Ngày 26/11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang đã báo cáo tiến độ điều tra và khởi tố vụ án hình sự lưu hành giấy tờ có giá giả và lưu hành tiền giả với khối lượng lớn xảy ra tại Bắc Giang và một số tỉnh phía Nam. Qua điều tra đã bắt tạm giam 6 đối tượng liên quan đến vụ án.
Trước đó, Triệu Văn Khinh, trú tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cùng Nguyễn Hoàng Giai, trú tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh và Nguyễn Anh Đức, trú tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã liều lĩnh sử dụng một sổ tiết kiệm giả mang tên Khinh, có số dư 72 tỷ đồng, đến Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu - Chi nhánh Bắc Giang (ACB Bắc Giang) để làm thủ tục rút 3 tỷ đồng.
Qua kiểm tra trên hệ thống máy tính của ngân hàng, nhân viên giao dịch phát hiện sổ tiết kiệm trên là giả nên đã báo ngay cho cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành bắt giữ 3 đối tượng Khinh, Giai và Đức.
Tiền đô la. (Ảnh minh họa). |
Tại cơ quan điều tra, Khinh và đồng bọn khai nhận được Lê Thanh Phong, trú tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau và Trần Văn Tám, trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang giao cho sổ tiết kiệm giả có số dư 72 tỷ đồng nêu trên.
Ngoài hành vi lưu hành giấy tờ có giá giả, Khinh còn khai đã cùng Giai sang Trung Quốc mua 10 ngàn USD giả hết 140 triệu đồng đem vào TP Hồ Chí Minh giao cho Tám tiêu thụ. Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt Phong, Tám và Dương Hoàng Anh, trú tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh (đồng bọn của Phong và Tám).
Quá trình điều tra đến nay xác định: Cuối năm 2010, Tám quen Nguyễn Văn Tân, trú tại TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Tân cho biết đang tìm mua thùng tiền đôla Mỹ có mệnh giá từ 1 USD đến 100 USD giả và các loại USD có mệnh giá 1 triệu USD, 10 triệu USD, 1 tỷ USD để thu hồi lại theo "đặt hàng" của Chính phủ Mỹ. Để làm tin với Tám, sau này, Tân có đưa cho Tám một giấy ủy quyền bằng tiếng Anh và bản dịch ra tiếng Việt, có nội dung Chính phủ Mỹ ủy quyền cho Tám thu mua đô la mệnh giá 100 USD giả. Kèm theo giấy ủy quyền là một bản hợp đồng có ghi sẵn giá mua là 67% (tức 100 USD giả được mua với giá 67 USD thật).
Với một bản hợp đồng béo bở, đổi tiền giả lấy tiền thật như vậy, dĩ nhiên là Tám đồng ý. Tám tiếp tục viết giấy ủy quyền cho Phong, Đức, Tuấn để mọi người cùng tham gia tìm kiếm đôla giả.
Thông qua Giai, Đức gặp Khinh và được Khinh nhận lời cung cấp đôla giả; nhưng với yêu cầu là phải ứng trước tiền thật để mua với giá 180 triệu/ lốc (tương ứng với 10 ngàn USD giả). Ngày 9/8/2013, Giai cùng Khinh sang Trung Quốc mua được 10 ngàn USD giả, đem vào TP Hồ Chí Minh, thông qua các trung gian đưa đến cho Tám để Tám giao cho Tân.
Thấy mọi việc êm xuôi, Tân bảo Tám đưa Khinh vào TP Hồ Chí Minh để ký hợp đồng mua 506 triệu USD giả. Tiền mua USD giả sẽ được Tân trả bằng sổ tiết kiệm. Thực chất là "lấy mỡ nó dán nó", Khinh sẽ nhận được sổ tiết kiệm giả để trả cho số tiền giả Khinh mua về. Tám cũng được Tân làm cho một số tiết kiệm giả với số dư 600 ngàn USD để ra ngân hàng rút tiền lo chi phí đi lại.
Được biết, theo chỉ đạo của Tám, sổ tiết kiệm mang tên Khinh phải được rút tại Lạng Sơn thì mới trót lọt (?), nhưng vì tỉnh này không có chi nhánh ACB nên Khinh cùng đồng bọn quyết định rút tiền tại Bắc Giang. Cơ quan điều tra xác minh tại ACB Bắc Giang thì số sêri trên sổ tiết kiệm giả là của một người ở Vĩnh Long, có số dư 1 triệu đồng đã được tất toát trước thời điểm Khinh rút tiền 2 ngày...
Có lẽ, lòng tham đã khiến các đối tượng trong đường dây này trở nên mị muội, bởi ngoài sổ tiết kiệm, ngân hàng còn lưu dữ liệu trên hệ thống máy tính được nối mạng với các chi nhánh trên toàn quốc. Kể cả có nhặt được sổ tiết kiệm thật mà người nhặt đi rút còn khó, huống gì một sổ tiết kiệm giả, không có dữ liệu trong máy tính lại có thể rút được tiền ra từ ngân hàng!
Còn số USD giả mà Tân đặt mua, thực chất không có chuyện Chính phủ Mỹ thu mua tiền giả, mà do chúng nại ra để tổ chức lưu hành tiền giả.
Trong vụ án này, một số đối tượng vẫn chưa xác định được, nên chưa có điều kiện truy bắt để thu hồi 10 ngàn USD giả.
Vụ án đang được cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang điều tra làm rõ