Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/20200-chuyen-lao-ngu-chong-lai-thuy-than-397364/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/20200-chuyen-lao-ngu-chong-lai-thuy-than-397364/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện lão ngư chống lại thủy thần - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 17/05/2012, 14:07 [GMT+7]
20200

Chuyện lão ngư chống lại thủy thần

Mồ côi cha, Trần Văn Sơn (SN 1966) ở xóm Hải Nam, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu đã phải đi ăn xin ở các bãi cá rồi vươn lên thành chủ tàu hào hiệp, có tấm lòng nhân ái.
 
Không những được biết đến là lão ngư có sáng kiến thành lập chi hội nghề cá để giúp đỡ các ngư dân, mà với việc đã cứu được hàng chục người bị chìm tàu trên biển sau nhiều giờ lênh đênh giữa trùng khơi sóng nước, ông được các ngư dân ở vùng biển suy tôn là người “chống lại thủy thần”.
 
Trưởng thành trong khốn khó
Chuyện xảy ra vào một ngày cuối tháng 7/1972, khi một cơn lốc dữ trút xuống vùng biển Nghệ An cướp đi 45 ngư dân ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu. Trong số 45 ngư dân thiệt mạng có người cha của Sơn, vừa rời quân ngũ trở về quê làm xã Đội trưởng đi biển.
 
Đó có lẽ là lần tang thương lớn nhất mà những người làm nghề đi biển phải gánh chịu, xã nghèo Diễn Bích chìm trong đại tang và nỗi ám ảnh về chuyện sinh nghề tử nghiệp. Nhưng không bám biển, họ cũng chẳng biết làm gì để mưu sinh.
 
Ông Trần Văn Sơn xa xăm, ngày ấy, sau cơn đại nạn, mọi người tưởng chừng như đoạn tuyệt với nghề, nhưng chỉ được mấy hôm, cái đói hành hạ, buộc những người đàn ông trụ cột lại phải liều mình dong buồm ra khơi.
 
Gia cảnh ông Sơn lúc ấy neo nơi vô cùng, mẹ ốm o, hai chị thân gái, không làm gì được nên mấy chị em đành phải dắt nhau ra bãi cá để xin ăn, đặng sống qua ngày. Cậu bé Trần Văn Sơn đầm mình vào làm thuê, khi thì bốc vác tại các bến cá, lúc lau rửa tàu giùm người ta, ai thuê gì, cậu làm tất.
 
Học dở cấp 3, Sơn đành bỏ ngang giấc mơ đèn sách, bắt đầu là những chuyến đánh cá thuê. Trên những con tàu được người ta thuê mướn, Sơn đã dần trưởng thành, từ kéo lưới đến làm làm công và sau cùng là làm thuyền trưởng. Sau nhiều năm chắt chiu, đến năm 2000, Trần Văn Sơn đã sắm được con tàu và bộ đồ nghề câu, đánh cá để ra khơi, chính thức trở thành trụ cột cho gia đình, dù đó chỉ là con tàu cũ kỹ, rách nát.
 
Vợ chồng ngư dân Trần Văn Sơn
 
Có được chiếc cần câu cơm, ông Trần Văn Sơn đã tạo công ăn việc làm cho anh em và bà con trong xóm bằng cách cùng hướng ra biển lớn. Trong hơn 10 năm qua, không chỉ có nhiều đóng góp trong việc tạo việc làm cho nhiều người, giúp họ xóa đói giảm nghèo mà lão ngư Trần Văn Sơn còn cứu giúp nhiều như dân bị nạn trên biển, ra tay bài trừ cái xấu, cứu vớt thêm những mảnh đời khốn khó.
 
Điển hình cho tấm lòng nghĩa hiệp ấy là việc nhận em Thái Bá Long, 11 tuổi ở trong xã, có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi về làm con nuôi trong gia đình. Cũng chừng ấy năm, Trần Văn Sơn đã giành lại nhiều mạng sống từ tay thủy thần. Tháng 4/2009, tàu của ông Sơn, trong lúc đang chạy ra đảo Mê (Thanh Hoá) trong một đêm tối trời thì bất ngờ thấy phía trước ánh đèn pha có dáng người đang lập lờ dưới nước.
 
