Làm giả giấy tờ, giả mạo chữ viết, chữ ký... là một trong những thủ đoạn tinh vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt trong các giao dịch kinh tế có giá trị lớn như mua bán nhà đất, giao dịch tài chính các đối tượng xấu có rất nhiều chiêu trò tinh quái nhằm “cướp không” tài sản của người khác.
Độc giả cần mở loa để nghe thuyết minh.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh (PC46) cho biết đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Thị Thúy Hằng (sinh năm 1981, trú tại tổ 3 khu 1, phường Ka Long, Móng Cái), kế toán kiêm thủ quỹ Phòng giao dịch Trà Cổ, Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh Móng Cái, để tiếp tục điều tra về hành vi chiếm đoạt tài sản của đối tượng này. Với thủ đoạn làm giả chứng từ, đối tượng Hằng đã chiếm đoạt trên 8,4 tỉ đồng của khách hàng.
Đối tượng Hằng là một kế toán kiêm thủ quỹ Phòng giao dịch trong một ngân hàng có chi nhánh tại Móng Cái. Công việc này là niềm mơ ước của rất nhiều cô gái khác. Tuy nhiên với Hằng, có lẽ hàng ngày được tiếp xúc với cả núi tiền đã làm cô mờ mắt.
Để có tiền, Hằng đã dùng thủ đoạn lấy thông tin tài khoản tiền gửi tiết kiệm của 7 khách hàng không đăng ký số dư trên điện thoại, sau đó lấy phôi sổ tiết kiệm trắng để in, phát hành lại các sổ tiết kiệm giả mạo, giả chữ ký của số khách hàng trên và giám đốc phòng giao dịch.
Tiếp đó, Hằng gõ số tài khoản, số seri của sổ tiết kiệm làm thủ tục tất toán và “bắn” lệnh đóng tài khoản tiết kiệm sang máy của kiểm soát viên chính là giám đốc phòng giao dịch để ông này kiểm soát “nóng”. Sau khi hệ thống in ra chứng từ giao dịch, Hằng tiếp tục giả mạo chữ ký của khách hàng và giám đốc chi nhánh vào chứng từ rồi rút, chiếm đoạt số tiền từ quỹ tương ứng với số tiền trên chứng từ giả mạo.
Với thủ đoạn trên, chỉ trong vòng 3 tháng, Hằng đã rút, chiếm đoạt trên 8,4 tỉ đồng.
Cũng là việc giả mạo giấy tờ, trong vụ án tại Khánh Hòa, đối tượng Minh đã nhờ một đối tượng làm giả giấy tờ làm giả cho mình một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất rồi mang đi cầm thế và sang nhượng cho 9 người dân ở Cam Ranh chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng.
Theo các giám định viên Kỹ thuật hình sự, các đối tượng sử dụng nhiều phương pháp giả mạo chữ ký, chữ viết, như: Ký giả theo trí nhớ (quan sát trước chữ ký thật của người bị làm giả, sau đó nhớ lại các đặc điểm để ký theo); Cố ý thay đổi chữ ký của mình (cố tình ký khác chữ ký của mình một phần hoặc toàn phần nhằm mục đích không thừa nhận chữ ký đó); Tự tạo ra chữ ký của người khác (tự sáng tác ra chữ ký của người khác theo ý chủ quan của mình) và tô đồ lại chữ ký.
Lưu ý:
Từ những vụ việc trên, để phòng tránh, người dân cần lưu ý một số thông tin sau:
- Giả mạo chữ ký, chữ viết cũng xảy ra nhiều ở các giao dịch liên quan đến ngân hàng như CMND, hồ sơ nhà đất, di chúc, sổ tiết kiệm... Các đối tượng trà trộn giấy tờ giả mạo trong hồ sơ để lừa đảo cầm cố, thế chấp vay tiền, rút tiền với số lượng lớn.
- Trong mọi trường hợp, giao dịch nên được lập ít nhất 2 bản để lưu làm đối chứng khi cần, hoặc có thể gạch chéo các phần trống, đề phòng việc đối tượng xấu có thể điền thêm chữ trên văn bản.
- Hạn chế cung cấp quá nhiều giấy tờ liên quan đến thông tin cá nhân, tạo điều kiện cho đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng làm giả.
- Đối với người bị giấy tờ thì cần trình báo ngay cho cơ quan Công an và cơ quan chức năng để kịp thời nắm bắt thông tin, ngăn chặn hành vi giả mạo nếu có.