Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201204/19330-nhung-noi-dau-tu-la-ngon-398111/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201204/19330-nhung-noi-dau-tu-la-ngon-398111/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những nỗi đau từ lá ngón - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 04/04/2012, 08:10 [GMT+7]
19330

Những nỗi đau từ lá ngón

Theo thống kê từ đầu năm 2012 đến nay tại các huyện miền núi trong tỉnh đã xảy ra gần chục trường hợp tử vong vì lá ngón. Thực trạng nhức nhối này đang gióng lên hồi chuông báo động về nỗi đau từ lá ngón vốn đã “hoành hành” ở địa bàn miền núi Nghệ An nhiều thập kỷ qua. 
 
Hồi 17h30 ngày 24/1, tại bản Pa Ka, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, chị Ven Thị Khăm (SN 1991) và anh Moong Văn Sơn (SN 1990) đều trú tại bản Pa Ka đã cùng nhau ăn lá ngón tự tử. Nguyên nhân được biết, do hai người yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cản. Hậu quả chị Ven Thị Khăm bị chết, anh Moong Văn Sơn may mắn hơn đã được cứu sống. 
 
Gần đây hơn, vào hồi 16h ngày 19/3, tại bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, anh Già Khua Chùa (SN 1993) do có những mâu thuẫn trong gia đình không giải quyết được đã ăn lá ngón dẫn đến tử vong. Tiếp đó, vào hồi 21h ngày 20/3, tại bản Cà Trên, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, chị Lầu Y Rê (SN 1990) do có mâu thuẫn với gia đình không lối thoát đã ăn lá ngón để từ giã “cõi trần”.
 
Trên đây là những trường hợp tự ăn lá ngón để “quyết tâm chết”, còn trường hợp 2 cháu Xồng Chìa Xa và Và Nhia Chia thì thật thương tâm. Lúc 16h ngày 14/2, hai cháu Xa và Chia (cùng 6 tuổi) ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong rủ nhau vào rừng hái lá chua để ăn. Do còn nhỏ tuổi, chưa phân biệt được các loại lá rừng nên các cháu đã hái nhầm phải lá ngón. Sau khi ăn, cả hai cháu đều bị ngộ độc nặng, sùi bọt mép và nằm bất tỉnh.
 
Đáng tiếc là sau 1 giờ đồng hồ mới có người lớn phát hiện ra. Bà con dân bản đã thông báo để mọi người cùng cứu chữa, nhưng chỉ cứu được cháu Chia, còn cháu Xa do nhiễm độc nặng đã tử vong. 
 
 
Cây lá ngón có hoa rất đẹp nhưng chứa độc tố chết người 
 
Ông Đàm Thiên Thương, Phó Bí thư Đảng uỷ xã cho biết thêm: Khoảng 1 tháng gần đây, trên địa bàn xã Tri Lễ cũng đã xảy ra 3 vụ ăn lá ngón tự tử khác làm chết 2 người, còn lại 1 người do phát hiện sớm nên cứu được. 
 
Cây lá ngón có tên khoa học là: Gelsemium elegans Benth, thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae) mọc nhiều nơi ở vùng đồi núi. Cây có hoa vàng rất đẹp nhưng lại có độc tính mạnh, dễ gây ngộ độc chết người. Khi ngộ độc người bị nôn mửa, hôn mê, giãn đồng tử, ngạt hô hấp, các cơ bị mềm nhũn, đau bụng dữ dội, chảy máu dạ dày, ruột… Khi ngộ độc phải rửa dạ dày, chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
 
Về những nguyên nhân dẫn đến việc ngộ độc bởi lá ngón, trung tá Ninh Công Chức (Trưởng Ban vận động quần chúng - BĐBP tỉnh) - người có thời gian dài công tác tại các huyện biên giới của tỉnh cho biết: “Hầu hết những vụ ngộ độc lá ngón của đồng bào là do tự tử. Đa số các nạn nhân đều là trẻ em gái và phụ nữ. Nguyên nhân dẫn đến cái chết bằng lá ngón thường xuất phát từ những mâu thuẫn có khi rất nhỏ trong gia đình, bạn bè cãi vã nhau, một lời nói cay nghiệt, buồn chán, những hờn giận, ghen tuông… dễ khiến người phụ nữ tìm giải pháp tiêu cực này. Thậm chí, chỉ vì một lí do đơn giản là trong bản có người nói xấu mình thì họ cũng tìm đến lá ngón để giải quyết mâu thuẫn. Họ quan niệm rằng, chết vì giận người thân là cách tốt nhất để trừng phạt người còn sống, để cho người sống luôn phải nhớ thương, đau khổ, phải thui thủi lên nương, phải sống một mình…”. 
 
Thực tế cho thấy, những vụ tự tử bằng lá ngón đa phần là phụ nữ có trình độ thấp, hiểu biết còn hạn chế nhưng cũng có người có học hành, quan hệ rộng trong xã hội, như trường hợp của anh Già Khua Chùa ở Đoọc Mạy là một điển hình. Bởi anh Chùa là con trai ông Già Khua Lầu, hiện là Chủ tịch MTTQ xã Đoọc Mạy đã được học hành, có những hiểu biết nhất định về cuộc sống, xã hội.
 
Các huyện miền núi của tỉnh được xem là “thánh địa” của cây lá ngón, bởi ở vùng đất này, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của “lá chết người” này. Lá ngón mọc khắp nơi, từ trên đỉnh núi cao đến các triền đồi, đường đi, trường học..., thậm chí ở ngay bên vách nhà.
 
Theo kinh nghiệm các già làng thuộc miền Tây của tỉnh cho biết: Một khi đã uống nước lá ngón được nấu lên thì không có cách gì cứu chữa được. Nếu ăn phải lá ngón tươi thì có một số cách cứu chữa như: Ngâm người trong nước lạnh, chặt cây chuối áp vào người cho mát; tìm mọi cách giúp người bệnh nôn ra càng sớm càng tốt; sau đó nhanh chóng đưa đến trạm y tế nơi gần nhất để y, bác sĩ rửa ruột.
 
Ngoài ra, còn có một số cách khác mà người dân các huyện miền núi vẫn làm như cây rau má tươi (nguyên cây) được rửa sạch và giã nát lấy nước cho uống; hoặc cũng có thể giải độc lá ngón bằng cách giã nhỏ cây rau muống rồi lấy nước uống. Điều cơ bản là phải tìm mọi cách làm cho nạn nhân thải độc tố khỏi cơ thể.

Được biết, thời gian qua, các huyện vùng cao Nghệ An đã từng phát động nhân dân triệt phá cây lá ngón nhưng đều không hiệu quả. Bởi sau thời gian ngắn chúng lại mọc như nấm sau mưa. Bởi vậy, việc phòng ngừa các vụ tự tử, để giảm thiểu những nỗi đau từ lá ngón thì vấn đề mấu chốt là cần làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho mọi người biết cách phòng tránh, đồng thời tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức và đời sống văn hóa tinh thần cho mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lê Thạch
.