Nguyễn Đình Long sinh ra trong một gia đình bần nông, thu nhập kinh tế quanh năm chủ yếu nhờ vào cây lúa, củ khoai… nhưng cũng chính từ cái nghèo khổ đó, mà ba anh em nhà Long biết vươn lên để kế thừa và phát huy tính hiếu học của một làng quê nghèo, ai cũng thi đậu vào các trường đại học trong và ngoài tỉnh.
Học hết THPT, với suy nghĩ tìm cách thoát nghèo nhanh nhất chỉ với con đường học thức, để không tiếp tục bước nghiệp cha ông làm nông quanh năm cơ hàn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà chỉ đủ ăn, Nguyễn Đình Long đã tự mình phấn đấu học tập, rèn luyện thi đỗ vào trường Đại học sư phạm Vinh.
Năm 2003, tốt nghiệp đại học, Long xin vào công tác tại trường Dân tộc nội trú Yên Hoà - Tương Dương. Công tác ở đó được 3 năm, Long lấy vợ cũng là giáo viên quê ở Thanh Chương, rồi sinh con. Uớc mơ thời niên thiếu của Nguyễn Đình Long một phần đã thành hiện thực.
Để “an cư lạc nghiệp” ổn định công tác lâu dài, cống hiến cho nghề nhà giáo trên chính quê hương mình, Long xin chuyển về công tác tại Trường THCS Hương Tiến, thuộc xã Ngọc Lâm - Thanh Chương. Một ngôi trường chưa có nhiều thâm niên của xã nghèo miền núi xây dựng từ dự án tái định cư Thuỷ điện Bản Vẽ, học sinh chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số sinh sống ở đây theo học.
Là giáo viên, Nguyễn Đình Long cũng thường xuyên giao lưu rộng rãi. Năm 2006, khi mới chuyển về đây dạy học do quen biết với một số người có chức, có quyền, Nguyễn Đình Long đã liên hệ, nhận tiền, hồ sơ để xin việc cho một số người trong các bản ở xã Ngọc Lâm. Hồi đó Long cũng xin được cho vài người trong bản.
Đối tượng Nguyễn Đình Long
Từ đó, tên tuổi thầy Long nhanh chóng lan rộng đến tai nhiều người dân trong bản, vì vậy nhiều người đã đến đặt vấn đề nhờ thầy Long chạy việc cho con em họ. Thấy có thể kiếm được nhiều tiền từ các vụ tìm việc, Nguyễn Đình Long đã bất chấp tất cả, đánh đổi sự nghiệp, tư chất nhà giáo của mình lúc nào không hay biết.
Từ tháng 9/2009 đến tháng 11/2011, với lợi thế là giáo viên giảng dạy trong trường THCS Hương Tiến, Nguyễn Đình Long có biết một số học sinh, sinh viên là con em trong gia đình ở bản thuộc xã Ngọc Lâm đã tốt nghiệp các trường y, dược, sư phạm mà chưa có việc làm, nên Long dùng thủ đoạn lân la tìm cách gọi điện thoại, liên hệ với những người cần xin việc. Rồi buộc họ phải giao tiền cho Long để làm lộ phí chạy việc.
Để lấy sự tín nhiệm của nhiều người và khẳng định mình có thể xin được việc cho họ, cứ mỗi người đến giao tiền Long đều viết giấy nợ để làm căn cứ vay tiền. Với người dân ở đây ai cũng biết đến thầy Long nên khi nghe Long hứa sẽ xin được việc vào làm biên chế trong các cơ quan Nhà nước, họ đã vội tin giao tiền cho Long. Nhưng sau khi nhận tiền và hồ sơ của người cần xin việc, Long lấy tiền tiêu xài cá nhân, ăn chơi xả láng, còn hồ sơ thì Long đưa về nhà cất giấu để mục nát trong tủ mà không xin được việc cho họ.
Chờ đợi thời gian quá lâu, nghe lời hứa hẹn quá nhiều mà không thấy Long báo kết quả gì cũng không trả lại tiền, nhiều người đã đến tìm Long để đòi tiền nhưng Long luôn lẩn trốn, đến điện thoại cũng tắt ngấm. Không còn sự lựa chọn nào khác, họ đã đến Cơ quan CSĐT Công an huyện để tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Đình Long. Khoảng thời gian này Nguyễn Đình Long cũng đã nhận một khoản tiền khá lớn.
Cơ quan CSĐT Công an huyện bước đầu đã xác định có 7 bị hại là: chị Lô Thị S (SN 1977), chị Nông Thị H (SN 1983), anh Lương Công T (SN 1960), anh Mạc Đình N (SN 1963), anh Nguyễn Đình T (SN 1979), anh Vi Văn T (SN 1970), anh Vi Văn Hùng (SN 1979) đều trú tại xã Ngọc Lâm, Thanh Chương đã giao tổng số tiền mặt cho Nguyễn Đình Long là 362.200.000đ.
Hiện tại Nguyễn Đình Long đã bị bắt tạm giam để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình. Điều đáng nói ở đây là một thầy giáo đã từng ươm mầm cho nhiều thế hệ học sinh nay lại phải ngồi trong nhà giam để chịu sự phán xét của pháp luật và dư luận xã hội.
Xuân Phượng
.