(Congannghean.vn)-Những năm qua, việc phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân thông qua phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã góp phần quan trọng giúp lực lượng Công an đảm bảo ANTT trên địa bàn, đặc biệt là tại các địa bàn phức tạp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, khu vực biên giới. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh tập trung chỉ đạo trong nửa nhiệm kỳ 2015 - 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh lần thứ XIII.
Công an TX Cửa Lò luôn chú trọng công tác dân vận nhằm vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ |
Theo đó, Công an tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đạt nhiều kết quả thiết thực. Đặc biệt, đã tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào ở các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, phức tạp về ANTT; mở nhiều đợt vận động tập trung để giải quyết các vấn đề nổi lên. Các nội dung, giải pháp tập hợp lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” cũng được chú trọng, song song với việc củng cố các tổ chức, lực lượng tham gia tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải tại cơ sở.
Trong đó, dấu ấn nổi bật nhất là triển khai thực hiện tốt công tác dân vận, phát động mạnh mẽ các tổ chức đoàn thể (Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…) và quần chúng nhân dân tham gia các phong trào đấu tranh, lên án hoạt động sai phạm của các linh mục cực đoan. Qua đó, góp phần giải quyết ổn định các vụ việc liên quan đến tôn giáo, làm nhụt ý chí, vô hiệu hóa hoạt động của một số đối tượng chống đối trên địa bàn.
Trong nửa nhiệm kỳ 2015 - 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh lần thứ XIII, đã có 50 mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được xây dựng và nhân rộng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Trong đó, có nhiều mô hình phát huy hiệu quả và tạo sức lan tỏa sâu rộng, được Bộ Công an, UBND tỉnh biểu dương và nhân rộng trên toàn quốc, như: “Giáo xứ, giáo họ bình yên không có tội phạm và tệ nạn xã hội, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Câu lạc bộ cựu chiến binh với công tác đảm bảo ANTT”; “Vận động nhân dân tham gia chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy”...
Minh chứng cho hiệu quả của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ thể hiện rõ ở những chuyển biến rõ nét về tình hình ANTT tại các địa bàn đặc thù. Xóm 8, xã Hưng Chính, TP Vinh là một điển hình như vậy. Nơi đây từ lâu là địa bàn phức tạp về ANTT của xã Hưng Chính nói riêng, TP Vinh nói chung, với các loại tội phạm nổi như đánh bạc, ma túy, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, đặc biệt là các ổ nhóm hoạt động manh động, liều lĩnh. Tuy nhiên, qua 13 năm triển khai “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”, tình hình ANTT đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều mô hình tổ chức quần chúng tự nguyện tự quản được xây dựng theo cơ chế “Dân tổ chức, dân tự quản lý, dân thực hiện, dân nuôi” đã phát huy hiệu quả sâu rộng. Điển hình như các mô hình: “Cụm an toàn về ANTT”, “Chi hội phụ nữ giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”, “Tổ tuần tra nhân dân”, “Xóm sạch về ma túy”... Nhờ đó, lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT ngày càng được củng cố về số lượng lẫn chất lượng, tích cực phối hợp hiệu quả với lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm.
Để phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát huy hiệu quả sâu rộng, việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, củng cố đội ngũ cán bộ chủ chốt tại cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, trường học cũng được đặc biệt quan tâm. Trong đó chú trọng tổ chức tốt hội nghị đối thoại giữa đồng chí Giám đốc Công an tỉnh với Trưởng Công an các xã, thị trấn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất tăng chế độ chính sách, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở.
Trong nửa nhiệm kỳ 2015 - 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh lần thứ XIII, Công an tỉnh đã phối hợp đào tạo 2 lớp trung cấp cho 300 trưởng Công an xã; tổ chức 9 lớp đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ cho 992 lượt cán bộ chủ chốt các xã vùng giáo, miền núi, dân tộc; 135 lớp cho 20.266 lượt Công an xã và 12 lớp với 1.143 lượt bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.
Thời gian tới, những tác động của tình hình, bối cảnh mới đặt ra nhiệm vụ cho lực lượng Công an các cấp tiếp tục tập trung xây dựng có chiều sâu nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đặc biệt nhằm hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề nổi, phức tạp về ANTT. Qua đó, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc chung tay đảm bảo ANTT, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc và phục vụ tốt sự phát triển KT-XH trên địa bàn.