(Congannghean.vn)-Dù lực lượng mỏng, phương tiện kỹ thuật còn thô sơ, song khi đương đầu với hàng nghìn tấn bom đạn của đế quốc Mỹ điên cuồng rải xuống miền Bắc, nhất là tỉnh Nghệ An, lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an Nghệ An vẫn không hề chùn bước trước mọi nguy hiểm, ngày đêm bám trụ, kịp thời và sáng tạo nhiều phương án khoa học để dập tắt các đám cháy, cứu người, cứu hàng hóa, vật tư…
Năm 1964, do thất bại nặng nề ở miền Nam, hòng cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá, ném xuống miền Bắc hàng vạn tấn bom, bắn hàng triệu quả đạn pháo vào các khu quân sự, bệnh viện, trường học, làng mạc, thành phố…, với tính chất hủy diệt, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của quân và dân miền Bắc, nơi tập trung chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Do đặc thù là địa bàn trung chuyển, tập trung nhiều vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực, kho tàng, bến bãi và là nơi tập trung lực lượng quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam nên Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm, bị đánh phá ác liệt nhất. Ngoài ra, thời điểm này, tại Nghệ An có 60% cơ quan, xí nghiệp, kho tàng, nhà dân làm bằng tre, nứa, lá, suốt mùa hè phải chịu sự khắc nghiệt của gió Lào… nguy cơ cháy, nổ là rất lớn.
Lực lượng PCCC Công an Nghệ An tập trung chữa cháy kho xăng dầu Hưng Hoà bị máy bay Mỹ đánh phá năm 1965. |
Vì vậy, suốt những năm tháng của thời kỳ này, với vai trò nòng cốt ngày đêm đương đầu với bom đạn để cứu người, cứu hàng hóa, xăng dầu, đạn dược..., nhiệm vụ đặt ra cho CBCS PCCC tỉnh Nghệ An rất nặng nề. Đơn vị vừa vận động quần chúng nhân dân che phòng, sơ tán, phân tán hàng hóa, vật tư, vừa bám trụ chiến đấu dập tắt những đám cháy do máy bay Mỹ bắn phá gây ra. Trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, mặc dù biên chế của đơn vị chỉ trên 60 CBCS nhưng với tinh thần, ý chí ngoan cường, dưới mưa bom, bão lửa, CBCS PCCC đã mưu trí, dũng cảm chữa cháy trên 350 trận, kịp thời dập tắt các đám cháy, ứng cứu 125 người, trên 55.000 tấn phương tiện, 40.000 tấn xăng dầu và đảm bảo an toàn một khối lượng lớn vũ khí, được quần chúng nhân dân tin yêu, cảm phục. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, tô sáng hình ảnh tốt đẹp của người Công an Việt Nam XHCN trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng.
Điển hình như: Ngày 10/5/1965, đế quốc Mỹ điên cuồng cho hàng chục máy bay F4, F105 bắn phá ác liệt khu vực Bến Thủy và các trận địa pháo của ta ở vùng núi Quyết (TP Vinh), Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Tàu “Đoàn kết” chở 700 tấn gạo chi viện cho chiến trường miền Nam khi đang hoạt động cách phà Bến Thủy về phía Bắc khoảng 500 m thì bị trúng đạn bốc cháy. Phát hiện mục tiêu bị cháy, đơn vị đã kịp thời xuất 3 xe với 35 CBCS nhanh chóng tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên, do tàu đậu xa bờ, ngọn lửa đã bốc cao, khói đen mù mịt nên lực lượng PCCC gặp rất nhiều khó khăn. Khi lực lượng PCCC vừa phát hiện được mục tiêu thì máy bay địch lại tiếp tục phóng rốc két. Yêu cầu của cấp trên lúc này là phải bằng mọi cách dập tắt ngay đám cháy để xóa mục tiêu bắn phá của địch, thông phà nhanh chóng, cấp cứu cho thủy thủ bị thương và đưa người bị hy sinh vào bờ; đồng thời, cứu tài sản trên tàu.
Hạ sỹ Trần Quý dũng cảm cứu 2 em bé khi bị máy bay Mỹ ném bom vào nhà thờ xứ Xuân Hoà - Nam Đàn (năm 1966). |
Tuy khó khăn chồng chất khó khăn, song với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, phương án tác chiến táo bạo, đảm bảo an toàn được triển khai nhanh chóng. Trong lúc lực lượng chữa cháy đang tập trung dập tắt đám cháy trên tàu thì máy bay địch quay lại điên cuồng ném bom và bắn rốc két xuống khu vực xung quanh mục tiêu. Tuy nhiên, CBCS vẫn bình tĩnh, dũng cảm và mưu trí khi chọn những vị trí an toàn tiếp tục công tác chữa cháy. Sau hơn 3 giờ chiến đấu với “giặc lửa” dưới làn mưa bom đạn, đám cháy trên tàu “Đoàn kết” được dập tắt. Anh em PCCC lại tiếp tục phối hợp với tự vệ cảng hướng dẫn công nhân bốc dỡ số lương thực, hàng hóa trên tàu, xóa được mục tiêu bắn phá của địch, đảm bảo thông phà Bến Thủy.
