Mặc dù đã được cảnh báo nhưng dư luận đang hết sức lo ngại trước tình trạng, gần đây liên tiếp xảy ra các vụ giả danh công an để lừa đảo qua điện thoại, chiếm đoạt tài sản của công dân.
Tại Bình Định, chỉ tính từ cuối tháng 4 đến nay đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo, mà thủ đoạn của bọn tội phạm mạo danh cơ quan Công an đang điều tra án để đe dọa, uy hiếp người nhẹ dạ nộp tiền vào tài khoản theo yêu cầu.
Bấm play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh.
Trưa ngày 28/4/2017, bà Phạm Thị Nhung (60 tuổi, ở phường Bình Định, Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã liên tục nhận được điện thoại từ một người tự xưng là cán bộ ngành Công an. Thông qua cuộc trao đổi, đối tượng đã đe dọa sẽ bắt giam bà nếu không chịu hợp tác bằng cách chuyển số tiền 38 triệu đồng vào 1 tài khoản để phục vụ công tác điều tra.
Bà Phạm Thị Nhung, cho biết: "Đầu tiên cô ta điện thoại tới nói cô ta là công an trong đội chống ma túy. Và theo điều tra thì tìm ra cô, cô đang sở hữu tài khoản 400 tỷ, rồi lại một ông nữa nói là công an gọi hỏi như hỏi cung làm đầu óc mình luẩn quẩn."
Một nạn nhân ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn đã bị 1đối tượng giả danh cán bộ công an để lừa đảo. Theo người phụ nữ này: 1 kẻ lạ mặt tự xưng cán bộ ở Bộ Công an cho biết người thân có liên quan đến đường dây rửa tiền và yêu cầu chuyển tiền vào 1 tài khoản để kiểm tra, nếu không có gì sẽ chuyển lại số tiền, còn nếu không thực hiện sẽ bị bắt giam. Quá hoảng sợ, người phụ nữ này ngay lập tức đã thực hiện theo yêu cầu. Đến khi thấy nghi, kể lại sự việc cho chồng biết thì đã muộn.
Người bị hại chia sẻ: "Đầu óc sợ hãi quá, không nghĩ gì được. Người ta xưng là Diệu Hương đang nằm trong chuyên án điều tra ma túy ở Hải Phòng. Nói sẽ điều tra mình, rồi hỏi tài khoản mình có bao nhiêu thì chuyển vào tài khoản của ban chuyên án."
Theo cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Định, đến nay, trên địa bàn của tỉnh đã xảy ra hàng chục trường hợp mắc lừa bằng thủ đoạn qua điện thoại, thậm chí có người bị lừa hơn 200 triệu đồng.
Để phòng ngừa có hiệu quả thủ đoạn lừa đảo trên, cơ quan công an đề nghị người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng... Trường hợp có người tự xưng là công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó.
Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; không mua, bán, chuyển giao tài khoản cá nhân hoặc cho mượn giấy chứng minh nhân dân và đến ngay cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo sự việc.