Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201209/22752-khat-vong-len-bo-395380/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201209/22752-khat-vong-len-bo-395380/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khát vọng lên bờ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 06/09/2012, 08:30 [GMT+7]
22752

Khát vọng lên bờ

Ước mơ “một mảnh đất cắm dùi” đối với những hộ dân ở làng chài xóm 16, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên đến nay vẫn còn quá xa vời.

Không nhớ làng chài có từ ngày nào, chỉ biết rằng từ khi sinh ra, người dân nơi đây đã sống bấp bênh trên những con thuyền. Lớn lên chút nữa, theo mẹ cha, anh chị đi đánh bắt cá, rồi khai thác cát sạn. Cuộc sống của người dân vạn chài cũng chông chênh như con thuyền kia. 
 
Ông Lưu Văn Thông - xóm trưởng xóm 6 chia sẻ: Xóm 16 có 42/73 hộ dân sống trên sông nước. Cơ cực, khổ sở đã kinh qua, giờ chỉ mong một mảnh đất dựng nhà cho con cháu mình có chỗ ổn định để học hành đến nơi, đến chốn. Ngày trước, người dân chủ yếu sống nhờ vào đánh bắt cá theo mùa. Cứ mỗi mùa cá về, vào khoảng tháng 4 và tháng 9, bà con lại chăng đèn thả lưới nhặt nhạnh những con cá bé xíu, những con tép vàng ươm... Mỗi lần cá vào lưới là mỗi lần nhẹ nhõm thở phào. Vậy là ngày hôm nay có một bữa cơm đạm bạc.
 
Thu nhập người dân cũng chẳng nhiều nhặn gì. Ngoài việc đánh cá, số thanh niên ít ỏi trong làng còn làm thuê cát sạn, trung bình 80.000 -100.000 đồng/ngày. Người già, trẻ em không được hưởng một chế độ nào, tình trạng thất học là điều không thể tránh khỏi. Cuộc sống bấp bênh nay đây mai đó trên những chiếc thuyền cứ lặng lẽ trôi qua. Khổ nhất là mỗi lần lũ tràn về, bà con nơi đây lại di tản lên trên bờ, ra ngoài đê tránh lũ.
 
Cực chẳng đã, nhiều hộ dân đã dựng tạm lều ngay trên chỗ đất trống cạnh bờ sông để ở mặc dù biết làm như thế là vi phạm pháp luật. Đất Nhà nước nên không ai dám xây dựng nhà cửa, người dân liều mình dựng tạm một chiếc lều con con để có chỗ chui ra chui vào, tránh mưa tránh bão.
Sạt lở đất nghiêm trọng đang đe dọa tính mạng người dân làng Thanh Thủy
 
Ông Phan Văn Dương (67 tuổi), cả đời lênh đênh trên sông nước ngậm ngùi: “Con cái ra cửa nhà, còn mỗi hai ông bà già dựng một cái nhà gỗ tạm để sống qua ngày. Người dân chài nghèo như ông bà đến bao giờ mới có tiền mua đất cất nhà”, nói rồi, đôi mắt ông lại hướng ra phía ngoài sông trông chờ. 
 
Làm việc với tỉnh Nghệ An, năm 2005, Thủ tướng cho phép tỉnh lập đề án định cư làng vạn chài trên sông Lam, Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thẩm định trình Thủ tướng quyết định. Tại Công văn số 284/TTg - NN ngày 28/2/2007, Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Nghệ An xây dựng các khu định cư làng chài trên sông Lam, mục đích giúp dân chài sớm ổn định đời sống, với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Người dân vin vào đó mà hy vọng, chờ đợi. Vậy nhưng, đã mấy năm trôi qua, cuộc sống bà con cũng không thay đổi là mấy.
 
Ông Lưu Văn Thông nói: Xóm 16, gồm 2 làng là Thanh Sơn và Thanh Thủy. Trong đó, làng Thanh Thủy, chủ yếu bà con sống trên sông nước. Dự án đã rục rịch mấy năm nay. Cũng cách đây mấy năm, người ta về đo đạc đất đai, kẻ vẽ đường đi rồi xây dựng cả hệ thống thoát nước. Đất được quy hoạch trong vùng Thanh Sơn, nâng cấp lên 1m so với mặt bằng để chống ngập úng khi lũ. Nhưng khổ nỗi đất công ích không có nên vi phạm đất nông nghiệp. Đến nay, bà con làng chài vẫn dài cổ ngóng trông lên bờ. Đã nhiều lần người dân bức xúc có nhiều ý kiến lên huyện. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, chỉ nhận được câu “chúng tôi ghi nhận ý kiến”, không biết sẽ ghi nhận đến khi nào mới có câu trả lời chính xác cho họ?

Trong khi nhiều hộ dân đang bất chấp pháp luật dựng nhà để che mưa che nắng thì có 10 hộ ở làng Thanh Thủy được cấp sổ đỏ hẳn hoi cũng đang từng ngày đối mặt với sạt lở đất. Đợt mưa giữa tháng 8 vừa qua, nước lũ tuy nhỏ nhưng đã gây nên sạt lở nghiêm trọng.
 
Nước ngoạm vào, lở sát đến 3 hộ dân là hộ anh Nguyễn Đình Trọng, Lưu Xuân Cừ và hộ anh Nguyễn Văn Hải. Trong đó, hộ anh Nguyễn Văn Hải đang trong diện di dời khẩn cấp. Nước lũ nhỏ nhưng gây nên sạt lở với chiều rộng 20m, chiều dài 150m, có những nơi nước xói thành hàm ếch.
 
Tha thiết của người dân Thanh Thủy lúc này là phải di dời khẩn cấp vào trong đê. Thế nhưng một thực tế là đất công ích ở Hưng Long rải rác không gắn liền với khu dân cư.
 
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên cho biết: “Đất hai lúa phải được cho phép. Hiện tại, Đảng ủy, UBND huyện cũng đang tiến hành kế hoạch quy hoạch đất. Theo đó hỗ trợ đền bù cho các hộ di dời, mỗi hộ 20.000.000 đồng. Xã chỉ có trách nhiệm cấp đất còn huyện tiến hành giải phóng mặt bằng. Trước mắt sẽ di chuyển 3 hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm vào tái định cư phía trong đê. 7 hộ còn lại cũng đang có kế hoạch di dời”.
 
Chia sẻ về việc tái định cư cho người dân làng chài, ông Sơn cho hay: “Xã Hưng Long hiện nay diện tích đất rất ít, theo dự án triển khai quy hoạch cho 43 hộ trong đó mỗi hộ là 250m2 lên làng Thanh Sơn, nhưng tỉnh vẫn chưa bố trí được vốn. Trước mắt lên bờ để củng cố chỗ ăn ở, tạo điều kiện cho con em học hành, còn họ vẫn làm nghề chài lưới như trước đây”.

Người dân chài đang từng ngày đối mặt với hiểm họa thiên tai, cần có sự vào cuộc khẩn cấp cũng như sự chỉ đạo sát sao của các cấp ban ngành, đoàn thể. Mong mỏi của người dân vạn chài đến nay vẫn còn bỏ ngỏ?

Phan Tuyết - Ngọc Anh
.