Dự án thủy điện Khe Bố được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư theo Quyết định số 1793/TTg-CN ngày 17/11/2006 với công suất lắp máy 100MW, tổng mức đầu tư 2.452 tỷ đồng do Công ty Cổ phần phát triển Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, trong đó mức đầu tư cho giải phóng mặt bằng, tái định cư là hơn 410 tỷ đồng (đền bù thiệt hại và tái định cư gần 350 tỷ đồng).
Toàn bộ công trình sẽ ảnh hưởng đến 8 xã trên địa bàn huyện Tương Dương, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án là 930ha bao gồm đất sản xuất, nông - lâm nghiệp và gần 600 hộ dân phải tái định cư. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân bị thu hồi đất, họ chưa được chính quyền thông báo gì về giá tiền đền bù, diện tích đền bù và cũng chưa nhận được bất cứ quyền lợi nào liên quan đến dự án ảnh hưởng diện tích đất thuộc quyền sử dụng của họ.
Chúng tôi có tiếp xúc một số hộ dân tại đây, đều nhận chung một nỗi niềm, từ khi dự án triển khai xây dựng đến giờ người dân chỉ nhận được thông báo phải di dời đến nơi tái định cư nhưng không biết mình được đền bù về đất như thế nào. Chuyện đi hay ở và thanh toán đền bù cũng không biết. Cho đến nay vẫn chưa được hưởng quyền lợi khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện. Nghịch lý hơn nữa chính quyền xã nơi người dân bị ảnh hưởng cũng không hay về việc đền bù diện tích đất bị ảnh hưởng khi tích nước ở địa phương mình.
Người dân chưa được nhận tiền đền bù đất từ dự án thuỷ điện Khe Bố
Không chỉ người dân chưa di dời khốn đốn mà nhiều hộ dân khi chuyển đến nơi tái định cư cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng chưa có hoặc mới xây dựng đã hư hỏng. Các hộ dân TĐC Thủy điện Khe Bố chuyển đến nơi ở mới hầu như thiếu đất ở và đất sản xuất, còn nguồn nước sinh hoạt phải dùng nước suối, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu thốn... điều đáng lo nhất là tình trạng đất sạt lở ở quanh nhà.
Ông Nguyễn Trọng Tân - Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho hay, người dân trong xã đều đồng tình ủng hộ chủ trương chung của Chính phủ về xây dựng nhà máy thủy điện. Đến nay công trình đã thi công cơ bản xong các hạng mục nhưng thông tin về việc áp giá đền bù thiệt hại cho dân vẫn chưa được công khai khiến người dân nằm trong vùng giải tỏa đang lo lắng, bức xúc.
Trước những tồn tại trong công tác ổn định dân cư tại vùng bị giải tỏa, ông Trịnh Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho rằng: “Đây là trách nhiệm của huyện nhưng do phía chủ đầu tư cấp kinh phí nhỏ giọt hạn chế, cho nên tiến độ đền bù chậm. Hiện, chủ đầu tư mới chuyển cho chúng tôi 210 tỷ đồng, chưa được 50% tổng số vốn. Một phần nữa do khu vực đất sản xuất bị giải phóng, nước chưa dâng lên nên chủ đầu tư đang tạm ngừng công tác đền bù. Chính vì thế mới kéo dài đến giờ vẫn chưa áp xong giá đền bù đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng, duy nhất chúng tôi mới bắt đầu áp giá ở xã Yên Thắng”.
Trong khi đó, Ban Quản lý thủy điện Khe Bố (thuộc Công ty cổ phần phát triển điện lực Việt Nam) lại khẳng định: Nguyên nhân chậm trễ chi trả bồi thường không phải lỗi của chủ đầu tư, việc chậm đo đếm là trách nhiệm của huyện Tương Dương bởi Ban dự án thủy điện Khe Bố đã ký kết ủy quyền cho huyện giải phóng mặt bằng, bồi thường. Theo kế hoạch đầu năm 2013 thủy điện sẽ tích nước nhưng đến giờ huyện chưa bàn giao xong mặt bằng, chưa di dời được dân.
Trường Khuyên
.