Sau khi tàu đến gần, phát hiện ra không chỉ có một mà tới năm con người đang chới với, kiệt sức giữa trùng khơi, ông Sơn đã bất chấp hiểm nguy, nhảy xuống biển lần lượt dìu năm người lên tàu và cứu sống được cả 5 ngư dân, là người trong gia đình ông Thái Bá Trung ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu.
 
Sau đó, trong một chuyến ra khơi, ông Sơn cùng năm ngư dân phát hiện một con tàu đang cắt trộm lưới thả của con tàu khác. Ông Sơn lao tàu mình đến, khống chế và bắt được các đối tượng ăn cắp đưa về giao cho Công an huyện Quỳnh Lưu xử lý.
 
Không sống cho riêng mình
Sau một ngày rời bến Trung Thành (xã Diễn Bích) rẽ sóng ra khơi, chiều 16/5/2011, thuyền trưởng Sơn và cậu con nuôi Thái Bá Long cùng bốn ngư dân cùng ở xã Diễn Bích đang đánh cá trên vùng biển Cửa Lò thì bất ngờ lốc tố kéo đến. Lúc này trên tàu NA-2563 TS của ông Sơn đã đánh được hơn một tấn cá và mực các loại.
 
Lốc ập xuống đến quá nhanh làm chìm tàu khi ông Sơn các ngư dân cũng không kịp phát tín hiệu ứng cứu. Lúc đó, ông chỉ kịp hét lên với mọi người lấy áo phao mặc vào rồi nhảy xuống biển để tránh tàu lật úp. Vì trên tàu chỉ có 5 bộ áo phao nên ông Sơn nhường hẳn, còn mình chỉ kịp vớ lấy cây sào rồi quăng mình xuống nước.
 
May mắn là mấy tiếng đồng hồ sau, khi cơn dông tố tan đi, hai tàu cá đánh bắt xa bờ mang biển số NA-9448 TS và NA-9449 TS do ông Nguyễn Văn Hồng (trú phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) làm thuyền trưởng, trên đường về đất liền đã phát hiện bàn tay vẫy cứu trên ngọn sóng nên đã cứu sống được cả mấy người. Qua cơn nguy kịch, ông Sơn đã tìm cách trục vớt con tàu của mình, rồi lại cùng 5 ngư dân lại tiếp tục hành trình ra biển.
 
Ông Trần Văn Sơn không chỉ là người nổi tiếng vượt khó, cứu người, giúp nhiều tàu bị nạn mà ông còn có công rất lớn khi đứng ra thành lập chi hội nghề cá Hải Nam. Mục đích của chi hội là các con tàu liên kết với nhau, chia sẽ kinh nghiệm ngư trường khai thác, hỗ trợ nhau nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ và kịp thời giúp nhau khi có tai nạn rủi ro trên biển.
 
Mỗi tháng một tàu của chi hội viên đóng góp 100 ngàn đồng để làm quỹ cho các chủ tàu có hoàn cảnh khó khăn vay để thay đổi máy và ngư cụ mới. Hoặc khi có tàu bị chìm thì xuất quỹ hỗ trợ và cùng nhau chạy tàu đi tìm kiếm trục vớt, giúp đỡ tàu bị nạn.
 
Hiện có 60 chủ tàu cùng vào chi hội nghề cá Hải Nam với số tiền quỹ hơn 270 triệu đồng. Nhiều tàu đã thay được máy mới có công suất lớn tiến được ra biển xa hơn.
 
Đến nay, Thái Bá Long đã 20 tuổi, chuẩn bị cưới vợ. Hai người con trai của vợ chồng ông Sơn là Trần Hồng Khoái và Trần Hồng Chi đang học cao đẳng ở Đồng Nai và Đà Nẵng.

Thiên Thảo
.