(Congannghean.vn)-Hiện nay, tội phạm có dấu hiệu trẻ hóa, xâm nhập vào tầng lớp thanh, thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường có chiều hướng gia tăng gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Đau lòng vụ án giết người thủ phạm đang là học sinh
Cách đây không lâu, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Đào Ngọc Hoàng (SN 2003) trú tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu về tội giết người. Hoàng được xác định là hung thủ sát hại cháu Hồ Trần V. Đ. (5 tuổi), trú cùng địa phương.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 7/6/2020, cháu Đ. đi chơi với Hoàng và không thấy trở về nhà. Gia đình đã báo Công an và tổ chức tìm kiếm. Đến ngày 8/6, cơ quan chức năng tìm thấy thi thể cháu Đ. cạnh bờ suối, gần căn nhà hoang trong khu rừng thuộc xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, cách nhà gần 10 km. Nguyên nhân tử vong của cháu Đ. được xác định là do bị ngạt, chèn đường hô hấp. Nạn nhân bị trói tay, chân, mặt, mũi, cổ bằng 8,5 m băng dính.
Ngày 9/6, Đào Ngọc Hoàng thừa nhận đã gây nên cái chết cho cháu Đ.. Cáo trạng của VKSND Nghệ An truy tố nêu rõ, Hoàng đã trói, bịt mắt cháu bé bằng băng dính, vải cắt từ găng tay, ống tay áo để chơi trò bịt mắt đoán đồ ăn. Sau đó, Hoàng để cháu ở lại trong rừng một mình. Chiều 7/6, Hoàng có vào chỗ nạn nhân, tiếp tục dùng băng dính, dây leo trong rừng để buộc cố định nạn nhân vào bụi cây, tránh cháu bé bị rơi xuống suối. Ngày 8/6, Hoàng mang thức ăn, sữa vào chỗ cháu bé thì phát hiện nạn nhân đã tử vong. Nam thanh niên này đi về nhà cho đến khi bị Công an triệu tập và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Bị cáo Đào Ngọc Hoàng phạm tội giết người khi chưa đủ 17 tuổi |
Thẩm phán Võ Thạch Hùng, Chánh án tòa gia đình và người chưa thành niên, TAND tỉnh Nghệ An được phân công chủ tọa phiên tòa xét xử Đào Ngọc Hoàng chia sẻ, rất ám ảnh vì cái chết của nạn nhân. Cháu bé mới 5 tuổi, quá non nớt, tin tưởng vào anh và không hiểu vì sao mình chết sau khi chơi trò chơi với anh. Người phạm tội chưa hoàn thiện về nhân cách, nhận thức xã hội.
Quá trình điều tra, xét xử, bị cáo khai nhận không có động cơ giết người. Khi chơi trò chơi bịt mắt đoán thức ăn, Hoàng nảy sinh ý định bắt cóc nhằm đòi tiền chuộc từ gia đình cháu Đ. để tiêu xài cá nhân. Khi cháu Đ. mất tích, bị gia đình nạn nhân hỏi và Công an mời lên làm việc, Đào Ngọc Hoàng hoảng sợ, ý thức là để vài ngày sau im ắng mới đưa cháu Đ. về mà không nghĩ đến hậu quả hành vi của mình gây nên cái chết cho nạn nhân.
Ngay khi vụ án xảy ra, cơ quan chức năng đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Đào Ngọc Hoàng để lý giải nguyên nhân phạm tội, nhưng kết quả cho thấy bị cáo hoàn toàn bình thường về mặt nhận thức. Việc sử dụng băng dính để trói nạn nhân được Hoàng khai là học theo một số bộ phim về bắt cóc đòi tiền chuộc đã từng được xem. Với tội giết người, Đào Ngọc Hoàng bị tuyên phạt 15 năm tù.
Liên quan đến tội phạm là thanh, thiếu niên, mới đây, vào 1 giờ 15 phút ngày 15/10/2020, Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an TP Vinh bất ngờ ập vào phòng nghỉ của một khách sạn, phát hiện, bắt quả tang 4 đối tượng thanh, thiếu niên đều trú tại TP Vinh về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Cả 4 đối tượng có tuổi đời từ 16 đến 18, gồm: Nguyễn Minh Nhật (SN 2002), Nguyễn Quang Huy (SN 2004), Nguyễn Thị Hà My (SN 2003), Hồ Quỳnh Mai (SN 2003). Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 2 gói ma túy ketamine, trọng lượng 2,015 gam, 1 bộ dụng cụ sử dụng ma túy. Qua đấu tranh, cơ quan điều tra đã làm rõ, Nguyễn Thị Hà My là người mua số ma túy trên với giá 3 triệu đồng để đưa cho những người còn lại sử dụng. Vụ việc khiến nhiều người bất ngờ khi các đối tượng có tuổi đời rất trẻ, có em đang ngồi trên ghế nhà trường.
Phòng ngừa tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa
Hiện nay, tội phạm tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng và manh động. Trong đó, đáng chú ý là những hành vi như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy. Lý giải cho thực trạng này, các nhà giáo dục cho rằng, trẻ vị thành niên là lứa tuổi đang trải qua quá trình biến đổi tâm, sinh lý, nhân cách chưa hình thành, muốn khẳng định bản thân, không thích bị phụ thuộc, bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, những thói hư tật xấu dễ dẫn đến bị sa ngã, lôi kéo.
Bên cạnh đó, mối quan hệ lỏng lẻo giữa trẻ vị thành niên với gia đình - nhà trường - xã hội khiến trẻ dễ sa ngã vào tệ nạn xấu. Trong gia đình, nếu bố mẹ thường xuyên quát mắng, đánh đập hay thờ ơ, mải lo cuộc sống mưu sinh mà không quan tâm đến sự phát triển tâm, sinh lý của con cũng dẫn đến việc trẻ có tâm lý chán ghét, lầm lỳ. Đây là mầm mống cho xu hướng bạo lực và lệch lạc trong nhận thức của các em.
Theo cơ quan Công an, qua điều tra các vụ án cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Trong đó, sự tan vỡ gia đình cũng là nguyên nhân khiến các em bị khủng hoảng tâm lý, ít được quan tâm, dạy bảo nên dễ rơi vào con đường tội lỗi. Việc dễ dãi, tự nhiên khi thông tin về các vụ án, mô tả chi tiết tội ác theo thị hiếu tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận người đọc, cũng góp phần “vẽ đường cho hươu chạy” làm lệch lạc thêm nhận thức, hành vi của những thanh, thiếu niên hư hỏng, đẩy các em thành tội phạm.
Để phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa trước tiên cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Mỗi đứa trẻ bắt đầu bắt chước hành vi, ứng xử, biểu cảm của mỗi thành viên trong gia đình. Gia đình tốt, thân thiện sẽ giúp hạn chế được việc hình thành những hành vi xấu và nhận thức xấu cho các em.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các em ở nhà trường, ở địa phương và tại các tổ chức sinh hoạt đoàn thể nơi các em tham gia. Chỉ khi các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội sẽ hạn chế được việc vi phạm pháp luật. Ðặc biệt, hiện nay, do thông tin trên Internet phủ sóng, trẻ em tiếp xúc sớm và thường xuyên với những thông tin văn hóa phẩm độc hại, cho nên cơ quan chức năng cần có chính sách kiểm soát và quản lý thông tin chặt chẽ.
.