(Congannghean.vn)-Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) mục đích cuối cùng là hướng đến người dân, phục vụ tốt hơn tổ chức và doanh nghiệp, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã rất chú trọng và có nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác CCHC cả về thủ tục hành chính và thái độ phục vụ đối với người dân.
Cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ tại “Bộ phận một cửa liên thông”, Trung tâm Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư tỉnh |
Theo Đề án CCHC năm 2018 vừa được cơ quan soạn thảo công bố, năm nay tỉnh sẽ chọn 7 đơn vị thực hiện thí điểm về CCHC điểm gồm: Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh và UBND TP Vinh. Đề án này đặt ra mục tiêu thực hiện có hiệu quả công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, đến nay, Đề án của các đơn vị xây dựng cơ bản đã bám sát yêu cầu, đồng thời cần tập trung làm rõ về các nội dung như: Ban hành văn bản về tiến độ (% chậm); rà soát công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý ở các cấp; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; kết quả xử lý hồ sơ (trước hẹn, đúng hẹn, chậm); tổ chức lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng về cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan...
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được quan tâm thực hiện trong CCHC đó là cải cách thủ tục hành chính. Với yêu cầu này được cải cách sẽ phản ánh chất lượng công việc người đứng đầu, chuyên viên giúp việc, góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Bởi lâu nay, ngoài sự chuyển biến trong phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp thì thủ tục hành chính của các ngành, lĩnh vực được xem còn rườm rà, chồng chéo, dẫn đến tình trạng “ách tắc”. Bên cạnh đó, trong công tác CCHC còn xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” chưa giải quyết được những bất cập, tồn tại lâu nay, nhất là ở các sở, ngành; rồi vấn đề kiểm soát, giám sát trong việc phát hiện, xử lý, kỷ luật công vụ công chức.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác CCHC, thời gian tới, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường, không chỉ dừng lại ở 7 đơn vị làm thí điểm mà ở tất cả các đơn vị sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện yêu cầu trên, người đứng đầu phải nắm được toàn bộ công việc của mình để kiểm tra, đôn đốc; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, kiểm tra đánh giá được toàn bộ công việc và cán bộ của mình; đồng thời cần có hình thức kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có như thế mới tạo được sự chuyển biến căn bản đối với công tác này, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.