(Congannghean.vn)-Cho vay với lãi suất “cắt cổ”, đến kỳ hạn mà người vay không thể thanh toán thì sẽ siết nợ, đe dọa, khống chế, gây thương tích… Đó là “phương thức” hoạt động của nhiều ổ nhóm “tín dụng đen” trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua. Trước tình trạng diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường lực lượng và sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt xóa. Mới đây, Công an huyện Nghĩa Đàn đã phá thành công Chuyên án 719H, bắt giữ 3 đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.
Đối tượng Lê Đình Thược |
Ổ nhóm “tín dụng đen” với lãi suất “cắt cổ”
Thông qua công tác trinh sát, Công an huyện Nghĩa Đàn phát hiện thời gian qua, tình trạng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất cao trên địa bàn huyện diễn ra rất phức tạp. Các đối tượng lợi dụng đời sống kinh tế khó khăn của một số người dân, người có nhu cầu cần tiền gấp nhưng không vay được hoặc ngại vay tiền tại các ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác với lãi suất thông thường để cho vay với lãi suất cao, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Thông thường các đối tượng cho vay với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương với lãi suất 180%/năm; cá biệt đối với một số trường hợp chúng còn lấy lãi suất 7.000 đồng/triệu/ngày, tương đương với lãi suất 252%/năm. Do vay với lãi suất quá cao, những người vay tiền chủ yếu chỉ đủ thu nhập để trả lãi mà không trả được nợ gốc, một số trường hợp còn không trả được tiền lãi khi đến kỳ hạn thanh toán thì còn phải trả thêm lãi gộp (lãi chồng lãi hay lãi mẹ đẻ lãi con). Hầu hết những người vay đều không có khả năng thanh toán, có người phải bỏ trốn hoặc bị các đối tượng cho vay siết nợ, đe dọa, khống chế, cưỡng bức, gây thương tích…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT trên địa bàn và gây nhiều bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Xuất phát từ tình hình đó, đầu tháng 7/2019, Công an huyện Nghĩa Đàn đã quyết định xác lập Chuyên án 719H để tập trung lực lượng đấu tranh với các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trên địa bàn và các huyện lân cận. Chuyên án do Trung tá Nguyễn Xuân Thái, Trưởng Công an huyện làm Trưởng ban; Đại úy Ngô Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện làm Phó ban; đồng thời, huy động toàn bộ CBCS dày dạn kinh nghiệm tham gia phá án.
Sau khi Chuyên án được xác lập, các trinh sát đã tăng cường bám địa bàn, tập trung theo dõi mọi di biến động của các đối tượng. Qua đó, xác định bọn chúng hầu hết đều có quan hệ xã hội phức tạp, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để đối phó với lực lượng chức năng. Có đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cho vay lãi nặng; khi làm giấy, hợp đồng cho vay tiền đều không thể hiện lãi suất cho vay; khi lãi suất lên đến gần 30.000.000 đồng thì các đối tượng lại yêu cầu người vay làm lại giấy, hợp đồng vay tiền mới (coi như một khoản vay mới) để trốn tránh sự phát hiện; tiêu hủy các giấy tờ, tài liệu liên quan sau khi người vay tiền thanh toán hết nợ; ít đề cập đến lãi suất cho vay trên giấy tờ mà chỉ trao đổi trực tiếp; nhờ, thuê các đối tượng cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự, “xã hội đen” để siết nợ chứ không trực tiếp ra mặt…
Đặc biệt, sau khi một số đường dây hoạt động “tín dụng đen” bị Công an các địa phương bắt giữ, xử lý, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin thì các đối tượng càng hết sức đề phòng, cảnh giác, ít để lộ sơ hở và lui vào hoạt động bí mật chứ không công khai, phô trương thanh thế như thời gian trước.
Bên cạnh đó, quá trình đấu tranh, Ban chuyên án gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu, vật chứng do liên quan đến hoạt động của các đối tượng cộm cán, “xã hội đen” có uy tín, quan hệ rộng; trong khi đó hầu hết bị hại đều không hợp tác với lực lượng Công an do sợ bị các đối tượng trả thù. Tuy nhiên, với nỗ lực, quyết tâm bắt giữ các đối tượng đến cùng, Ban chuyên án đã không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm nghiên cứu phương thức, thủ đoạn hoạt động của ổ nhóm này để lên kế hoạch chủ động đấu tranh, bắt giữ trong thời gian sớm nhất nhằm lập lại ANTT trên địa bàn và trấn an dư luận.
Triệt xóa
Sau một thời gian kiên trì theo dõi, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, khi xác định thời cơ đã chín muồi, vào lúc 10 giờ ngày 16/7/2019, Ban chuyên án quyết định phá án. Theo kế hoạch, 4 tổ trinh sát đã đồng loạt thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 3 đối tượng: Lê Đình Thược (SN 1976), Phan Thị Hòa (SN 1970) và Phạm Văn Mai (SN 1960) đều trú tại xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; đồng thời, tiến hành triệu tập hơn 20 đối tượng là “con nợ” để tránh trường hợp các đối tượng này lo sợ bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình điều tra, thu thập chứng cứ.
Quá trình bắt giữ, ban đầu các đối tượng không hợp tác và có biểu hiện chống đối, tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, lực lượng Công an đã buộc bọn chúng phải tra tay vào còng; đồng thời, thu giữ tang vật gồm: 1 xe ôtô, 3 xe máy, 5 điện thoại di động, hơn 500.000.000 đồng tiền mặt và rất nhiều sổ sách, giấy tờ, tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.
Các tang vật bị thu giữ trong Chuyên án 719H |
Tại cơ quan điều tra, ban đầu các đối tượng còn quanh co, chối tội, khai báo nhỏ giọt, tuy nhiên, trước các chứng cứ, tài liệu thu thập được, bọn chúng đã phải cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Quá trình đấu tranh, Ban chuyên án xác định, từ năm 2017 đến nay, hàng năm, mỗi đối tượng đã cho hàng trăm người trên địa bàn TX Thái Hòa, các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… vay với lãi suất rất cao, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, tổng cộng Thược cho vay khoảng 6 tỉ đồng, thu lợi bất chính khoảng hơn 900 triệu đồng; Hòa cho vay khoảng 2,5 tỉ đồng, thu lợi bất chính khoảng hơn 400 triệu đồng; Mai cho vay khoảng 3 tỉ đồng, thu lợi bất chính khoảng hơn 500 triệu đồng.
Hiện, Công an Nghĩa Đàn đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiếp tục đấu tranh mở rộng. Việc phá thành công Chuyên án 719H đã góp phần quan trọng đảm bảo ANTT trên địa bàn, được cấp ủy, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Qua đây, lực lượng Công an cũng khuyến cáo người dân khi cần một số tiền lớn sử dụng vào mục đích cá nhân thì hãy tìm đến những địa chỉ có uy tín như ngân hàng để giao dịch. Đừng vì ngại thực hiện các thủ tục liên quan hoặc do chờ đợi việc giải ngân mà sốt sắng tìm đến các đối tượng cho vay lãi nặng để rồi phải chịu hệ lụy khôn lường, đó là không chỉ gánh mức lãi suất “cắt cổ” mà thậm chí còn bị đe dọa cả tính mạng.