(Congannghean.vn)-Bỗng dưng nhận được tin nhắn trúng thưởng chiếc xe máy nhãn hiệu SH và 125 triệu đồng từ ứng dụng Tango, mới đây, anh Võ Thành N. (SN 1977) trú tại xã Hưng Đông, TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã mua và cào nộp tổng cộng 19 triệu đồng thẻ cào điện thoại cho kẻ lừa đảo.
Trao đổi sự việc với phóng viên, anh Võ Thành N. cho biết, bản thân vừa bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 19 triệu đồng, dưới hình thức nộp thẻ cào điện thoại sau khi nhận được tin nhắn trúng thưởng của ứng dụng Tango (Ứng dụng nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí - P.V) trên điện thoại thông minh.
Anh Võ Thành N. vừa bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 19 triệu đồng thông qua hình thức nạp thẻ điện thoại để nhận trúng thưởng |
Theo tường thuật của anh N., sáng 13/2/2017, anh nhận được tin nhắn của Tango Việt Nam với nội dung: “Tài khoản Tango của bạn mang mã số LD7979 may mắn trúng giải nhất chương trình tri ân khách hàng Tango Việt Nam. Giải thưởng gồm một chiếc xe máy hiệu SH trị giá 81,5 triệu đồng, một phiếu quà tặng trị giá 120 triệu đồng tiền mặt”. Cuối tin nhắn là mục hướng dẫn anh N. truy cập vào website http://triansukien2017.com để làm hồ sơ thủ tục nhận giải thưởng và liên hệ với số điện thoại 0898.871.xxx.
“Khi tôi truy cập vào website này thì thấy họ đăng tải giải thưởng, số liệu các quý khách được trao cho những người có địa chỉ, số điện thoại cụ thể nên tôi tin tưởng làm theo. Ngoài giải thưởng như trong tin nhắn thì trên trang website còn thông báo sẽ tặng phiếu đổ xăng miễn phí một năm trị giá 5 triệu đồng”, anh N. cho biết.
Sau khi điền thông tin cá nhân theo hướng dẫn, anh N. tiếp tục nhận được thông báo “Bạn cần thanh toán gấp phí làm hồ sơ gốc” với chi phí 1.500.000 đồng cho 3 bộ hồ sơ qua việc nộp thẻ cào điện thoại. Khi anh N. liên lạc qua số điện thoại 0898.871.xxx, thì được người này tiếp tục hướng dẫn để nhận giải thưởng chuyển từ Đà Nẵng về TP Vinh và anh N. phải nộp “tiền cọc” qua hình thức nộp thẻ cào điện thoại.
Đến đây, có thể thấy với quy trình rất chặt chẽ, các đối tượng lừa đảo đã từng bước đánh trúng “lòng tin” tuyệt đối của anh N. về giải thưởng từ ứng dụng Tango. Tưởng rằng mình gặp may mắn, anh N. đã không ngại ngần dốc hết số tiền của cá nhân và vay mượn của người thân mua tổng cộng 38 thẻ cào điện thoại có mệnh giá 500.000 đồng/thẻ với số tiền 19 triệu đồng để nộp qua website http://triansukien2017.com với hy vọng nhận được giải thưởng lớn.
Thế nhưng, điều đắng cay là sau khi hoàn thành việc nộp 38 thẻ vào điện thoại, anh N. gọi lại số điện thoại 0898.871.xxx để biết thời gian, địa điểm nhận thưởng thì bất ngờ bị người này chặn cuộc gọi, tin nhắn, không thể liên lạc được.
Để tìm hiểu phương thức lừa đảo này, chúng tôi thử truy cập vào website http://triansukien2017.com và liên lạc số điện thoại 0898.871.xxx thì cũng được một người đàn ông tự giới thiệu là nhân viên tổng đài hỗ trợ và tư vấn nhận thưởng của chương trình, hướng dẫn các bước điền thông tin cá nhân, mua thẻ cào nộp phí hồ sơ và tiền cọc nhận thưởng tương tự như anh N.
Theo ghi nhận của phóng viên, hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới, chỉ có điều các đối tượng lừa đảo dùng mọi chiêu thức đánh vào tâm lý “hám lợi” của người dân. Mặt khác, một bộ phận người dân chưa am hiểu nhiều về công nghệ kỹ thuật số, mạng xã hội các loại nên dễ dàng “sập bẫy” sau vài lời mời chào hoa mỹ.
Trước đó, vào khoảng tháng 5/2013, bà Cao Thị Hà (SN 1969) trú tại xóm 4, xã Đức Thành, huyện Yên Thành có con bị bệnh ung thư đang điều trị ở bệnh viện. Sau khi được một số tờ báo viết bài “nhân ái” đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ, các đối tượng lừa đảo đã vin vào các bài viết này, tự nhận là “nhà hảo tâm” rồi bảo bà Hà mua thẻ cào điện thoại nộp vào số máy của chúng để làm thủ tục ban đầu. Tin tưởng lời của “nhà hảo tâm”, bà Hà đã mua hết hơn 8 triệu đồng thẻ cào điện thoại…
Tiếp đó, vào tháng 9/2015, chị Thái Thị Mười (SN 1983) trú tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương cũng bị lừa gần 6 triệu đồng qua hình thức nộp thẻ cào điện thoại sau khi chị nhận được cuộc điện thoại từ người lạ xưng là nhà hảo tâm muốn giúp đỡ hoàn cảnh con chị đang điều trị chấn thương sọ não…
Qua một số vụ việc xảy ra vừa qua cho thấy, với “sức nóng” của công nghệ thông tin, các ứng dụng mới trên điện thoại thông minh hay mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook, Tango… đều là mảnh đất “màu mỡ” cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Chiêu thức cũ rích của chúng là nhắn tin, gọi điện thông báo trúng thưởng nhân sự kiện gì đó hoặc có nguồn kinh phí hỗ trợ cho các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Để không bị lộ mặt, mọi giao dịch bọn chúng đều thực hiện thông qua mạng internet hoặc điện thoại, bao giờ cũng dặn người được thông báo trúng thưởng giữ kín thông tin, không cho người khác biết. Qua sự việc trên là một sự trả giá vì kém hiểu biết nhưng đồng thời cũng là bài học đắt giá, sâu sắc cho rất nhiều người hiện nay, tránh để các đối tượng lừa đảo lợi dụng.