Trường mầm non Châu Khê có 289 cháu trong độ tuổi từ 18 tháng đến 5 tuổi với gần 30 cán bộ, công nhân viên giảng dạy và làm công tác phục vụ. Chúng tôi đến trường khi thời tiết vào độ đang gay gắt, tận mắt chứng kiến các cô giáo thay nhau vào nhà dân xin nước và la liệt những đồ dùng tích nước nằm trong nhà bếp mới thấy hết được nỗi vất vả của cảnh khát nước sạch nơi đây.
Cô Vi Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường mầm non Châu Khê cho biết: Tình trạng thiếu nước sạch ở trường đã diễn ra từ khoảng 3 - 4 năm nay. Vì là cụm trường trung tâm nên thu hút rất nhiều trẻ đến trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần rất nhiều nước phục vụ cho sinh hoạt. Ở đây, ngoài Trường mầm non thì các điểm trường như tiểu học, THCS cũng cùng chung tình trạng này nhưng học sinh của các trường đều có ý thức trong việc sinh hoạt nên không cần dùng nhiều nước để sinh hoạt.
Nước sạch do phụ huynh mang đến trường
Còn riêng trẻ mầm non thì mọi hoạt động đều cần đến nước từ vệ sinh cá nhân cho đến việc sử dụng nguồn nước để nấu ăn cho các cháu. Trước tình hình khó khăn đó, năm 2012, Trường mầm non Châu Khê được dự án cho làm một giếng khoan và một giếng đào.
Thời kỳ đầu với nguồn nước dồi dào, cô giáo và các cháu ở đây đều có dư nước sinh hoạt. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà chỉ sau một thời gian sử dụng, nước từ hai giếng này cạn dần và đến thời điểm ra Tết khi trẻ quay trở lại trường để học thì nước đã cạn kiệt.
Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo nhà trường và các cô giáo đã kêu gọi, vận động phụ huynh cùng chia sẻ bằng cách đóng góp 10 lít nước/trẻ và được các bậc phụ huynh nhiệt tình ủng hộ. Vào mỗi buổi sáng sớm khi đến điểm Trường mầm non Châu Khê, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các ông bố, bà mẹ đưa trẻ đến trường cùng với can nước to phía sau.
Giáo viên và nhân viên làm công tác phục vụ trong trường cũng chung tay bằng việc mỗi buổi sáng đến trường sớm hơn một chút, hoặc tận dụng thời gian khi các cháu nghỉ ngơi lại chạy đôn chạy đáo vào nhà dân để xin nước về trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào nguồn nước ở dân cũng dồi dào, có hôm nước cạn kiệt, các cô phải mang can, xô vượt quãng đường núi hiểm trở lên tận khe, suối lấy nước mang về.
“Đối với bậc mầm non thì công tác chăm lo sức khỏe phải được đặt lên hàng đầu, có như thế mới phòng chống được các dịch bệnh đang ngày càng bùng phát mạnh mẽ. Nhận thức được điều đó nên các giáo viên ở đây luôn quan tâm đến chế độ ăn uống, vệ sinh cho trẻ. Nguồn nước mà phụ huynh đóng góp và các cô xin về được phân chia, tiết kiệm để phục vụ sinh hoạt nhưng vẫn đảm bảo một cách tuyệt đối về sức khỏe và sự an toàn cho trẻ” - cô Huệ cho biết thêm.
Đến thời điểm này thì mùa nắng nóng đang cận kề, đối với các huyện miền núi thời tiết càng trở nên khắc nghiệt và khó chịu. Điều này đồng nghĩa với việc cần hơn rất nhiều lượng nước hiện tại để phục vụ sinh hoạt cho các cháu ở trường mầm non. Các cô và phụ huynh của trẻ ở Châu Khê đang cùng chung nỗi lo khi tình trạng thiếu nước sạch chưa biết đến lúc nào mới được khắc phục.
Giải pháp phụ huynh mang 10 lít nước đến trường mỗi ngày và việc giáo viên thay nhau đi xin nước cũng chỉ mang tính chất tạm thời trước mắt vì nguồn nước sử dụng của người dân địa phương đang đến độ cạn kiệt. Điều này đang đặt cho các cấp chính quyền trách nhiệm về việc đưa ra một giải pháp thiết thực và hiệu quả để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch đã tồn đọng nhiều năm nay.
Ngọc Anh - Phan Tuyết
.