(Congannghean.vn)-Một ngày đầu tháng 4/2013, Đoàn công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép do UBND tỉnh Nghệ An thành lập về xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong tiến hành đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép. Lực lượng Công an tỉnh do Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Phó Giám đốc Công an tỉnh chỉ huy xuất phát từ TP Vinh, tập kết tại xã Yên Tĩnh (Tương Dương), “xuyên rừng” Pù Huống gần 15 km để tiếp cận hiện trường. Đây thực sự là một sự trải nghiệm thú vị, nhiều ý nghĩa trong đời làm báo.
Hành trình gian nan
Sau bữa ăn trưa vội vàng trong một lán trại của người dân tại xã Yên Tĩnh (Tương Dương), Đại tá Nguyễn Hữu Cầu dẫn mũi công tác của Công an tỉnh mang theo các nhu yếu phẩm cần thiết, bắt đầu một cuộc hành trình gian nan phía trước. Đoàn đi trong cái nắng đầu hè oi ả tại một huyện miền núi phía Tây xứ Nghệ, nơi con đường vành đai biên giới còn thi công dang dở, sục đầy cát bụi. Tiến vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, đường đi chỉ là những lối mòn nhỏ, bên núi, bên vực, chỉ cần vô ý là có thể sẩy chân lăn xuống vực bất cứ lúc nào. Lên chưa hết dốc này, đoàn hành quân lại thấy xuất hiện những đồi dốc thăm thẳm phía trước khiến con đường dường như dài hơn. Khi bóng chiều đã ngả, cũng là lúc Đoàn công tác chia thành nhiều nhóm nhỏ, đi cách nhau chừng vài ba trăm mét. Âm thanh núi rừng bắt đầu xuất hiện, tiếng xa, tiếng gần, tiếng gió đại ngàn rì rào, về chiều đã có cảm giác gai lạnh. Chúng tôi gặp những người đi rừng về, họ ngồi dưới những con dốc, uống vội vài ngụm nước rồi lại tiếp tục hành trình trở về nhà. Trời về đêm, gió càng lạnh, đoàn người đi dưới tán rừng chỉ với chiếc đèn pin nhỏ, chiếc gậy trên tay và lỉnh kỉnh những vật dụng cần thiết trên lưng. Nhanh nhẹn và xông xáo nhất là những lính trẻ Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động, nhưng khi trời về đêm, cũng là lúc những chiến sỹ Công an luống tuổi với kinh nghiệm từng trải lại vượt lên trước dẫn đường. Trong nhóm đầu của Đoàn công tác có Đại tá Nguyễn Hữu Cầu.
Sau hành trình đi bộ xuyên rừng, vượt 9 ngọn núi lớn, nhỏ với tổng chiều dài gần 15 km, chúng tôi tiến vào Tiểu khu 144, đồi Khe Háng Nhỏ, bản Huổi Máy, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong. Khi tốp chúng tôi vừa đến nơi, Đoàn công tác còn cử lực lượng lùi lại phía sau để đón những chiến sỹ Công an lạc đường hoặc bị thương trong quá trình di chuyển trên những đoạn đường rừng nguy hiểm chưa về đến trại. Sau hơn 7 giờ đồng hồ hành quân, đến 21h ngày 4/4, tốp cuối cùng của Đoàn công tác cũng về đến điểm tập kết... Lúc này, các hoạt động khai thác dừng hẳn, chỉ còn những ánh đèn dầu leo lét trong tiếng hò hét tới tận đêm khuya của đám phu vàng. Những ống nước từ nguồn dẫn nước về khu vực hậu cần, lán trại của Đoàn công tác cũng ngừng chảy. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng phải cắt cử 3 đồng chí quen thuộc địa bàn tiến hành chắp nối đường ống, trực suốt đêm đảm bảo nước sinh hoạt, giải quyết cơm ăn, nước uống cho Đoàn công tác. Đến 22h30, vấn đề nan giải nhất đã được giải quyết. Bữa ăn đạm bạc diễn ra trong ánh đèn leo lét, nhưng mọi người đều hồ hởi, vui vẻ, bởi họ đã có một chuyến ngược rừng, chinh phục đại ngàn Pù Huống. Đoàn công tác chìm sâu vào giấc ngủ sau một ngày ròng rã hành quân cấp tốc.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Phó Giám đốc Công an tỉnh chỉ huy chiến dịch đẩy đuổi tại đồi Khe Háng Nhỏ |
Nghèo xơ xác trên vùng “đất vàng”
