(Congannghean.vn)-Đây là quan điểm của UBND tỉnh trong đợt ra quân đấu tranh với các hành vi khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra từ 5/7 đến hết ngày 31/12/2019. Thông qua đó sẽ tham mưu chính quyền các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh, tiêu thụ cát, sỏi trên địa bàn Nghệ An; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp và quần chúng nhân dân, lấy công tác “phòng ngừa, không để xảy ra sai phạm” là chính.
Tổ công tác thuộc Đoàn liên ngành kiểm tra tại Hợp tác xã Hưng Thủy, khối 13, phường Bến Thủy, TP Vinh |
Thành lập Đoàn liên ngành về kiểm tra, xử lý khai thác cát, sỏi trái phép
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 117 bến cát, sỏi hoạt động, trong đó 54 bến đã được cấp phép, 53 bãi tập kết hoạt động trái phép, 10 bãi tập kết đình chỉ và dừng hoạt động; 50 mỏ được cấp phép, 2 giấy phép thăm dò, 3 giấy phép nạo vét lòng hồ thuỷ điện; hơn 400 phương tiện thuỷ hoạt động khai thác cát, sỏi. Tình trạng bến có 4 dạng chính gồm: Bến không có giấy phép bến thuỷ nội địa, không có mỏ khai thác cát, sỏi; bến không có giấy phép bến thuỷ nội địa, có mỏ khai thác cát, sỏi; bến có giấy phép bến thuỷ nội địa, không có mỏ khai thác cát, sỏi và bến có giấy phép bến thuỷ nội địa, có mỏ khai thác cát, sỏi.
Thời gian qua, tình hình khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với cơ quan chức năng, trong đó nổi lên ở tuyến sông Lam từ TP Vinh đến huyện Anh Sơn. Do lợi nhuận, nhu cầu sử dụng cát, sỏi cao nên một số thuyền, bến, bãi có hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép. Trước tình hình đó, ngày 17/5/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đoàn liên ngành do Thượng tá Phùng Khắc Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) làm Trưởng đoàn cùng sự tham gia của nhiều thành viên thuộc các đơn vị: Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Cục thuế tỉnh, Sở Xây dựng, CSMT và Phòng Cảnh sát Giao thông. Đoàn có nhiệm vụ khảo sát, nắm tình hình diễn biến những vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, mở các bãi tập kết cát, sỏi trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường thuỷ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các cấp, ngành trên địa bàn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi; đồng thời, đề xuất UBND tỉnh về các giải pháp nhằm đảm bảo ổn định tình hình, không để tái diễn hoạt động nói trên.
Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
Tại buổi làm việc với 2 huyện Nam Đàn và Thanh Chương diễn ra vào ngày 5/7 vừa qua, Đoàn liên ngành đã thể hiện rõ quan điểm quyết liệt trong việc xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che, tiếp tay cho những trường hợp vi phạm và yêu cầu sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các địa phương.
Đoàn liên ngành làm việc với UBND huyện Thanh Chương |
Đại diện lãnh đạo 2 huyện cũng đã thông tin về công tác quản lý Nhà nước và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi; đồng thời, nêu một số tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Điển hình như tại huyện Nam Đàn, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép chưa được hạn chế triệt để mà còn diễn ra ở nhiều xã như: Nam Cường, Nam Trung, Khánh Sơn, Nam Thượng, Nam Tân; trong khi Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện hoạt động chưa thường xuyên, xử lý chưa nghiêm, chưa dứt điểm. Các xã có khoáng sản chưa thực sự quan tâm vào cuộc, công tác kiểm tra không thường xuyên, xử lý chưa nghiêm, không triệt để. Vì thế, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra. Bên cạnh đó, thủ tục thuê đất đối với các mỏ chưa hoàn thành, đến nay mới chỉ có 5/7 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục thuê đất theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra trên địa bàn sông nước, vào những ngày nghỉ làm việc hoặc về ban đêm nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí lực lượng, phương tiện xuồng máy, người lái xuồng, áo phao… Cán bộ làm công tác tài nguyên ở huyện và xã quá mỏng (huyện chỉ có 1 chuyên viên, còn ở xã là cán bộ kiêm nhiệm) nên công tác quản lý còn hạn chế. Đặc biệt, trình độ văn hoá của các chủ thuyền, số lao động đi cùng quá thấp (phần lớn không biết chữ) dẫn đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân để hạn chế tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép rất khó tiếp cận và gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, Đoàn liên ngành yêu cầu không chỉ 2 huyện Nam Đàn, Thanh Chương mà các địa phương khác cần trao đổi thẳng thắn, cởi mở để cùng nhau tìm giải phắp khắc phục.
