Dạo quanh một vòng tại nhiều cổng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn TP Vinh, rất nhiều hàng quán mọc lên bày bán đủ các loại kẹo mút, trái cây, bim bim siêu nhân, xúc xích, bánh quế, bánh mì sấy khô. Thế nhưng hầu hết lại không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi hạn sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cao.
Theo quan sát, từ học sinh mẫu giáo đến các em học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở đều thích mua và thậm chí nhiều phụ huynh thấy con mua cũng nhắm mắt cho qua. Các loại hàng này có giá bán khá rẻ, như loại kẹo mút 4 màu giá từ 1.000 - 3.000 đồng/chiếc nên các cô cậu học sinh rất ưa thích.
Trước cổng trường, nhiều xe hàng rong di động còn bày bán các món ăn, nước uống và đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ lôi kéo học sinh. Người mua kẻ bán tấp nập nhưng chẳng mấy ai để ý đến ATTP, bởi trong những đồ ăn thức uống trên chứa đầy những vi khuẩn, vi trùng có thể lây lan gây bệnh.
Tại Trường Tiểu học và THCS Vinh Tân, TP Vinh, cứ vào đầu giờ và cuối giờ học, các em học sinh lại sà vào quán cạnh cổng trường mua quà vặt. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy màu sắc sặc sỡ của các loại bánh kẹo khác thường là do phẩm màu độc hại, còn bao bì, nhãn mác thì toàn chữ nước ngoài, nhiều nhất vẫn là Trung Quốc.
Rất nhiều học sinh sà vào hàng quán mua các loại kẹo bánh rẻ tiền để ăn trước và sau giờ học
Trong khi đó, các em đua nhau mua các loại như hạt hướng dương, ngô cay được gói sẵn trong bao nhỏ, hoặc những túi kẹo xanh đỏ. Khi hỏi nguồn gốc kẹo được sản xuất ở đâu? Cô bán hàng lắc đầu trả lời: Em không biết!?
Còn ngay trước cổng Trường Mầm non thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, nhiều chiếc xe di động cũng bày bán các loại kẹo mút, bánh khô, bánh quế, các loại nước uống có màu xanh đỏ. Khi chúng tôi xem nguồn gốc, nhãn mác thì không thấy in trên bao bì. Kế bên là nhiều chiếc xe bán đồ chơi điện tử trẻ em màu sắc sặc sỡ khá bắt mắt.
Rất nhiều phụ huynh “chiều con” sẵn sàng mua một gói bánh, chiếc kẹo hoặc một thứ đồ chơi rẻ tiền cho con. Nhưng không ai lường trước rằng chính các loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh bày bán tràn lan trước cổng trường là mầm mống gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của con em mình.
Đó là chưa kể đến những chất phụ gia hóa học nằm trong danh mục cấm lại có trong các loại thực phẩm này. Thức ăn, đồ uống không bảo đảm vệ sinh cùng với thái độ thờ ơ của những chủ hàng rong khiến cho nhiều học sinh đứng trước nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao…
Có nhiều gia đình khá giả còn cho con em tiền để trẻ tự ăn sáng ở trường. Nhiều cháu ăn sáng ít đi hoặc không ăn sáng mà dùng tiền ấy mua quà vặt ở cổng trường. Một gói bánh khô, một chiếc kẹo mút và một hộp sữa chua thay cho suất ăn sáng.
Chỉ nhìn thôi cũng biết đó là những đồ ăn kém chất lượng và tiềm ẩn biết bao mối nguy hại về sức khoẻ cho lứa tuổi học sinh. Bởi đó là những mặt hàng bị cấm, bởi chưa qua kiểm định của cơ quan chức năng, nhưng vẫn được bày bán công khai gần trường học.
Do đó, các bậc phụ huynh cần giáo dục trẻ có ý thức tránh xa các loại hàng quán, bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ sức khỏe cho mình. Hơn hết, việc học sinh có thể bị ngộ độc do ăn phải những bánh kẹo bày bán không được kiểm soát ngay tại cổng trường cũng cần được nhà trường và các cấp, ban, ngành đặc biệt quan tâm, tuyên truyền nói rõ tác hại để học sinh và mọi người biết.
Trong dịp đầu năm học này, Chi Cục ATVSTP Nghệ An vừa tiến hành lấy 4 mẫu ô mai, xí muội để mang đi xét nghiệm. Đây là những mẫu ô mai lấy ở khu vực bán lẻ gần chợ Vinh - đầu mối bán lẻ ô mai, xí muội cho các quán vỉa hè trên địa bàn thành phố Vinh.
Sau khi xét nghiệm, phần lớn các mẫu ô mai trên đều chứa hàm lượng chì vượt quá giới hạn từ 50 đến 60 lần (có những mẫu vượt quá hơn 200 lần). Ngoài ra, có mẫu còn sử dụng đường Cyclamat còn gọi là đường hóa học - một chất tạo ngọt nằm trong danh mục cấm sử dụng để chế biến thực phẩm của Bộ Y tế.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo sử dụng sản phẩm nhiễm chì nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể sẽ bị trụy tim mạch và suy hô hấp có thể dẫn tới tử vong rất nhanh. Lâu dài sẽ dẫn tới suy gan, suy thận. Chi cục cũng đã có thông báo đến người dân, khuyến cáo không nên sử dụng các sản phẩm ô mai, xí muội được bày bán ngoài vỉa hè không rõ nguồn gốc. Đồng thời gửi thông báo đến ban giám hiệu các trường học trên địa bàn để các trường kịp thời thông báo đến phụ huynh và học sinh.
Có thể thấy, do tính chất di động của hàng rong nên việc kiểm soát còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó để dẹp bỏ hàng rong đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ của nhiều ban ngành đoàn thể. Hàng năm, các đoàn thanh tra đều tổ chức các đợt thanh, kiểm tra VSATTP.
Tuy nhiên, việc kiểm tra thường chỉ tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nếu có kiểm tra ở trường học thì chỉ tập trung vào các bếp ăn, nhà ăn, căng tin. Còn những hàng quán, hàng rong vẫn còn nằm ngoài vòng kiểm soát? Do đó khi có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra từ các hàng rong vỉa hè, các cơ quan chức năng không biết ai để xử lý.
Thiết nghĩ, để hạn chế nguy cơ gây độc từ hoá chất của các loại thực phẩm bày bán ở cổng trường, ngoài sự vào cuộc của ngành giáo dục và y tế, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và ý thức của từng học sinh, các bậc phụ huynh, tránh xảy ra hiểm họa từ những hàng rong trước cổng trường.
Lê Hoa
.