(Congannghean.vn)-Càng đến gần ngày diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước thì các phần tử xấu và thành phần chống phá lại lợi dụng các trang mạng xã hội để tung những tin đồn thất thiệt nhằm vào các đồng chí lãnh đạo. Cũng có khi đó chỉ là thông tin a dua kiểu “nghe hơi nồi chõ” với mục đích câu “view” (xem), câu “like” (thích)…, song hậu quả để lại rất nghiêm trọng.
Từ những thông tin câu “view”, câu “like”…
Thời gian vừa qua, hàng loạt thông tin thất thiệt liên quan đến tình trạng bắt cóc trẻ em lan truyền trên mạng xã hội đã gây hiệu ứng xấu. Mới đây nhất, vào khoảng 12 giờ ngày 7/5, Facebook “Châu Long Trần” đã đăng vào nhóm Facebook Hội chợ mẹ và bé Nghệ An - Hà Tĩnh thông tin về 1 vụ bắt cóc xảy ra tại khối 4, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên.
Cần phải xử lý nghiêm khắc các chủ tài khoản Facebook được xác định tung tin đồn thất thiệt (Ảnh minh họa: Reuters) |
Cụ thể, Facebook này viết: “Bé Trần Thị Phương Thảo, 6 tuổi, ở khối 4, thị trấn Hưng Nguyên bị bắt cóc lúc 10 giờ 30 phút sáng nay trên đường từ hàng xóm về nhà mình”. Bên cạnh đó, chủ tài khoản Facebook còn để lại số điện thoại để liên lạc.
Ngay sau khi thông tin trên xuất hiện đã tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều phụ huynh có con nhỏ. Nhiều người đã chia sẻ thông tin này và cảnh báo với người thân đề phòng trường hợp trẻ bị bắt cóc.
Tuy nhiên, sau đó, sự việc đã được làm sáng tỏ: Cháu Thảo lấy tiền đi mua kẹo, vì sợ mẹ mắng nên vào nhà hàng xóm đang xây dở rồi ngủ quên, 3 tiếng sau mới tỉnh dậy và đi về nhà, chứ thực chất không hề có vụ bắt cóc nào.
Trước đó, Công an huyện Con Cuông cũng đã triệu tập đối tượng Lê Văn Sơn (40 tuổi) trú tại thị trấn Con Cuông để làm rõ hành vi tung tin đồn bắt cóc trẻ em trên mạng Facebook, gây hoang mang dư luận.
Chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, Sơn đã chụp ảnh chiếc xe ôtô kèm theo số điện thoại liên hệ rồi tung lên mạng nói là đối tượng điều khiển xe đi bắt cóc trẻ em. Chỉ sau vài ngày nội dung trên được đưa lên Facebook, đã có hơn 50.000 lượt người đọc và hơn 10.000 lượt chia sẻ, trong đó nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng trước thông tin trên.
Thực ra, không phải đến bây giờ, những thông tin sai sự thật, có tính chất giật gân, câu khách… gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT mới xuất hiện trên các mạng xã hội.
Cách đây chưa lâu, cũng đã có tin đồn về một nữ công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Vinh mang thai 5 tháng, khi đi làm về bị nhóm thanh niên “ngáo đá” chặn đường, hiếp dâm dẫn đến tử vong. Hay như tin đồn tại huyện Đô Lương có một nam sinh lớp 11 bị bắt cóc và “sàm sỡ” tại cánh đồng Lạc Sơn… Tuy nhiên, khi xác minh lại thì những thông tin trên chỉ là tin đồn thất thiệt, kiểu “nghe hơi nồi chõ”, người đọc vội vàng đăng tải lên mạng xã hội để cảnh báo, nhưng lại “quên” mất khâu kiểm chứng thông tin, trong khi mạng xã hội có tốc độ lan truyền chóng mặt, đặc biệt là đối với những kiểu thông tin giật gân như thế.
… Đến lợi dụng đám đông để kích động, chống phá
Nhận diện các chủ nhân của những “status” này cho thấy, một bộ phận còn thiếu hiểu biết pháp luật, chỉ đơn giản là nhằm đạt mục đích câu “like”, tạo sự giật gân, câu khách, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Ngoài ra, một số trường hợp khác tung tin đồn thất thiệt chỉ để… bán hàng online hoặc giải quyết các vấn đề của bản thân. Cũng có một số ít do mâu thuẫn cá nhân nên tung thông tin lên mạng để hạ bệ nhau như trường hợp của Lê Văn Sơn ở huyện Con Cuông.
Bên cạnh đó, nguyên nhân để các thông tin này lan truyền nhanh chóng, một phần cũng do cư dân mạng, trước khi "like", “share” (chia sẻ) hay bình luận không cân nhắc kỹ lưỡng đã vô tình tiếp tay cho những kẻ xấu.
Nắm bắt được sức mạnh và hiệu ứng của cộng đồng mạng, mới đây, lợi dụng tình hình cá chết tại vùng biển các tỉnh miền Trung, tổ chức “Việt Tân” đã xúi giục 2 đối tượng Trương Minh Tam (Hà Nam) và Chu Mạnh Sơn (Yên Thành, Nghệ An) vào tận Vũng Áng (Hà Tĩnh) tiến hành thu thập thông tin các vụ việc "nhạy cảm" về chính trị, phỏng vấn một số đối tượng có quan điểm, tư tưởng, hoạt động chống Đảng, Nhà nước Việt Nam và phát tán trên Facebook "Con đường Việt Nam" để tuyên truyền, đả kích chính sách pháp luật, hoạt động của các cơ quan chức năng; qua đó nhằm mục đích kích động biểu tình, gây phức tạp về ANTT trên địa bàn.
Cũng liên quan đến sự kiện này, trong các ngày 1/5 và 8/5, tại TP Hồ Chí Minh đã xảy ra tụ tập đông người, dẫn đến gây rối trật tự công cộng dưới chiêu bài "bảo vệ môi trường". Điều đáng nói, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, chính xác về sự cố môi trường ở các tỉnh Bắc miền Trung nên đã ổn định đời sống người dân, tạo được niềm tin của dân đối với chính quyền và các cơ quan chức năng.
Với sự vào cuộc quyết liệt và có trách nhiệm của cơ quan chức năng, bản chất sự việc đã được làm rõ: Lợi dụng sự cố môi trường này, tổ chức “Việt Tân” đã liên kết với các đối tượng trong và ngoài nước lôi kéo nhiều thành phần tham gia, trong đó có cả những người chưa đủ tuổi thành niên, có tiền án, tiền sự nhằm kích động tụ tập gây rối công cộng với danh nghĩa bảo vệ môi trường. Mục đích chính là gây rối ANTT, phá hoại cuộc bầu cử, làm mất ổn định chính trị.
Thực tế cho thấy, mọi âm mưu xuyên tạc, thông tin sai sự thật đều bị bóc mẽ, tẩy chay khi bản chất được xác thực. Các thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoặc hành vi tung hoang tin, bịa đặt đều đã bị nghiêm cấm và được quy định cụ thể tại điểm c, khoản 1, Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP.
Do vậy, để không vô tình tiếp tay cho những thông tin xấu, mỗi cư dân mạng trước khi chia sẻ, bình luận cần bình tĩnh, sàng lọc thông tin. Ngoài ra, đối với những cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng mạng xã hội để đạt được mục đích cá nhân, cần xử phạt nghiêm để tăng tính răn đe, qua đó tạo hiệu ứng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật, nhất là pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Khoản 2, Điều 9, Nghị định 28/2009/NĐ-CP và Điểm b, Khoản 5, Điều 6, Nghị định 63/2007/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. |