Trước đó, vào khoảng 12 giờ 40 phút ngày 5/8/1964, nhiều tốp máy bay Mỹ bất ngờ ném xuống TP Vinh hàng chục tấn bom, đạn tại nhiều mục tiêu. Trong đó, đã gây ra nhiều đám cháy tại Kho dự trữ xăng dầu số 1 đóng tại xã Hưng Hòa, TP Vinh. Sau khi nhận được thông tin, mặc dù máy bay Mỹ đang gầm rú trên bầu trời thành phố, trong lúc lực lượng phòng không đang đánh trả quyết liệt thì chỉ chưa đầy 15 phút sau, lực lượng PCCC đã khẩn trương xuất 4 xe gồm 30 CBCS đến ngay mục tiêu bị cháy - Kho dự trữ xăng dầu số 1.
Trước mắt CBCS là những hố bom nham nhở còn khét mùi thuốc bom, 3 bể xăng loại 1.000 m3 và những dãy thùng phi đựng xăng dầu loại 100 - 200 lít đang bốc cháy ngùn ngụt. Do ảnh hưởng của gió mạnh nên cột khói, lửa bốc cao hàng chục mét. Đây là trận đánh phá đầu tiên vào TP Vinh của đế quốc Mỹ gây nhiều thiệt hại, thương vong, khiến quần chúng nhân dân rất hoang mang, lo lắng. Ổn định tinh thần, lực lượng PCCC vừa hướng dẫn các lực lượng, vừa nhanh chóng triển khai đội hình chữa cháy.
Lợi dụng địa hình, các CBCS sử dụng tối đa phương tiện chữa cháy, tiếp cận với 6 đường lăng phun, chia cắt ngọn lửa để phun nước, phun bọt trong điều kiện nhiệt độ rất cao, nóng rát mặt tưởng chừng như không chịu nổi. Nhiều đồng chí quần áo bị cháy sém, cổ họng khàn đặc, song với quyết tâm dập tắt lửa, ngăn các bể xăng, cháy lan ra toàn khu vực, gây thiệt hại khôn lường về người và của, các đồng chí vẫn kiên quyết bám trụ, không rời vị trí. Khi đám cháy đã được dập tắt, đề phòng máy bay Mỹ có thể quay lại tiếp tục đánh phá, CBCS đã phối hợp với Thành đội Vinh huy động lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ của Trạm xăng dầu xã Hưng Thủy, Hưng Dũng… với số lượng trên 200 người, di chuyển 5.000 thùng phi xăng, tháo dỡ trên 300 tấn máy móc thiết bị ra nơi an toàn, đồng thời phun nước bảo vệ 6 bể xăng, dầu còn lại.
Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Nghệ An trực tiếp dập tắt vụ cháy tàu Đoàn Kết bị máy bay Mỹ bắn phá tại Bến Thuỷ năm 1964. |
Bên cạnh đó, CBCS PCCC “ăn hầm, ngủ hầm”, 24/24 giờ sát cánh với lực lượng Quân đội, Thanh niên xung phong, cung ứng xăng dầu, bám trụ chiến đấu kiên cường, dũng cảm với khẩu hiệu “Đánh nhanh, thắng nhanh và rút nhanh”. Điển hình: Vào ngày 15/10/1972, sau đợt B52 rải thảm vùng cầu Bùng, ga Si (huyện Diễn Châu), phân đội chữa cháy ở Diễn Hồng phát hiện đám cháy lớn tại ga Si và tiếng nổ của đạn nên đã nhanh chóng xuất 1 xe chữa cháy và 8 CBCS đến đám cháy. Tại hiện trường, 6 toa goòng chở đầy đạn và hàng hóa quân sự, 1 toa đang bốc cháy, đạn nổ liên tục, các mảnh sắt văng ra tứ tung rất nguy hiểm, có thể xảy ra thương vong. Sau khi tiến hành họp bàn nhanh phương án, các CBCS đã lợi dụng địa hình và tận dụng các toa goòng trong khu vực ga và các hố bom mà giặc Mỹ đã ném trước đó để che chắn và lấy nước triển khai đội hình chữa cháy. Sau gần 1 tiếng đồng hồ sử dụng các biện pháp, lực lượng PCCC đã dập tắt được đám cháy ở toa đạn pháo, bảo vệ an toàn được 5 toa goòng chở đầy đạn và hàng quân sự. Phối hợp với các ngành chức năng cùng nhân dân kịp thời bốc dỡ hàng hóa, đạn dược vào nơi an toàn.
Từ sau năm 1975 đến nay, sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, phát huy những thành tích xuất sắc mà thế hệ cha anh đi trước để lại, lực lượng PCCC Công an Nghệ An luôn nỗ lực, không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo tốt công tác phòng ngừa cháy, nổ và kịp thời dập tắt các đám cháy trong mọi tình huống; xứng đáng là người chiến sỹ Cảnh sát PCCC trên quê hương Xô viết anh hùng, để lại biết bao dấu ấn trên trận tuyến đấu tranh với “giặc lửa”, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân.
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu về lịch sử Công an Nghệ An thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975).
.