Tiên Kỳ là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Tân Kỳ nên hàng năm, người dân nơi đây được nhận nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương thông qua chính sách như các chế độ 135, 134 để giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ những chính sách này, những người có vai vế của xã này, thay vì làm tròn trách nhiệm công bộc của dân đã có những việc làm đi ngược lại với lẽ phải trong suốt thời gian dài.
“Ăn chặn” tiền của người nghèo
Theo bản “công tố” mà người dân phản ánh, một trong “chín điều sai” tồn tại dai dẳng cũng như tái diễn nhiều lần tại xã Tiên Kỳ là việc ăn chặn, bớt xén tiền hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát. Theo đó, hàng năm các hộ nghèo của xã được hỗ trợ để xây nhà theo chương trình xóa nhà tranh tre dột nát bằng nguồn vốn của Hội chữ thập đỏ.
Riêng năm 2007, toàn xã có 9 hộ được hỗ trợ xây nhà ở, mỗi hộ được 19 triệu đồng/hộ, khi có tiền về, xã tập hợp lại các hộ dân này rồi trước khi phát tiền, đã ngỏ ý “xin” mỗi hộ 1 triệu đồng. Nói là “xin” nhưng mặc cho nhiều hộ dân không đồng ý, mỗi hộ cũng chỉ được nhận 18 triệu đồng, điều đáng nói là khi ký vào giấy nhận tiền thì họ vẫn phải “dối lòng” rằng mình đã được nhận đủ 19 triệu đồng.
Dân thắc mắc số tiền 1 triệu đồng thu để làm gì thì lãnh đạo xã chỉ trả lời chung chung, kiểu như đó là tiền hỗ trợ cán bộ làm công tác kiểm tra. Cũng trong chương trình xóa nhà tranh tre dột nát, các hộ trong xã được hỗ trợ 6 triệu đồng, nhưng trớ trêu thay để nhận khoản tiền này xã bắt buộc các hộ phải hoàn thành thuế quỹ mới được làm hồ sơ, sau khi hoàn thành xong quỹ thuế thì xã lại chia ra 2 lần phát trong 2 năm, lần thứ nhất là 5 triệu đồng, còn 1 triệu đồng sang năm thứ 2 trả tiếp cho gia đình nhưng lại tiếp tục trừ vào thuế quỹ của năm tiếp theo.
Để nhận khoản tiền này các hộ nghèo phải nộp thêm 100.000 đồng/hộ, theo lý giải của “quan xã” là tiền làm hồ sơ. Qua trần tình của hộ ông Bùi Công Sáng ở xóm 5, xã Tiên Kỳ thuộc diện “không ai nghèo hơn” khi được hưởng chương trình hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát, sau khi làm nhà xong, xã xuống nghiệm thu rồi mới được nhận tiền, chia làm hai đợt. Tại mỗi đợt ông bị trừ 330.000 đồng tiền sản phẩm và thu 50.000 đồng tiền làm hồ sơ. Không riêng gì hộ ông Sáng mà tất cả các hộ đều bị trừ những khoản vô lý như vậy.
Nhiều năm nay kênh mương thuỷ lợi dở vì xã cho dân vay... xi măng
Chưa hết, khi thực hiện cấp con giống theo Chương trình 135 cho các hộ nghèo, cán bộ xã đã áp dùng bằng hình thức đối với những hộ đủ điều kiện được nhận bò là nếu hộ nghèo muốn nhận thì phải hoàn thành quỹ thuế, mặc cho bò đã đưa về xã nhưng vẫn chưa chịu bàn giao khi chưa nộp đủ.
Đã vậy, xã còn ra một cái gọi là “tự nguyện còn hơn cả ép buộc”, đó là hộ nào muốn dắt được bò về nhà thì phải nộp 100.000 đồng đến 200.000 đồng/hộ, trường hợp cá biệt hơn là gia đình ông Nhân phải nộp 1 triệu đồng cho xã.
Thấy sự việc quá bất cập và việc thu tiền không minh bạch nên ông đã làm đơn khiếu nại, thấy không thể nuốt chửng khoản tiền này, chính quyền xã đã hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã thu của hộ gia đình ông Nhân. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu năm 2009, toàn xã được hỗ trợ tiền để người nghèo đón Tết theo Quyết định số 81/QĐ-TTg (ngày 15/1/2009) của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mỗi nhân khẩu được hỗ trợ mức 200.000 đồng.
Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ số tiền hỗ trợ Tết này đến được tay người nghèo, còn lại chính quyền xã đã tự ý trừ hết vào nợ tồn đọng của các hộ dân. Như hộ ông Lương Văn Điệp 3 khẩu được 600.000 đồng bị xã trừ 530.000 đồng, còn lại chỉ được nhận 70.000 đồng về ăn Tết. Hay như hộ ông Lương Văn Hiếu 5 khẩu xã trừ nợ quỹ đất năm trước mất 800.000 đồng, gia đình chỉ nhận lại được 200.000 đồng. Trước sự cắt xén vô lương đó, dân tình bức xúc phản đối kịch liệt nên đến ngày 16/2/2009 xã tiếp tục phân phát lại tiền Tết lần 2.
Đặt ra những “Luật riêng” trái quy định
Ngoài chuyện tiền hỗ trợ cho các hộ nghèo bị cắt xén thì các khoản tiền khác như xây dựng đường điện 04 (đường điện 4 pha), xã Tiên Kỳ cũng có những việc làm sai trái, không hợp lòng dân. Theo hạch toán ban đầu, mỗi hộ phải đóng 1,2 triệu đồng nhưng sau chỉ thu 800.000 đồng/hộ. Quy định là thế nhưng khi triển khai thu thì có hộ chỉ thu 400.000 đồng, có hộ 600.000 đồng.
Điều đáng nói là đến nay, xã vẫn chưa công khai minh bạch việc hộ nào chưa thu và còn bao nhiêu tiền dân không hay biết. Trớ trêu thay có tiền rồi nhưng quá trình làm đường điện thì trong tổng số 11 xóm đến nay mới chỉ làm được 7 xóm đường điện 4 pha, còn 3 xóm vẫn đang dùng đường điện 2 pha mặc dù những xóm này đã đóng tiền. Bất bình nhất là chuyện xây dựng công trình kiên cố hóa mương thủy lợi.
Năm 2002, xã được đầu tư xây dựng kênh mương, kiên cố hóa nội đồng. Khi công trình đang xây dở thì chủ tịch UBND xã Trương Công Hồng (nay là Chủ tịch MTTQ xã) đã bất ngờ ký giấy thông báo các xóm ngừng thi công, số xi măng còn lại chưa sử dụng là 96 tấn, đã được xã cho một số hộ dân thuộc các xóm 1, 3 và 4 vay.
Đến nay, đã hơn chục năm trôi qua, nhiều lần dân tình ngỏ ý tiếp tục công trình, xã lúng túng vì không đòi lại được số xi măng nói trên. Lại nữa, năm 2007 - 2008, gạo cứu đói của dân được Chính phủ cấp, sau khi về đến UBND xã, chẳng biết bằng cách nào mà một số tiểu thương đã đến và mua lại được một số lượng lớn, trong đó có chị Nhàn bán tạp hóa trước cổng ủy ban mua được 200 kg.
Đơn thư “tố” chính quyền của nhân dân Tiên Kỳ
Thêm một việc làm khuất tất, sai trái nữa là việc thu thuế nông nghiệp của dân từ năm 2001 - 2008 trái quy định. Theo đó, trong khoảng thời gian này, UBND xã tự đặt ra cái gọi là “thu hoa lợi trên đất nông nghiệp” của bà con nông dân bằng lúa, trên diện tích đất sản xuất của từng hộ. Dựa trên đất sản xuất của địa phương, xã tiến hành thu mỗi sào đất nông nghiệp từ 2 - 6 kg/năm tùy từng loại đất.
Khi tiến hành, nhiều hộ phản đối nên hộ thu được, hộ không thu được, đến năm 2009 do nhiều người thắc mắc nên xã bỏ thu thóc mà chuyển sang khoản thu mới bằng tiền (70.000 đồng/hộ/năm), gọi là tiền quỹ cho xóm hoạt động. Được biết, từ năm 2000, Nhà nước đã có chủ trương miễn thuế nông nghiệp cho nông dân.
Thanh tra huyện Tân Kỳ đã nhận được đơn thư tố chính quyền của nhân dân xã Tiên Kỳ từ năm 2009, quá trình xác minh đơn thư, những nội dung tố cáo của nhân dân là có cơ sở. Tuy nhiên, việc tiếp thu và sửa sai, “quan xã” nơi đây vẫn dửng dưng, chiếu lệ.
Thành Thảo - Trường Khuyên
.