Mặc dù Chính phủ đã ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, song, nhiều nơi vẫn không coi trọng vấn đề này. Văn hóa công sở không đồng nghĩa với trình độ học vấn nên nhiều người có bằng cấp đầy mình, vẫn bị coi là “vô học” bởi cách ứng xử thiếu văn hóa với mọi người.
Chính thái độ làm việc của những công chức, viên chức (CCVC) này là nguyên nhân gây nên bức xúc, khiếu kiện, chứ không hẳn là về chuyên môn.
Sự thân thiện nơi công sở là rất quan trọng. |
Các công sở là để phục vụ người dân và được nuôi bằng tiền thuế của nhân dân. Thế nhưng, nhiều cán bộ Nhà nước lại mặc định tư duy làm việc kiểu ban phát, hách dịch, coi thường người dân. Vì thế, đến nhiều công sở, dễ dàng bắt gặp thái độ cửa quyền, những câu hỏi thiếu chủ ngữ như: “có việc gì?”, “đi đâu?”, “gặp ai?”… trên những gương mặt kẻ cả, lạnh lùng, nhất là ở những nơi thường xuyên giải quyết các công việc liên quan đến người dân.
Cảnh người dân xếp hàng đợi chờ trong khi CCVC ngồi buôn chuyện hoặc đi ăn sáng, uống cà phê, đi shopping trong giờ làm việc không hiếm, hay mới 3 rưỡi, 4 giờ chiều, CCVC đã ra sân đánh bóng, đánh cầu, mặc người dân chờ đợi rồi về không.
Nhiều việc hoàn toàn có thể giải quyết ngay, nhưng cán bộ vẫn viện đủ lý do để đẩy việc sang hôm sau, hoặc đùn đẩy cho đồng nghiệp, gây khó khăn cho người dân. Quá bức xúc trước cảnh người dân chờ đợi trong khi cán bộ ngồi chơi, mới đây nhiều người đã quay clip đưa lên mạng xã hội.
Người viết bài này từng phải chờ đợi rất lâu ở một cơ quan hành chính, mà người phụ trách công việc vẫn mải “buôn” điện thoại đến mức gần như quên là có người đang chờ mình. Mà toàn chuyện rất riêng tư như cuối tuần này đi nghỉ ở đâu, ở nhà hôm nay ăn gì…
Ở nhiều nơi khi xảy ra vụ việc là đều viện lý do “lực lượng cán bộ thiếu”, trong khi thực tế, nhiều CCVC đều dành thời gian để làm các việc riêng trong giờ hành chính, thay vì tập trung vào chuyên môn. Thậm chí, khi người dân đề nghị được giải đáp các thủ tục cần thiết, thì họ tỏ thái độ khinh khỉnh, hoặc nói năng với thái độ thiếu bình tĩnh, khoa chân múa tay, ngắt lời khách rất thiếu lịch sự. Đáng ngại khi thái độ cửa quyền, coi thường người dân không chỉ của nhiều người có chức vị trong cơ quan Nhà nước, mà cả ở nhân viên, thậm chí, một số bảo vệ hay người gác cổng.
Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định từ thái độ tiếp dân, đến việc bố trí nơi để phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc, mà không thu phí, nhưng không phải nơi nào và người nào cũng tôn trọng quy định. Rất nhiều nơi ở Hà Nội vẫn không bố trí nơi gửi xe cho khách đến liên hệ công việc như Quy chế của Chính phủ.
Sự tùy tiện và duy tình nơi công sở vẫn phổ biến. Nhiều người lúc nào cũng đưa điệp khúc “tắc đường” để biện minh cho việc đi muộn về sớm của mình. Ở nhiều cơ quan thường xuyên tiếp xúc với dân, CCVC ăn mặc như đang ở nhà riêng, áo quần nhầu nhĩ, đi dép lê, hay sơ mi bỏ ngoài quần, luộm thuộm, hôi hám…
Cũng không lạ khi thấy ở đâu đó còn sử dụng chính phòng làm việc có máy lạnh của cơ quan để quây quần “sát phạt” bài bạc ăn tiền. Chính phủ đã quy định cấm uống rượu bia, hút thuốc lá nhưng không ít nơi, CCVC vẫn uống rượu say trong giờ làm việc, nên li bì không làm việc được, hoặc tiếp dân bằng thái độ của người say rượu, người nồng nặc mùi rượu! Không ít cán bộ Nhà nước, kể cả người lãnh đạo, vẫn hút thuốc ngay trong phòng làm việc, hay nơi đông người.
Cách ứng xử giữa các đồng nghiệp nơi công sở cũng là điều mà nhiều người lo ngại. Nhiều bạn trẻ dù có bằng đại học, thạc sĩ đầy đủ nhưng không được giáo dục tử tế về cách ứng xử, nên khi gặp người lớn tuổi không biết thưa gửi, thậm chí, gặp người cùng cơ quan, vẫn như không quen không biết, kể cả chạm mặt trong thang máy. Có khi, họ còn thản nhiên sai phái các đồng nghiệp lớn tuổi đóng cửa, lấy ghế, hoặc rót nước cho họ.
“Nhàn cư vi bất thiện”. Không chịu làm việc, nhiều người chỉ thích túm năm tụm ba “bà tám” đủ mọi chuyện, nói xấu người này, bới móc đời tư người kia, gây mất đoàn kết, làm tổn hại cho người khác. Hành vi bè phái, hại nhau, tranh đoạt chức quyền cũng diễn ra ở nhiều nơi, thậm chí, gây những hậu quả đau lòng như trường hợp một nữ tiến sĩ từng nhảy lầu tự tử, làm nhức nhối dư luận vài năm trước.
Làm việc của Nhà nước, nhưng nhiều người tự cho mình quyền không tuân theo các quy định chung mà giải quyết theo tình riêng, khi ưu tiên cho người nhà, người quen. Có thể dễ dàng bắt gặp điều này ở nhiều phòng khám bệnh viện, phòng bán vé ở nhà ga, bến xe mùa cao điểm, thậm chí, khi người thân vi phạm giao thông, người có chức quyền cũng gọi điện xin xỏ để không bị xử phạt.
Văn hóa công sở chỉ có thể thay đổi khi tư duy thay đổi. Ở những nơi tư nhân làm chủ, khách hàng thực sự được coi là thượng đế, nên nhân viên luôn có thái độ ân cần. Bởi họ biết rằng thái độ ứng xử liên quan thiết thân đến quyền lợi kinh tế của họ.
Vì thế, CCVC cũng cần phải hiểu rằng, họ đang làm thuê cho dân bằng tiền thuế của dân, chứ không phải là người dân phải cậy nhờ họ. Mà, muốn xây dựng môi trường văn hóa công sở tốt đẹp, các cơ quan, đơn vị cần có chế tài xử lý những người vi phạm Quy chế văn hóa công sở, mới có tác dụng giáo dục. Nơi nào có nền tảng văn hóa tốt đẹp, sẽ có sự đoàn kết, gắn bó và lao động hiệu quả.