Phá án…
Ngay sau khi có đầy đủ chứng cứ liên quan đến nhóm cán bộ vi phạm pháp luật, Ban chuyên án đã nhanh chóng chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân xin phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp. Do tính chất của chuyên án liên quan đến nhiều cán bộ Nhà nước đang tại nhiệm nên cả Ban chuyên án và Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh đều hết sức cân nhắc trước các quyết định của mình.
Cơ quan Công an đã khởi tố 3 cán bộ kiểm lâm, gồm: Trần Văn Khoa (SN 1974), trú ở xóm 8, xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ, nguyên Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Sơn Lĩnh - Hạt kiểm lâm Hương Sơn; Hoàng Văn Cẩn (SN 1960), trú ở thôn Phúc Đình, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn; Lê Quý Ly (SN 1971) ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, đều là kiểm lâm viên địa bàn, bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
4 chủ rừng bị bắt giữ gồm: Phan Nhật Tân (SN 1971) ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Khe Lét; Phạm Anh Tuấn (SN 1969) ở thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn - Nguyên trưởng Ban quản lý bảo vệ và xây dựng rừng Hồng Lĩnh, thuộc Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn, về tội “Vi phạm các quy định về quản lý rừng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Ngoài ra, Phạm Anh Tuấn còn bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”. Hiện tại, Tuấn đang thi hành án về tội “Tham ô tài sản”.
Bùi Văn Thảo (SN 1963) trú ở xóm 3, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, nguyên Phó Ban quản lý bảo vệ và xây dựng rừng Hồng Lĩnh và Nguyễn Duy Tý (SN 1985) ở thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, nhân viên bảo vệ - Bản quản lý bảo vệ và xây dựng rừng Hồng Lĩnh về tội “Vi phạm các quy định về quản lý rừng”.
2 đầu nậu bị khởi tố gồm: Nguyễn Thanh Bình (SN 1965), ở xóm 5, xã Sơn Hồng và Nguyễn Hữu Huân (SN 1970) ở xóm 10, xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” và tội “Đưa hối lộ”.
Những vị cán bộ khoác chiếc áo bảo vệ rừng này đã tiếp tay cho lâm tặc phá rừng
6 đối tượng khai thác bị khởi tố gồm: Nguyễn Tuấn Khánh (SN 1984) ở xóm 6, xã Sơn Hồng; Phan Văn Vy (SN 1984), xã Sơn Lâm; Nguyễn Trung Kiên (SN 1985), Lê Quốc Vương (SN 1977), Lê Tình (SN 1974) đều trú ở xã Sơn Hồng và Uông Công Giáo (SN 1974) ở xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.
Trước cơ quan điều tra, đối tượng Huân, Bình chủ đầu nậu gỗ khai nhận, thời gian qua chuyên cung cấp cho những người nông dân ở đây tiền bạc, phương tiện, máy móc kể cả lương thực thực phẩm đến các lán trại phục vụ cho những chuyến đi rừng dài hơi để khai thác gỗ; sau đó, mua lại với giá từ 1.500.000đồng/m3 đến 3.000.000đồng/m3 cho các loại gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 6.
Còn Phạm Anh Tuấn - Trưởng ban thừa nhận việc khai thác, vận chuyển gỗ qua Ban quản lý được tính theo chuyến, mỗi chuyến có khối lượng khoảng 5 - 6m3 gỗ xẻ, đầu nậu phải “nộp” cho Trưởng ban 2 triệu đồng và Ban quản lý 2 triệu đồng. Nhân viên gác sào barie sẽ thu 100 ngàn đến 150 ngàn đồng mỗi lóng gỗ và 200 ngàn đồng mỗi phiến gỗ.
Cần có cuộc“đại phẫu” trong công tác quản lý và bảo vệ rừng…
Cha ông ta từng nói, rừng là vàng… Nhưng tài nguyên này sẽ cạn kiệt nếu con người xâm hại và tàn phá với phương thức tận diệt. Tội ác phá rừng được cha ông liệt kê vào hàng số 1 “nhất phá sơn lâm, nhị đâm hà bá”.
Nếu vụ việc ở xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn không vỡ lở và những hệ lụy do tàn phá rừng gây ra thì những kẻ phá rừng khoác áo bảo vệ rừng chưa lộ rõ nguyên hình là lâm tặc, họ vẫn sẽ là những công bộc thực thụ của dân, thế nhưng họ đã không chiến thắng được bản thân mình. Trong khi đó, bảo vệ rừng, trách nhiệm không của riêng ai.
Nhưng tại chính những nơi cơ quan công quyền như Hạt kiểm lâm Hương Sơn, Ban quản lý xây dựng và bảo vệ rừng Hồng Lĩnh còn tồn tại những con sâu, con mọt như Phạm Anh Tuấn, Phan Nhật Tân, Bùi Văn Thảo, Trần Văn Khoa, Phạm Văn Cẩn, Lê Quý Ly cùng một số cán bộ lợi dụng được che thân bằng tấm áo giữ rừng để câu kết với những đầu nậu làm giàu trên tài nguyên rừng thì rừng còn chảy máu.
Một khoảng trống tại rừng Sơn Hồng, một “khoảng trống” trong công tác quản lý cán bộ, quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng đã bị bại lộ. “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, mấy ai có thể cân đong, đo đếm được hậu quả của việc buông lỏng quản lý này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến môi sinh, môi trường và an sinh xã hội...
Ông Nguyễn Tiến Cát - PGĐ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn, cho biết: “Vụ việc này đã phơi bày tất cả những tồn tại trong việc quản lý và bảo vệ rừng từ trước đến nay…”.
“Còn về phía ngành kiểm lâm sẽ tăng cường công tác quản lý cán bộ, nâng cao giáo dục đạo đức cách mạng cho kiểm lâm viên địa bàn”, ông Lê Ngọc Danh - Hạt phó Hạt kiểm lâm Hương Sơn cho biết.
Vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn Sơn Hồng, kẻ phạm tội đã bị sa lưới pháp luật. Dư luận hết sức đồng tình và chờ những bản án nghiêm khắc đối với những kẻ coi thường kỷ cương phép nước. Đối với cán bộ, lãnh đạo, dù ở cấp nào, do không biết hay cố tình làm ngơ cũng cần được làm rõ trách nhiệm để lấy lại lòng tin của nhân dân.
Qua vụ án này chúng ta càng nhận rõ công tác phòng ngừa tội phạm tại những nơi ít có điều kiện phát sinh, nhất là những cơ quan Nhà nước, có những công bộc của dân. Liệu, ngoài cán bộ, đảng viên thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn, Hạt kiểm lâm Hương Sơn và một số đầu nậu trên địa bàn xã Sơn Hồng, Sơn Lĩnh, ở đâu còn diễn ra tình trạng này?
Không chỉ là chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”, muộn còn hơn không, đây là lời cảnh tỉnh cho chính quyền cơ sở và ngành kiểm lâm về công tác quản lý cán bộ, những người hàng ngày được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, từ đó lựa chọn những con người đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và nhiệt huyết để làm tròn nhiệm vụ. Và, mong muốn lớn nhất của người dân vùng sơn cước Hương Sơn là có một chiến lược kinh tế bền vững để họ sinh tồn trên mảnh đất quê hương.
Xuân Lý - Đình Vũ - Văn Hùng
.