Đoàn cũng chỉ rõ, nếu như trước đây công tác kiểm tra được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu thì trong đợt ra quân lần này sẽ tiến hành một cách liên tục, toàn diện và trải dài. Điều này đồng nghĩa với việc, quá trình kiểm tra bắt đầu từ ngày 5/7 đến hết 31/12/2019, tại 21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Khi phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, trong trường hợp Đoàn quay trở lại kiểm tra mà cá nhân, tổ chức nào vẫn tiếp tục vi phạm các hành vi thăm dò, nghiên cứu, khai thác thì sẽ tiến hành khởi tố theo quy định của pháp luật. Vì thế, Đoàn yêu cầu sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương, nhất là việc cử cán bộ có chuyên môn liên quan đi cùng để hỗ trợ quá trình thực hiện công tác kiểm tra, xử lý.
Theo báo cáo của Phòng CSMT, từ ngày 28/6 - 5/7, Đoàn liên ngành của UBND tỉnh đã tiến hành kiểm tra 10 tổ chức, cá nhân. Qua đó, lập 12 lỗi vi phạm; phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 cá nhân về hành vi khai thác cát trái phép, sử dụng phương tiện không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Điển hình, ngày 1/7, Đoàn tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi của Công ty TNHH VLXD và thương mại Sơn Hà, địa chỉ tại xóm Quang Trung, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về các hành vi: Vi phạm quy định về giám đốc điều hành mỏ, quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 38, Nghị định số 3 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; lập hoá đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hoá hơn bán hàng cung ứng dịch vụ tại Điểm a, Khoản 4, Điều 3, Nghị định số 49 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn. Hiện, Đoàn đã chuyển hồ sơ vi phạm cho UBND huyện Đô Lương tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.
Hay gần đây nhất, vào ngày 5/7, Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH đầu tư phát triển tài nguyên Thái Cực có trụ sở ở xóm Thuận Yên, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ (địa chỉ bến tại xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương) và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc hợp pháp, quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 21, Nghị định số 185 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tổ công tác thuộc Đoàn liên ngành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi liên quan đến khai thác cát, sỏi trái phép |
Thượng tá Phùng Khắc Tuấn, Phó Trưởng phòng CSMT, Trưởng đoàn liên ngành cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép diễn biến hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với cơ quan chức năng, như: Hoạt động khai thác diễn ra vào ban đêm, có cử người canh gác, thuyền khai thác lẫn lộn vào thuyền của người dân… Tại nhiều xã miền núi, địa hình sông suối phức tạp, nhất là các huyện thuộc tuyến đường 7 khiến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các loại phương tiện như xuồng, ca nô phục vụ công tác ít cũng là một trở ngại. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thượng tá Tuấn đánh giá cao sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị và sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền các địa phương.
“Sự chỉ đạo của UBND tỉnh cũng chính là quan điểm của Đoàn liên ngành, đó là kiên quyết, triệt để, kiểm tra toàn diện các lĩnh vực vi phạm về hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Nếu phát hiện vi phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó, tuyệt đối không có vùng cấm, không có bao che”, Thượng tá Tuấn cho biết thêm.