Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201209/22740-chuyen-nguoi-truc-vot-2-khau-than-cong-tren-song-lam-395388/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201209/22740-chuyen-nguoi-truc-vot-2-khau-than-cong-tren-song-lam-395388/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện người trục vớt 2 khẩu thần công trên Sông Lam - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 06/09/2012, 14:45 [GMT+7]
22740

Chuyện người trục vớt 2 khẩu thần công trên Sông Lam

Sau đó vài ngày anh lại lặn lội tìm chuộc lại bằng được một khẩu súng thần công khác cũng được ngư dân phát hiện cách đó ít lâu. Điều đáng nói là sau khi trục vớt và tìm thấy hai khẩu súng thần công quý giá này, anh Bình không giữ cho riêng mình mà đã nhanh chóng hiến cho Bảo tàng Nghệ An để trưng bày lịch sử.
Tin về người làm nghề cứu hộ, trục vớt trên dòng sông Lam Nguyễn Văn Bình vừa tìm thấy và trục vớt thành công khẩu súng thần công cổ đã khiến chúng tôi không khỏi tò mò tìm đến xem thực hư thế nào.
 
Tiếp chúng tôi trong căn nhà còn đang xây dở dang, anh Bình chậm rãi kể lại: Hôm đó (19/8) tôi đang trông thợ xây nhà thì có mấy ngư dân ở trong xã đến bảo thuyền đánh cá của họ vừa bị mắc lưới vào một vật gì đó rất nặng dưới đáy sông Lam. Lúc đó dù chưa hình dung là vật gì nhưng tôi đã nhanh chóng cho anh em mang xà lan, dụng cụ bơi, lặn đến khu vực thuyền của ngư dân nọ mắc lưới. Đó là khúc sông Lam cách chân cầu Bến Thuỷ 1 chừng 1,5 km thuộc xã Hưng Hoà.
 
Sau khi cùng anh em lặn xuống đáy sông xem xét, anh Bình cho thợ tiến hành bơm hút cát. Sau gần 2 ngày liền 4 người thợ lặn mang máy bơm hút cát với độ sâu 12 m, cuối cùng một khối sắt khổng lồ cũng hiện ra dưới đáy sông Lam. Vì nó dài và nặng nên buộc tổ trục vớt phải mua dây blăng-xích và cáp để trục vớt lên. 
 
Chiều 20/8, khi khối sắt khổng lồ đã được kéo lên khỏi mặt nước, mọi người vẫn chưa hình dung ra đó là vật gì. Chỉ thấy khối sắt nặng chừng 2,5 tấn, dài 3,5m nằm lâu năm dưới lòng sông nên thân nó đã phủ bởi một lớp gỉ sắt dày chừng 10cm, hai bên thân có hai tấm gỗ dài chừng 80 cm gần như đã hoá thạch.
 
Anh Nguyễn Văn Bình bên hai khẩu súng thần công vừa tìm thấy
 
Anh em trong tổ thợ lặn bảo anh Bình, đấy chỉ là khối sắt vụn, thôi đem bán đi lấy tiền trang trải chi phí trục vớt hai ngày vừa rồi. Nhưng linh tính của một người từng đi lính mách bảo rằng đây không phải là khối sắt rỉ vô dụng mà rất có thể là một khẩu súng hoặc khẩu pháo cổ nào đó. Vì thế anh quyết giữ lại để hỏi rõ ngọn ngành. 
 
Tin anh Bình vừa trục vớt được khối sắt lạ khiến nhiều người trong vùng tò mò đến xem. Một người bạn của anh Bình làm tại Bảo tàng Quân khu 4 cũng ghé qua xem. Người này cho hay, rất có thể đây là một khẩu súng thần công cổ khổng lồ.
 
Cũng từ đó, một ngư dân cho hay: Trước đó khoảng 1 tuần, cũng ở khúc sông trên, thuyền anh ta cũng bị mắc lưới và đã vớt được khối sắt tương tự nhưng nhỏ hơn.
 
Mừng như bắt được vàng, anh Bình liền xin chuộc lại khẩu súng đó. Nhưng ngư dân này cho hay anh ta đã đem bán cho một người thu mua sắt vụn. Tiếc vì một vật quý đã bị bán thành phế liệu, anh Bình quyết tâm tìm mua lại bằng được. Nhưng ngư dân nọ cũng cho biết, anh ta bán cho một người thu mua sắt vụn vãng lai nên không có tung tích, địa chỉ cụ thể.
 
Không vì thế mà anh nản lòng. Ngay ngày hôm sau, anh Bình bắt đầu hành trình đến các cơ sở thu mua sắt vụn ở địa bàn TP Vinh và Hưng Nguyên để tìm kiếm. Sau gần một ngày rưỡi ròng rã tìm kiếm, đến trưa 21/8, anh mừng khôn xiết khi phát hiện vật quý đang nằm lẫn giữa đống sắt vụn tại một cơ sở thu mua phế liệu ở gần khu vực ga Vinh. Sau khi thương lượng và chuộc về với giá 16 triệu đồng, anh đã thuê máy cẩu chở về nhà mình đặt bên cạnh khẩu súng thần công vừa mới trục vớt được. 
 
Niềm vui vì vừa có được hai báu vật chưa được bao lâu thì sáng 21/8, các cơ quan chức năng lần lượt có mặt, xem xét và đề nghị mang về để trưng bày. Tuy nhiên, anh Bình đã không ngần ngại khi giao lại hai báu vật cho Bảo tàng tỉnh. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Kiếm, Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết: Quả thật hiếm có người dân nào lại xử sự hào hiệp và hiểu về cổ vật như anh Bình. Tôi đã từng đi nhiều và gặp nhiều người dân tìm thấy cổ vật nhưng họ luôn sống chết bảo vệ nó và không chịu giao cho cơ quan chức năng để bảo quản, lưu giữ. Còn anh Bình, khi chúng tôi tìm đến, anh đã niềm nở giao lại hai cổ vật này cho chúng tôi mà không có bất kỳ đòi hỏi nào, quả là hiếm thấy.
 
Ông Kiếm cũng cho biết: Trước hết có thể khẳng định rằng đó chính là cổ vật, là di sản văn hoá, là hai khẩu súng thần công, khẩu thứ nhất nặng khoảng 2,5 tấn, dài 3,5m; khẩu thứ hai dài 1,5m nặng khoảng 500 kg và hiện nó đã được chuyển về bảo quản tại bảo tàng tỉnh .
 
Cơ quan này đang khẩn trương làm văn bản báo cáo UBND tỉnh, Bộ VHTT&DL, đồng thời thành lập Hội đồng thẩm định cổ vật Quốc gia để đánh giá về mặt giá trị lịch sử, văn hoá cũng như giá trị kinh tế để có sự đền bù xứng đáng cho người phát hiện và tìm thấy cổ vật này.

Hải Việt
.