả của bức thư là cô bé con nhà bà chủ nhà, nơi Khánh trọ học. Mỗi lần Khánh có bạn bè đến chơi, hễ có con gái là cô bé kia lại ra cài chốt cửa không cho vào vì sợ “Chú Khánh sẽ yêu người đó mất”, nhiều lần Khánh phải dở khóc, dở cười trước mặt bạn bè.
Tại sao trẻ “yêu” sớm
Hãy hướng trẻ vào những hoạt động xã hội có ý nghĩa để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra |
Lối sống khá cởi mở của một bộ phận giới trẻ. Sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng: Hàng ngày có cả chục bộ phim tình cảm mà trong đó là những bộ phim về tình yêu lãng mạn Hàn Quốc hay bộ phim Mỹ nóng bỏng.
Những cử chỉ biểu hiện tình yêu trai gái: Nắm tay, ôm hôn vẫn thường xuyên xuất hiện trên tivi, áp phích quảng cáo… rất dễ tác động đến suy nghĩ non nớt của trẻ, ở nhà đôi lúc gặp chuyện tình cảm của bố mẹ, anh chị; ra ngoài những khu vui chơi giải trí, công viên thì không thiếu những cặp trai gái nắm tay, ôm hôn nhau công khai. Đây là những yếu tố tác động vào tâm lý bắt chước của trẻ rất nhanh. Không ít người lớn còn xem đó là chuyện vui, nhiều bậc phụ huynh còn vô tâm cười xòa.
Có những bậc phụ huynh lại bàng hoàng bởi những “cục cưng” của mình học cách yêu từ chính bố mẹ của chúng. Cô Đặng T. Ngân giảng dạy môn tâm lý tại một trường đại học không ngại chia sẻ về bí mật tuổi ấu thơ của mình: “Ngân chứng kiến rất nhiều lần bố mẹ làm “chuyện ấy” ngay bên cạnh mình. Cô đã mất ngủ và ám ảnh chuyện đó khá lâu”.
Chị Mai Hương thì sốc nặng khi một buổi tối rón rén vào phòng riêng của con kiểm tra chúng học hành tới đâu và phát hiện ra hoàng tử (học lớp 7) và công chúa (học lớp 5) đang ôm nhau xem phim đen. Hỏi ra mới biết, “Bọn bạn con bảo phim này hay”.
Vai trò của phụ huynh
Khi trẻ con học cách “yêu” sớm, phụ huynh nên bình tĩnh, phối hợp với giáo viên chú ý quan tâm trẻ hơn để gần gũi giải thích, khuyên răn trẻ. Cũng có trường hợp, khi giáo viên góp ý phụ huynh lại tức tối, “cô giáo cứ quan trọng hóa”.
Nhiều bậc phụ huynh sẽ khó hình dung ra “cục cưng” của mình hàng ngày vẫn sợ ma, khóc nhè khi bị mắng, đêm ngủ vẫn tè dầm nhưng đến lớp đã biết tỏ tình, biết ôm, hôn bạn. Tuy nhiên, đó là một thực trạng đã, đang tồn tại và ngày càng phổ biến mà các cô giáo vẫn thường đứng ra giải quyết trong các trường học. Ở tuổi này, trẻ chỉ “yêu” vì tâm lý tò mò, thích bắt chước.
Cả phụ huynh và giáo viên không nên cấm đoán, dọa nạt trẻ, cần ngọt ngào thuyết phục trẻ. Cùng với việc khuyên giải, bố mẹ hãy hướng trẻ vào những trò chơi tập thể, những hoạt động xã hội, nâng cao kỹ năng sống; cho trẻ xem những hình ảnh đẹp, câu chuyện, bộ phim ý nghĩa đúng theo lứa tuổi.
Còn những thông tin, hình ảnh không phù hợp không thể cấm trẻ xem, nhưng bố mẹ, các thầy, cô giáo có thể giải thích cho trẻ hiểu. Ngoài tâm lý dễ bắt chước, trẻ con còn rất biết nghe lời người lớn, nhất là bố mẹ.
Bích Ngọc