(Congannghean.vn)-Bị chính những người thân quen rủ rê, lôi kéo vào con đường bán hàng đa cấp, “ngồi mát ăn bát vàng” nên nhiều người đã nghe theo, vay mượn tiền bạc của anh em bạn bè, thậm chí cầm cố bìa đất tại ngân hàng để bỏ hàng trăm triệu đồng vào các công ty bán hàng đa cấp. Sau vài lần nhận tiền “hoa hồng”, số tiền % nhỏ giọt dần, đến lúc đòi lại tiền gốc thì phía công ty từ chối, yêu cầu nhận lại bằng sản phẩm với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường. Đó là thảm cảnh của những người trót “dính” vào đường dây bán hàng đa cấp từ Hà Nội về đến các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Bà Nguyễn Thị T. (SN 1966) trú tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh là tiểu thương bán buôn tại chợ Hà Tĩnh cho biết, vào tháng 7/2014, thông qua một người bạn hàng, bà được giới thiệu đến Công ty CP Sản xuất và Thương mại Đại Hưng 668, địa chỉ tại tầng 2, tòa nhà 25T1, Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, Hà Nội để tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp cho Công ty này.
Theo đó, để được trở thành nhà phân phối của Công ty Đại Hưng, bà T. được giới thiệu mua một gói kinh doanh tối thiểu là từ 7,9 triệu đồng trở lên và bộ dụng cụ kinh doanh gồm tài liệu trị giá 190.000 đồng. Sau đó, bà T. tham gia vào mạng kinh doanh của Công ty, nộp vào số tiền mặt là 148 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của ông Hoàng Ngọc Thạch, Tổng Giám đốc Công ty để nhận về một tài khoản tương đương 25 mã hàng.
Tháng đầu tiên, bà T. được nhận số tiền “hoa hồng” là 1,5 triệu đồng. Những tháng sau đó, số tiền này giảm dần, đến thời điểm mới đây nhất là khoảng từ 3 tháng trước, bà nhận được số tiền hơn 500.000 đồng.
Lý do phía Công ty đưa ra là theo quy định, trả thưởng “hoa hồng” theo sơ đồ nhị phân, bao gồm nhiều loại “hoa hồng” như “hoa hồng” bán, “hoa hồng” bảo trợ trực tiếp, “hoa hồng” gián tiếp, “hoa hồng” quản lý. Do việc kinh doanh của bà T. không hiệu quả, không kéo được nhiều người cùng tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp của Công ty nên không được trích tiền “hoa hồng” lớn.
Gần đây, vì cần tiền để kinh doanh nên bà T. đến Công ty xin rút lại tiền nhưng Giám đốc không đồng ý và yêu cầu bà lấy hàng về bán. Song bà T. cho rằng, nhiều mặt hàng của Công ty Đại Hưng như phân bón, nhân sâm, bếp từ… đều có giá đắt gấp hàng chục lần so với giá thị trường nên bà không nhận.
Hàng đa cấp khiến nhiều người mất tiền, tan tình. Ảnh minh họa |
Ngoài Đại Hưng 668, bà T. cùng nhiều tiểu thương khác còn tham gia vào đường dây đa cấp Công ty CP Sản xuất và Thương mại Con đường Việt (Vietway), địa chỉ tại Hà Nội, có văn phòng đại lý tại Nghệ An và Hà Tĩnh, với số tiền trên 300 triệu đồng, đến nay cũng có nguy cơ trắng tay vì không đòi lại được tiền.
Tương tự, chị Nguyễn Thị V., giáo viên tại một trường học trên địa bàn TP Vinh cho biết, tháng 5/2015, thông qua giới thiệu của đồng nghiệp, chị và một số giáo viên khác đã tham gia bán hàng cho Công ty CP quốc tế New Star, trụ sở tại Hà Nội. Chị V. trở thành nhân viên bán hàng của Công ty này sau khi mua gói sản phẩm trị giá 11,9 triệu đồng.
Với lời hứa, sau khi giới thiệu thêm 2 người tham gia, số tiền thưởng sẽ tăng thêm 5 triệu đồng, chị V. đã âm thầm lấy chứng minh nhân dân của người thân đăng ký qua website của Công ty, cứ như vậy cho đến lúc giới thiệu được gần 30 thành viên, với số tiền tham gia là 240 triệu đồng.
Nếu đúng như lời hứa ban đầu thì số tiền “hoa hồng” chị nhận được sẽ là gần 57 triệu đồng.Tuy nhiên, trên thực tế, chị không nhận được bất cứ khoản tiền nào. Cũng rơi vào hoàn cảnh trớ trêu tương tự là trường hợp của bà Trần Thị M., trú tại phường Trung Đô, TP Vinh. Cuối năm 2014, bà M. là tiểu thương buôn bán nhỏ ở chợ. Nghe theo lời rủ rê, giới thiệu của người quen, bà đã cùng 3 người khác tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp của Công ty Thăng Long, trụ sở tại Hà Nội.
Sau khi nộp vào số tiền 120 triệu đồng, bà M. không những không trở thành đại lý cấp 1 như lời hứa hão mà tiền “hoa hồng” cũng không được nhận. Cực chẳng đã, hai người bạn cùng tham gia đường dây này sau đó đã phải nhờ đến luật sư can thiệp, chỉ để đòi lại được 50% giá trị số tiền đã bỏ ra, đó là chưa kể chi phí cho luật sư thêm 10% trong số tiền lấy lại được. Riêng bà M. đến nay vẫn chưa đòi lại được số tiền này.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, trên địa bàn có hàng trăm người, với đủ các thành phần “dính bẫy” kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, phần vì xấu hổ, phần vì muốn “vớt vát” lại một ít tiền đã bỏ ra nên rất ít nạn nhân đứng ra tố cáo. Để có được số tiền hàng trăm triệu đồng tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, nhiều người đã “cắm” sổ đỏ để vay tiền ngân hàng, một số khác huy động anh em, bạn bè thân thiết. Thậm chí, nhiều người còn vay nặng lãi để tham gia bán hàng đa cấp vì thấy tiền “hoa hồng” lớn hơn tiền lãi hàng ngày.
Theo số liệu của Thanh tra Sở Công thương, thời điểm hiện tại, có 12 công ty đăng ký hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm, bình lọc nước ôzôn, đồ thời trang dành cho phụ nữ, các loại kem dưỡng, nước có chiết xuất từ hoa quả, các loại thực phẩm chức năng…
Đặc biệt, qua tìm hiểu thêm về các công ty mà nhiều nạn nhân “dính bẫy”, phần lớn đều bị “tố” vi phạm và đã bị cơ quan chức năng xử lý. Đơn cử như Công ty Đại Hưng 668, hoạt động kinh doanh không phép từ tháng 4/2015, mặc dù đã có trên 1.200 thành viên và với hành vi này, ngày 11/8/2015, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 80 triệu đồng.