(Congannghean.vn)-Ngô Thị Trang (SN 1972) trú tại xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương là đảng viên, chi hội trưởng hội phụ nữ, từng một thời làm kinh tế giỏi. Thế nhưng, sau thời gian tham gia phường hụi, công việc làm ăn không thuận lợi, lợi dụng lòng tin của người dân, lấy lý do mở rộng chăn nuôi, kinh doanh buôn bán và đảo khế ngân hàng, Trang đã vay của 68 hộ dân với số tiền lên đến hơn 8,3 tỉ đồng với lãi suất cao. Khi biết Trang vỡ nợ, hàng chục hộ dân đã trót “gửi trứng cho ác” đành “ngậm đắng nuốt cay”, viết đơn trình báo lên cơ quan chức năng.
Trong tháng 4/2015, cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương nhận được đơn trình báo của 68 hộ dân sống trên địa bàn các xã Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hồng Sơn, huyện Đô Lương, đồng loạt tố cáo Ngô Thị Trang về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra bước đầu cho thấy, từ năm 2013 đến tháng 9/2014, Trang đã vay của 68 hộ dân tổng số tiền lên đến 8 tỉ 309 triệu đồng với lãi suất cao. Vào khoảng giữa tháng 10/2014, biết mình không có khả năng trả nợ, Trang tuyên bố bị vỡ nợ.
Ngô Thị Trang tại cơ quan điều tra |
Điểm đáng lưu ý là, trong thời điểm tháng 9 và tháng 10/2014, dù còn nợ nhiều người và không có khả năng trả nhưng Trang vẫn tiếp tục vay của 33 hộ số tiền trên 3 tỉ đồng. Hơn nữa, cũng vì tin tưởng Trang nên mặc dù đem cả gia sản có được cho Trang vay nhưng những hộ dân chỉ nhận được quyển sổ do Trang ghi chép lại, trên đó chỉ ghi họ tên người vay, số tiền được cho vay cùng chữ ký của người vay tiền và người cho vay mà không hề có chứng thực của chính quyền địa phương hay người làm chứng nào khác. Vì vậy, những hộ dân này khi nghe tin Trang vỡ nợ đã rơi vào cảnh khốn cùng, thậm chí vợ chồng ly tán.
Ngày 28/7/2015, lệnh bắt tạm giam Ngô Thị Trang được thực hiện tại nhà ở của đối tượng. Tại nhà Trang, Công an huyện Đô Lương đã thu giữ 18 sổ ghi chép là những tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan điều tra, Ngô Thị Trang khai nhận, ngoài làm ruộng, Trang còn mở cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, làm trang trại chăn nuôi. Ngoài ra, vào thời điểm đó, Trang còn tham gia phường hụi và là chủ của nhiều phường hụi trên địa bàn. Chỉ trong thời gian ngắn, gia đình Trang trở nên khấm khá.
Nhiều người dân thấy thế cũng bị cuốn vào “vòng xoáy” đó. Vì hám lợi, lại nhẹ dạ cả tin, nhiều hộ dân đã đem tiền cho thị vay với lãi suất cao (3%/tháng) so với lãi suất ngân hàng. Ngô Thị Trang khai rằng, lúc đầu thị không có ý định chiếm đoạt tài sản của những hộ dân này, nhưng vì nợ nần quá nhiều, Trang đã vay với lý do mở rộng kinh doanh, chăn nuôi, đảo khế ngân hàng nhưng thực chất là để trả nợ, sau đó chiếm đoạt luôn. Tuy nhiên, khi không có đủ tiền trả, Trang tuyên bố vỡ nợ.
Cuối tháng 7/2015, cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thị Trang về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án. Trước đó, Công an huyện Đô Lương cũng đã tiến hành điều tra, làm rõ, bắt giữ Nguyễn Thị Loan (SN 1975) trú tại xóm 8, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt của 31 hộ dân trên địa bàn tổng số tiền 23,991 tỉ đồng, cũng với thủ đoạn trên.
Đây chỉ là hai trong số những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản đáng báo động hiện nay. Trên thực tế, hoạt động cho vay nặng lãi đã gây ra nhiều hệ lụy lớn đối với xã hội nói chung và người cho vay cũng như người vay nói riêng. Chính vì vậy, các cấp, ban, ngành có liên quan cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ. Những vụ việc xảy ra đều là những bài học đắt giá mà người dân cần rút ra cho bản thân và gia đình.