Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/20302-chua-co-loi-giai-cho-phat-trien-buu-dien-van-hoa-xa-397282/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/20302-chua-co-loi-giai-cho-phat-trien-buu-dien-van-hoa-xa-397282/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chưa có lời giải cho phát triển bưu điện văn hóa xã - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 22/05/2012, 08:00 [GMT+7]
20302

Chưa có lời giải cho phát triển bưu điện văn hóa xã

Thời “vàng son” của Bưu điện văn hóa xã
 
Điểm  BĐVHX là mô hình kết hợp cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản (bao gồm cả truy cập Internet) với việc phổ biến thông tin và đọc sách báo miễn phí của ngành bưu điện cho người dân khu vực nông thôn, miền núi. Với mục đích như thế, ngành bưu điện đã đầu tư không ít cho các BĐVHX khang trang, đáp ứng nhu cầu văn hóa, đời sống tinh thần cho đại bộ phận nhân dân.
 
Từ những năm 2000, hàng loạt các điểm BĐVHX ra đời và được xây dựng rộng rãi ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, các điểm BĐVHX đã góp phần rất lớn trong việc tiếp cận thông tin, phục vụ các dịch vụ bưu chính - viễn thông cho người dân, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
 
Theo thống kê của Bưu điện tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 403/479 điểm BĐVHX, được phân bố rộng khắp trên các xã, phường, liên xã... Vào thời điểm này,  các kênh thông tin chưa phát triển rộng rãi, nên nhu cầu đọc sách, báo, tạp chí của người dân là rất cao, vì thế tại nhiều nơi, các điểm BĐVHX trở thành điểm văn hóa, trung tâm giao dịch, sinh hoạt cộng đồng mang đậm sắc thái từng vùng quê, điển hình ở Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Thái Hòa...
 
Thế nhưng trong vòng từ 3 - 5 năm trở lại đây, do sự "bùng nổ" thông tin, với sự xuất hiện nhiều loại hình viễn thông, dịch vụ bưu điện hiện đại... nên quá trình kinh doanh, mức tăng trưởng doanh thu bình quân của điểm BĐVHX giảm dần và đang có xu hướng giảm nhanh do nhu cầu xã hội và sự chia sẻ thị phần bưu chính viễn thông của các mạng di động và mạng cáp điện thoại phủ sóng ngày càng rộng, phát triển đến các thôn xóm.
 
 Nhiều điểm BĐVH "đóng cửa" do hiệu quả kinh doanh thấp 
 
Nhiều hộ gia đình đã đăng ký sử dụng các dịch vụ điện thoại cố định, di động, Internet, truyền hình vệ tinh; nhiều nhà cung cấp các dịch vụ bưu chính ra đời nên thị phần bị chia sẻ, lượng khách đến các điểm BĐVHX sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông ngày càng giảm. Chỉ có phần bưu kiện, bưu phẩm vẫn còn hoạt động như vốn có của nó, những điểm BĐVHX nằm trên địa bàn xã nghèo phục vụ công ích là chính.
 
Gian nan "tháo gỡ"
 
Đến đầu năm 2012, trong tổng số 403 điểm BĐVHX thì có đến gần 2/3 điểm BĐVHX hoạt động rất gian nan, cầm chừng, loay hoay tìm đủ mọi cách để duy trì.
 
Trước khó khăn trên, Bưu điện tỉnh đã cho tạm ngưng gần 30 điểm do thiếu con người (vì thu nhập thấp nên bỏ việc), tập trung ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp và Quế Phong... Đây là những nơi có các điểm BĐVHX có thu nhập thấp so với mức doanh thu tối thiểu 650.000 đ/tháng.
 
Tại các điểm này, thu nhập nhân viên các điểm BĐVHX rất thấp, không đảm bảo cuộc sống. Các chế độ hỗ trợ khác của ngành hầu như không có, Bưu điện tỉnh chỉ chi thù lao tối thiểu mỗi nhân viên BĐVHX là 650.000 đồng/tháng, ngoài ra được trích tỷ lệ hoa hồng trên doanh thu các dịch vụ đã làm được nhưng tổng thu nhập cũng chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tháng, không đảm bảo mức sống để nhân viên BĐVHX gắn bó phục vụ lâu dài.
 
Trong khi đó, trình độ văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ của đa số nhân viên BĐVHX còn hạn chế, do đó rất khó khăn trong việc mở thêm các dịch vụ mới. Nguồn tài liệu, sách báo ở các nơi này do kinh phí có hạn nên rất hiếm, chưa thật sự phong phú, phù hợp để thu hút độc giả đến tham khảo. Có điểm mỗi ngày chỉ lèo tèo, phục vụ số ít là học sinh đến mượn sách báo về đọc...
 
Trao đổi vấn đề này, ông Chu Quang Hòa - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Trước những khó khăn chung của ngành bưu điện, tháng 1/2012, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị toàn quốc nhằm lấy ý kiến cẩu các cấp, các ngành và các địa phương về việc định hướng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVH xã.
 
Tại hội nghị này, nhiều ý kiến của các đơn vị, bộ ngành được đưa ra nhằm "tháo gỡ" những bất cập hiện tại đối với hoạt động của BĐVHX. Tại Nghệ An, xác định sự cần thiết và phát triển bền vững của mô hình này trong xu thế phát triển chung theo tinh thần của Nghị quyết TW5 đặt ra, để duy trì hoạt động, ngành bưu điện các cấp đã phải vất vả để tìm hướng đi mới cho các điểm BĐVHX.
 
Theo đó, sau khi rà soát trên toàn tỉnh, chủ trương của ngành sẽ tiếp tục đầu tư, ở các địa phương điểm nào kinh doanh không thuận lợi sẽ có cơ chế hỗ trợ như triển khai mô hình kết hợp giữa điểm BĐVHX với đài phát thanh xã, thí điểm tủ sách văn hóa - thông tin hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp như mở thêm dịch vụ bán thẻ, tem, phát triển dịch vụ đưa Internet băng thông rộng về một số  điểm BĐVHX.
 
Một số địa phương tận dụng lợi thế về địa điểm, mặt bằng của điểm BĐVHX để tạo thêm nguồn thu cho các điểm phục vụ đã thí điểm cho bán hàng hóa gia dụng. 

Thực trạng mô hình BĐVHX hoạt động khó khăn là một thực tế chung không chỉ đối với tỉnh ta mà trên bình diện cả nước. Những lợi ích mà nó mang lại là điều nhận thấy rõ, do vậy để tiếp tục duy trì các điểm BĐVHX hoạt động có hiệu quả hơn, thiết nghĩ ngành bưu điện cần có kế hoạch "dài hơi" trong việc sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại và con người có kỹ năng kinh doanh tốt hơn. Đồng thời, cũng cần có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về mọi mặt cho đội ngũ nhân viên ở các điểm BĐVHX.
 
Quan tâm đến mức thu nhập của  nhân viên BĐVHX; cơ chế đãi ngộ, thăng tiến nghề nghiệp đối với nhân viên điểm BĐVHX là rất cần thiết nhằm khuyến khích, động viên người lao động. Cùng với đó là cần sớm có các chế độ khác như khen thưởng kịp thời, chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe... để người lao động yên tâm gắn bó với công việc.

Xuân Thống - Ngọc Hùng
.