Khi màn sương tan dần, những tia sáng bắt đầu xuyên rừng cây chiếu xuống mặt đất cũng là lúc Đoàn công tác mục sở thị cảnh hoang tàn của đồi Khe Háng Nhỏ. Theo những người dân địa phương, một số người ngoại tỉnh đưa máy móc đến khai thác khu vực này từ 1 năm nay. Nhiều người, do không có tiền mua sắm máy móc khai thác phải đi làm công cho “cai” vàng. Phụ nữ, trẻ em thì “cõng” lương thực, thực phẩm, xăng dầu…, đàn ông chui rúc đào hầm, đãi vàng, bất chấp hiểm nguy cận kề. Đây được đánh giá là khu vực có trữ lượng vàng lớn, tuy nhiên, cuộc sống người dân tại các bản, làng bao quanh vẫn hết sức vất vả. Những đồng tiền thu nhập từ việc đào, đãi vàng thuê không đem lại cho họ cuộc sống ấm no, những cánh đồng lại dần dần biến mất, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng... Nhiều nhà dân, việc đào, đãi vàng sa khoáng đã tiến sát chân nhà, nguy cơ lũ quét, lũ ống có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Toàn bộ khu vực đã bị khai thác của đồi Khe Háng Nhỏ có diện tích khoảng 1 ha với hơn 100 hầm, hào lớn, nhỏ, sâu hoắm, bố trí san sát, ăn xuyên ra cả rìa ngọn đồi, khoét hàm ếch sâu vào lòng đất nhưng chống đỡ hết sức sơ sài. Từ xa nhìn lại, đồi Khe Háng Nhỏ chi chít như những hố bom, ngổn ngang đất đá, cành cây hệt một bãi chiến trường sau những trận càn ác liệt. Đan xen vào những đám đất trống là các bể nước được thưng bạt để đãi vàng và sinh hoạt, nước chảy lênh láng khắp mọi nơi, mùi hôi thối ở đâu đó bốc lên nồng nặc. Hệ thống quán dịch vụ mọc chi chít, phục vụ các nhu yếu phẩm thiết yếu cho cánh phu vàng. Chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, rùng rợn tại đồi Khe Háng Nhỏ, phóng viên tác nghiệp tại hiện trường tỉ mỉ lượm nhặt các chi tiết, phỏng vấn người dân, phu vàng để có thêm nguồn tư liệu cho bài viết.
Từ sáng sớm, lực lượng Công an tỉnh đã được tập trung, quán triệt phương châm chính là vận động, đẩy đuổi. Đoàn công tác chia thành các đội nhỏ đến từng lán trại vận động bà con tháo dỡ lán trại, thu dọn phương tiện, rời khỏi hiện trường. Hệ thống loa phát thanh hoạt động hết công suất phát đi những thông điệp của Đoàn công tác. Đến khoảng 9h30 ngày 5/4, với nhiều nỗ lực tuyên truyền, hầu hết người dân đã rời khỏi đồi Khe Háng Nhỏ, nhưng vẫn còn một vài nhóm lai vãng xung quanh công trường dò xét tình hình. Lán trại dường như vẫn còn được giữ nguyên, trong khi toàn bộ máy móc đã “không cánh mà bay”. Nhận định các phương tiện chưa được tẩu tán đi xa trong khi cai vàng không tự giác giao nộp. Các lực lượng bắt đầu hành trình tháo dỡ, tiêu hủy toàn bộ lán trại, truy tìm và vô hiệu hóa các phương tiện máy móc do các đối tượng cất dấu. Trong khi lực lượng chức năng tiến hành rà soát, nhiều đối tượng đứng trên những ngọn đồi xa xa nhìn về Khe Háng Nhỏ với vẻ tiếc nuối. Đúng 10h30, lực lượng Công an huyện Quế Phong tiến hành giải tán tất cả những người không phận sự khỏi khu vực rà phá. Chỉ trong buổi sáng, lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ lều trại, phát hiện nhiều máy móc ngụy trang dưới tầng đất sâu.
Sau giờ nghỉ trưa vội vàng, Đoàn công tác bắt tay ngay vào công việc, tiếp tục nhiệm vụ rà tìm lại một cách tổng thể cả khu đồi, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao ngay trong buổi chiều. Nhiều máy móc, dụng cụ, phương tiện phục vụ đào, đãi vàng chôn sâu dưới lòng đất bị lật tung. Đoàn công tác phát hiện, vô hiệu hóa 25 máy khai thác vàng chôn sâu dưới lòng đất, 60 lán trại, 2.000 lít dầu diezen, 2.000 m ống nước được tháo dỡ, tiêu hủy, 150 hố đào vàng bị đào lấp, hơn 150 người dân trong các lán trại được vận động rời khỏi hiện trường. Đến 16h, đồi Khe Háng Nhỏ đã lập lại được trật tự, đại diện các bên đã ký vào biên bản bàn giao địa bàn sạch về khai thác khoáng sản trái phép và giao cho UBND xã Cắm Muộn tiếp quản. 16h30 cùng ngày, Đoàn công tác tiếp tục hành quân về thị trấn Kim Sơn, kết thúc thành công chiến dịch.
Đã 9 tháng trôi qua kể từ ngày tôi được theo đoàn công tác Công an tỉnh về Cắm Muộn tác nghiệp. Chuyến đi dù vất vả nhưng đã mang lại cho tôi sự trải nghiệm bổ ích và thú vị. Có đi sâu, đi sát vào thực tế ấy, chúng ta mới nắm bắt được những sự kiện nóng hổi để phản ánh. Đó là trách nhiệm cao cả của những người làm báo.
.