Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201304/27885-khat-vong-len-bo-cua-nguoi-dan-ba-cam-diec-391437/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201304/27885-khat-vong-len-bo-cua-nguoi-dan-ba-cam-diec-391437/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khát vọng "lên bờ" của người đàn bà câm điếc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 27/04/2013, 08:49 [GMT+7]
27885

Khát vọng "lên bờ" của người đàn bà câm điếc

Từ khi lọt lòng mẹ cho đến nay đã 70 mùa Xuân, người phụ nữ ấy đã không may mắn bởi tai không thể nghe và miệng không thể nói. Tuy vừa câm vừa điếc, sức khỏe yếu nhưng hàng ngày bà vẫn sống thui thủi một mình trên thuyền dọc bờ sông. Cuộc sống không chồng, không con, thiếu thốn trăm bề. Giờ đây, bà chỉ mong sao có mảnh đất làm nhà để ở, an phận tuổi già.
 
Thương thay cho một kiếp người
Vượt qua con đường đất nhỏ hẹp, chúng tôi cũng đến được “nhà” bà Đậu Thị Quy trú tại xóm 9, xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên. Nói là “nhà” nhưng thực ra đó là một chiếc thuyền nan đã cũ kỹ, rách nát đậu sát bờ sông. Vào trong thuyền, chỉ thấy tối om, tài sản chỉ có mỗi chiếc chăn đã cũ, chiếc bát, đũa và vài cái xoong hoen gỉ.
 
Trên mui thuyền, bà Quy dáng người nhỏ thó đang ngồi bó gối, đôi mắt như đang nhìn xa xăm xuống dòng sông Lam một màu đùng đục. Ông Nguyễn Xuân Chung - Xóm trưởng đi cùng chúng tôi, giơ tay đập mạnh vào khoang thuyền, rồi lại đập mạnh vào vai, làm bà giật mình kêu ú ớ.
 
Bao năm qua, bà Quy vẫn sống trên chiếc thuyền nan đã cũ kỹ này
 
Thấy người lạ, bà gật đầu chào rồi nhoẻn miệng cười hằn nét đau khổ, cô đơn. Bà Quy bám thành con thuyền trèo xuống đất rất nhanh, có lẽ bà phản xạ thành thói quen. Bà giơ tay ra hiệu mời chúng tôi ngồi xuống cạnh thuyền. Bà ngồi bên cạnh tôi, cầm tay tôi như muốn nói điều gì đó. Như hiểu được ý nghĩ của bà, ông Chung quay sang nói với tôi: Bà ấy muốn nói với cô rằng, bao năm nay bà không có nhà như người khác nên phải sống trên thuyền này.
 
Mưa gió cũng chỉ có một thân một mình. Tai thì điếc lại bị câm, may mà hai con mắt vẫn còn sáng để thấy đường đi lại. Bà Quy từ khi sinh ra đến giờ đã định cư trên thuyền. Bố mẹ của bà bao đời nay đều sinh sống bằng nghề sông nước. Khi bố bà Quy qua đời, hai mẹ con côi cút làm lụng nuôi nhau, cuộc sống sông nước khó khăn, vất vả nên chỉ kiếm đủ cái ăn qua ngày. Mẹ bà Quy ước ao có mảnh đất cắm dùi để sau này bà có bề gì thì cô con gái bất hạnh của bà còn có nơi trú ngụ khi mưa gió. Nghĩ thế, biết thế, nhưng bà lấy đâu ra tiền để mua đất bây giờ.
 
Ước mơ đó của bà mẹ nghèo mãi mãi vẫn chỉ là mơ ước, cho đến khi bà nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa thành hiện thực. Sự ra đi của người mẹ khiến “cô gái câm điếc” bơ vơ một mình. Ngày qua ngày, bà sống trên thuyền như một cái bóng, bà có thể tiếp xúc với ai khi họ không hiểu được ngôn ngữ của bà.
 
Trước đây, còn có mẹ làm tai, miệng cho bà, giờ bà biết nhìn vào ai. Mặc dù bà còn có mấy đứa cháu, con của anh trai, nhưng cuộc sống của chúng cũng rất khó khăn, không thể chăm lo cho bà được. Với lại, không có đất đai, nhà cửa nên từ nhỏ bà đã sống trên sông nước, chiếc thuyền dột nát này chính là nơi in dấu những kỷ niệm về bố mẹ bà. Bà con xóm giềng thương cảm nên thỉnh thoảng lại mang cho bà bát gạo, hạt muối hoặc cái này cái khác. Ngày lễ, Tết, Ban cán sự xóm lại mang những món quà nhỏ đến chúc mừng để động viên tinh thần người phụ nữ với cuộc đời đầy éo le.
 
Chỉ mong có đất xây nhà an phận tuổi già
Ngoài khoản tiền trợ cấp 270.000 đồng hàng tháng, bà Quy không còn nguồn thu nhập nào khác. Từ ăn uống đến thuốc men bệnh tật đều nhìn vào khoản tiền ít ỏi đó. Chứng kiến cuộc sống khó khăn của bà Quy, mọi người đều xót thương và thông cảm với những nỗi lo lắng. Bởi bà cũng đã 70 tuổi, ốm yếu, lọm khọm lại neo đơn, lỡ có ốm đau bệnh tật, gặp chuyện rủi ro cũng không ai hay biết. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của bà, UBMTTQ huyện Hưng Nguyên đã trích số tiền từ “Quỹ vì người nghèo” để sửa sang lại mái thuyền cho bà che nắng che mưa.
 
Ông Nguyễn Xuân Chung - Xóm trưởng xóm 9 cho biết: Bà Đậu Thị Quy là hộ khó khăn nhất xóm. Đặc thù của xóm 9 là có đến 50% hộ dân sống bằng nghề sông nước, thường xuyên bị thiên tai lũ lụt và sạt lở bờ sông đe dọa nghiêm trọng tới tài sản và tính mạng. Vì vậy, vừa qua, Nhà nước đã có Dự án di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở bờ sông Lam đến Khu tái định cư. Nhưng hộ bà Quy lại chưa được xét duyệt di dời?
 
Về vấn đề này, phía Ban cán sự xóm đã có ý kiến, đề nghị UBND xã tạo mọi điều kiện xét duyệt để cấp đất di dời cho bà Quy tránh bão lũ thiên tai nhưng hiện vẫn chưa thấy gì. Đã sắp tới mùa mưa bão, nhưng hiện tại, xóm 9 vẫn còn có hai hộ chưa có đất ở là bà Đậu Thị Quy và gia đình anh chị Phạm Văn Dương - Nguyễn Thị Mơ. Đây là vấn đề băn khoăn của nhiều cán bộ, người dân xóm 9. Câu hỏi được đặt ra là tại sao 2 hộ nghèo khổ, tật nguyền ở xóm 9, xã Hưng Châu đến nay chưa được hưởng chế độ của Dự án di dời của Chính phủ?
 
Tạm biệt bà Quy ra về, nhớ mãi hình ảnh bà nắm lấy tay tôi và ú ớ như muốn nói lời kêu cứu. Mong rằng, sẽ có nhiều nhà hảo tâm sẻ chia giúp đỡ bà bằng vật chất dù ít dù nhiều và các cấp chính quyền chú ý, quan tâm, tạo mọi điều kiện để bà Quy sớm ổn định cuộc sống.

Lê Hoa
.