(Congannghean.vn)-Thời gian qua, số vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ rất lớn (khoảng 5,5 triệu trường hợp/năm), với tổng số tiền phạt từ 2.500 - 3.000 tỉ đồng/năm. Việc người dân phải di chuyển nhiều lần để xử lý giấy tờ gây lãng phí thời gian và tiền bạc. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Công an Nghệ An và Bưu điện tỉnh đã triển khai việc phối hợp chuyển phát giấy tờ tạm giữ. Qua thời gian đầu triển khai có thể thấy, việc chuyển phát giấy tờ tạm giữ qua bưu điện mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Người dân đăng ký chuyển phát giấy tờ tạm giữ qua bưu điện tại Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh |
Hoạt động phối hợp giữa Công an Nghệ An và Bưu điện tỉnh dựa trên Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 4/2/2016 của Chính phủ cho phép triển khai dịch vụ thu tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ qua bưu điện; đồng thời, thực hiện trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam với Cục CSGT về việc thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay công dân theo yêu cầu. Ngày 16/6/2016, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ban hành Văn bản số 2336 hướng dẫn triển khai cung cấp dịch vụ thu tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ qua bưu điện.
Trên cơ sở đó, ngày 8/8/2016, Công an Nghệ An và Bưu điện tỉnh đã ký kết quy chế về công tác phối hợp chuyển phát giấy tờ tạm giữ. Hoạt động phối hợp này góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xử phạt vi phạm giao thông đường bộ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, giảm tải áp lực cho cơ quan xử phạt cũng như hạn chế một phần mật độ lưu thông đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo nội dung quy chế phối hợp, trách nhiệm của hai bên được phân công cụ thể cho từng đơn vị: Bưu điện tỉnh đóng vai trò kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện dịch vụ đảm bảo thống nhất về nguyên tắc theo thỏa thuận này. Trong trường hợp đặc biệt như các giấy tờ bị mất, thất lạc, rách, Công an tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ Bưu điện cấp lại giấy tờ tạm giữ đã mất, thất lạc cho người vi phạm.
Công tác đối soát sẽ được thực hiện trong vòng 10 ngày của tháng kế tiếp, Bưu điện tỉnh lập bản kê sản lượng, doanh thu dịch vụ, rồi chuyển sang Công an tỉnh để thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu dịch vụ phát sinh trong tháng.
Khi bị xử phạt vi phạm hành chính, theo quy trình, cơ quan xử phạt sẽ thông báo dịch vụ nộp tiền và nhận giấy tờ tạm giữ qua bưu điện để người vi phạm xem xét đăng ký (tự nguyện). Nếu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngay khi vi phạm, khách hàng sẽ ký biên bản và đăng ký dịch vụ nộp tiền và nhận giấy tờ tạm giữ qua bưu điện. Sau đó, sẽ đến một bưu cục bất kỳ, cung cấp thông tin về biển kiểm soát, họ tên, địa chỉ nhận giấy tờ tạm giữ và nhận 1 liên giấy chứng nhận nộp tiền, hóa đơn giá trị gia tăng.
Các thủ tục liên quan sẽ được bưu cục đầu mối xử lý và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm. Người dân sẽ không phải đi một quãng đường xa để làm các thủ tục nhận giấy tờ tạm giữ như trước. Giá cước dịch vụ thu, nộp tiền phạt (không có chuyển phát giấy tờ tạm giữ) là 33.000 đồng.
Tại điểm đặt chuyển phát giấy tờ tạm giữ tại Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an Nghệ An, sau 1 tháng triển khai, đã có 466 trường hợp người dân đăng ký tham gia dịch vụ này. Sau 20 ngày triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, đã có 586 giao dịch thực hiện với tổng số tiền thu hộ nộp phạt gần 1,3 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, vì hình thức này còn mới, người dân chưa được biết nhiều nên trong thời gian qua, hiệu quả vẫn chưa cao. Người dân đang quen với cách làm truyền thống trong xử lý giấy tờ tạm giữ. Trong thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp với Công an Nghệ An đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá sâu rộng trong người dân về nội dung phối hợp này.
Theo Trung tá Võ Trường Giang, Đội trưởng Đội Tuyên truyền - Điều tra - Xử lý, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, ngay sau khi 2 bên ký kết quy chế, đơn vị đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh ký văn bản gửi Công an 21 huyện, thành, thị. Từ đó, Công an huyện sẽ triển khai theo thỏa thuận phối hợp. Bưu điện tỉnh và CBCS Công an các đơn vị sẽ phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Riêng điểm chuyển phát giấy tờ tạm giữ đặt tại Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Phòng đã bố trí bàn làm việc cho cán bộ bưu điện ở nơi thuận tiện nhất, giúp người dân ngay khi vào trụ sở sẽ được tuyên truyền kịp thời về hình thức chuyển phát giấy tờ tạm giữ; đồng thời, thường xuyên trình chiếu slide về quy trình, tiện ích mà người dân được hưởng khi tham gia dịch vụ.