Được sự hỗ trợ về mặt tài chính của Quỹ Ford, Trung tâm Sáng kiến và sức khỏe (CCIHP) đã triển khai dự án “Mô hình lồng ghép phòng chống bạo hành giới dựa vào y tế và cộng đồng” tại thị xã Cửa Lò.
Sau 6 năm thực hiện (từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2012), dự án này đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, không chỉ hàn gắn nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ tan vỡ mà còn giúp nam giới thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bạo hành trong gia đình.
Sau những trắc trở trong cuộc hôn nhân thứ nhất, năm 1992, anh T. Đ. H. quê ở Đô Lương gặp gỡ và kết hôn với chị N. T. Th. ở khối 4, phường Nghi Thủy. Cuộc sống gia đình khó khăn, thiếu thốn nên hàng ngày, anh phải đi làm thuê, ai gọi gì làm nấy, còn chị ở nhà mở quán buôn bán và chăn nuôi để kiếm thêm nguồn thu nhập.
Thế nhưng cái nghèo cái khó vẫn cứ đeo bám. Chán nản, anh H. sa vào rượu chè, hễ có men rượu trong người là anh vô cớ đánh đập vợ con. Chị Th. phải sống trong cùng một mái nhà với người chồng vũ phu và chấp nhận những trận đòn như cơm bữa. Không chỉ bị hành hạ về thể xác mà còn cả về tinh thần với những lời lăng mạ nặng nề.
Thế nhưng, từ khi đến với CLB “Nam giới trách nhiệm” được tổ chức tại phường, anh H. đã từ bỏ rượu chè, chấm dứt được cảnh bạo lực gia đình, vợ chồng đồng lòng phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Có thể nói, những năm trước đây, tại thị xã Cửa Lò thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực gia đình, làm ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Từ khi dự án “Mô hình lồng ghép phòng chống bạo hành giới dựa vào y tế và cộng đồng” được triển khai tại thị xã, tình trạng bạo lực gia đình đã giảm đi đáng kể.
Dự án đã tạo ra một môi trường thân thiện với phụ nữ và phòng chống bạo hành giới trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng, giúp thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi nhằm hạn chế, giảm tỷ lệ bạo hành ở nam giới.
Dự án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó thị xã Cửa Lò đã thực hiện xong giai đoạn 1, là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực.
Chương trình Hội họa kết nối chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái
Đã thiết lập được một mô hình tổ chức, quản lý điều hành hiệu quả với sự tham gia của nhiều ban ngành và các tổ chức đoàn thể trong thị xã bao gồm lực lượng công an, toà án, phụ nữ và các ban ngành liên quan. Ví dụ, ở phường thì có 1 ban hỗ trợ người bị bạo hành do phó chủ tịch phường làm Trưởng ban cùng với Công an, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Bí thư chi bộ các khối. Trong đó, mỗi ban, ngành có một vai trò nhất định.
Các ban, ngành đã thể hiện được trách nhiệm của mình trong phòng chống bạo hành giới. Thành lập các câu lạc bộ, nhóm Phụ nữ tự lực, Nam giới trách nhiệm… để chia sẻ, giúp đỡ các nạn nhân và khuyên nhủ, răn đe các trường hợp thường có hành vi bạo hành. Kết quả, sau 3 năm đầu triển khai dự án đã thành lập được 3 nhóm “Nam giới trách nhiệm” ở 3 phường (Nghi Thuỷ, Nghi Thu và Nghi Hoà) và 6 nhóm “Phụ nữ tự lực” ở 6 phường trên địa bàn thị xã.
Sau 1 chu kỳ sinh hoạt, thị xã đã tổ chức các sự kiện nhân ngày 8/3, trong đó tập hợp 2 nhóm “Nam giới trách nhiệm” và “Phụ nữ tự lực” lại nhằm tạo nên mối quan hệ gắn bó và mật thiết. Có người vợ thốt lên với niềm hạnh phúc: “Sau bao năm làm vợ, đây là lần đầu tiên tôi nhận được cử chỉ âu yếm, quan tâm từ chồng”.
