Nắm bắt được tâm lý hám lợi của nhiều người, các đối tượng đã công khai rao bán tiền giả trên mạng với vô số mánh khóe, thủ đoạn khác nhau. Chỉ với vài từ khóa đơn giản, ai cũng có thể tìm thấy "chợ" tiền giả trên mạng Internet.
Độc giả mở loa để nghe thuyết minh.
Chỉ cần gõ từ khoá “mua bán tiền giả” hàng loạt những địa chỉ, đường link xuất hiện. Shop tiền giả Ngọc Bích hay trang web: bantiengia.com…nhiều loại tiền với các mệnh giá khác nhau được rao bán. Tỷ lệ 1 triệu tiền thật đổi 7 triệu tiền giả, thậm chí có nơi rao bán một lấy mười. Theo như clip quảng cáo này thì tiền giả có chất liệu polime, giống 100% tiền thật.
Trên nhiều trang web quảng cáo, tiền giả tiêu thoải mái sử dụng trên các quán tạp hóa, thế giới di động, siêu thị”. Để tạo niềm tin, ngay cả đến chứng minh thư của chủ hàng cũng được công khai. Đã có không ít những phản hồi từ những người mua.
Nhiều hình thức chuyển tiền và sẽ được giao hàng tận nơi nếu có nhu cầu mua. Tuy nhiên, trên các trang facebook các nhân này không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào, không có địa chỉ liên hệ, cũng không có số điện thoại liên lạc. Chủ trang chỉ giao dịch với "khách hàng" qua tin nhắn trên Facebook.
Có thể thấy hoạt động mua bán tiền giả diễn ra sôi động trên các trang mạng xã hội. Các đối tượng bán tiền giả không hề ngần ngại việc quảng cáo; ngay cả khi có người vào bình luận, hỏi cách mua hàng, họ đều trả lời thản nhiên, không hề mảy may sợ hãi.
Để tránh sự phát hiện cơ quan chức năng, các đối tượng phạm pháp thường không trực tiếp thực hiện. Chúng mua bán, giao nhận tiền giả theo phương thức một người với một người, chủ yếu sử dụng điện thoại di động để liên lạc, hạn chế gặp mặt để không biết nhau.
Trong thời gian qua, liên tiếp nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ, buôn bán tiền giả liên tục bị phát hiện, bắt giữ.
Đối tượng Phù Văn Bằng trú tại tỉnh Lạng Sơn. Khi đang vận chuyển gần 200 triệu tiền giả đi tiêu thụ thì Bằng bị lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện, bắt giữ. Toàn bộ số tiền giả này được Bằng khai lấy từ Trung Quốc và rao bán trên mạng với giá 8 triệu đồng.
Tất cả những hành vi phạm tội về mua bán tiền giả đều đã nhận được những bản án thích đáng. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao, dễ thực hiện nên loại tội phạm này vẫn không ngừng gia tăng.
Trong hoạt động mua bán tiền giả, ngoài các giao dịch là thật, còn lại là lừa đảo khiến cho loại tội phạm này diễn ra ngày càng phức tạp. Những trang web rao bán tiền giả cùng những lời quảng cáo "có cánh" chỉ là chiêu trò lừa đảo nhằm đánh vào lòng tham của người dân. Các đối tượng lợi dụng những người không có công ăn việc làm, những người thu nhập thấp hay có cả người già và trẻ em để tiếp tay cho các hành vi phạm tội. Hiện nay, nhiều người đang lầm tưởng là mua tiền giả thì sẽ không vi phạm pháp luật. Nhưng theo các các luật sư, người mua và người bán tiền giả đều vi phạm luật. Ngay cả trong trường hợp giao dịch không thành công thì người mua cũng có thể bị xử lý.
Luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc cho biết, theo quy định tại điều 23 Luật NHNN 2010 quy định: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm. Trên cơ sở bị cấm, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 hiện hành đang có hiệu lực thì cũng có hành vi mua bán, tàng trữ lưu hành tiền giả là một hành vi phạm tội tại điều 207. Theo quy định của điều luật này, người có hành vi mua bán tàng trữ lưu hành tiền giả thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm cho đến tù chung thân. Ngay đến hành vi chuẩn bị phạm tội mua bán, lưu hành tiền giả và cũng được điều 207 quy định thành một khoản riêng. Tức là người chuẩn bị phạm tội cũng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 3 năm. Qua đó cũng có thể thấy rằng là các nhà làm luật đã xây dựng điều 207 là tội có cấu thành hình thức. Có nghĩa là không cần chờ hậu quả xảy ra chỉ cần có hành vi chuẩn bị thực hiện là đã phạm tội rồi. Và trên thực tế cũng có những trường hợp giao dịch không thành, tức là một người muốn đi mua tiền giả, nhưng đến phút trót là không mua được, về mặt lý thuyết tội này cũng đã hoàn thành.
Chính vì vậy, người dân nên cảnh giác, tránh việc tiếp tay, vi phạm pháp luật mà mình không biết. Trong tương lai, tội phạm về tiền giả sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp với chiều hướng gia tăng. Do đó, cần có sự nhận thức đúng và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhất là trên các trang mạng xã hội, trên internet vẫn còn có những bất cập, hạn chế về việc quản lý. giám sát như hiện nay.