Qua đó, cũng đã làm thay đổi nhận thức của nhiều nam giới. Nếu như trước đây, nhiều ông chồng không cho vợ đi sinh hoạt phụ nữ, thì bây giờ họ còn vận động, tạo điều kiện cho vợ tham gia các buổi rèn luyện kỹ năng, ứng xử trong gia đình.
Hệ thống hỗ trợ người bị bạo hành được thiết lập từ thị xã đến các khối đã kết nối và hỗ trợ hiệu quả các trường hợp bị bạo hành với mô hình can thiệp nhằm chấm dứt bạo hành và hỗ trợ xã hội sau bạo hành (vay vốn, xây nhà tình nghĩa, nâng cao nhận thức, kỹ năng thông qua sinh hoạt nhóm...).
Thời gian qua, với sự trợ giúp và can thiệp kịp thời của các tổ chức chức năng, dự án đã phát hiện và can thiệp cho 401 trường hợp bị bạo hành, trong đó đã có trên 300 trường hợp chấm dứt bạo hành, trên 50 trường hợp đã có chuyển biến tích cực.
Dự án đã tổ chức hàng trăm buổi truyền thông với nhiều hình thức phong phú. Qua giám sát kết quả, gần 80% người dân và cán bộ có nhận thức, thái độ, hành vi đúng về bạo hành giới, các nội dung pháp luật liên quan.
Truyền thông trực tiếp 950 buổi, tổ chức thành công các sự kiện phòng chống bạo hành giới nhân các dịp 28/6, 20/10 hàng năm, xuất bản được nhiều tài liệu, băng đĩa truyền thông, làm được nhiều phóng sự và tin truyền hình phát trên Đài PTTH Nghệ An và tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình phòng chống bạo lực gia đình trong nước và Quốc tế (Thái Lan, Indonesia), đón nhiều đoàn tham quan của nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Trong 6 năm qua, Ban quản lý dự án được sự hỗ trợ của CCIHP đã đào tạo được một đội ngũ giảng viên nguồn có năng lực và nhiệt tình cao, đã tổ chức đào tạo tập huấn về kiến thức, kỹ năng cho các ban ngành thị xã và phường về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, pháp luật, quy trình hỗ trợ, kỹ năng truyền thông, sàng lọc, tư vấn...
Tổ chức đào tạo, tập huấn trên 150 lớp cho cán bộ từ thị xã xuống khối, xóm về công tác can thiệp, phòng chống nạn bạo lực gia đình.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, dự án còn tồn tại một số hạn chế như một số ban, ngành tham gia chưa đồng đều, hiệu quả, chưa đưa được nội dung phòng chống bạo hành giới vào kế hoạch hoạt động; sự tham gia của nam giới, người gây bạo hành vào các hoạt động chưa nhiều; vận dụng các quy định của pháp luật vào xử trí người gây bạo hành kết quả chưa cao, bạo hành sau ly hôn chưa giải quyết dứt điểm; người gây bạo hành dùng nhiều thủ đoạn để cản trở thực hiện quyết định của người bị bạo hành.
Chính vì vậy, để thực hiện tốt giai đoạn 2 của dự án, thị xã cần phải kiện toàn lại hệ thống quản lý điều hành từ thị xã đến phường xã. Duy trì hiệu quả hoạt động truyền thông vận động, tăng cường hoạt động viết tin bài cho các cơ quan truyền thông.
Nâng cao năng lực cho người bị bạo hành cũng như cho hệ thống hỗ trợ. Nâng cao hiệu quả sàng lọc cho cán bộ y tế và bố trí kinh phí cho họp nhóm, hỗ trợ phường, sơ kết, tổng kết cấp phường xã. Các hoạt động can thiệp tập trung cho nhóm nam gây bạo hành... Qua đó, góp phần đẩy lùi nạn bạo lực gia đình, trả lại sự bình yên, êm ấm trong mỗi gia đình ở vùng biển thị xã Cửa Lò.
Hằng Nga - Lê Hoa
.