Chủ Nhật, 08/12/2019, 09:44 [GMT+7]

Hiệu quả từ mô hình 'Phòng, chống di dịch cư trái pháp luật'

(Congannghean.vn)-Xã Xá Lượng là địa bàn rẻo cao của huyện Tương Dương, có 4 dân tộc Kinh, Thái, Khơ Mú và H’Mông cùng làm ăn, sinh sống tại 8 thôn, bản; trong đó có 1 bản của đồng bào dân tộc H’Mông với 73 hộ, 340 khẩu. Thời gian qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều chủ trương đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vấn đề ổn cư, ổn canh nhưng tình trạng di dịch cư trái pháp luật trong một bộ phận dân tộc thiểu số vẫn còn xảy ra. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Lực lượng Công an gặp gỡ, tuyên truyền phòng, chống di dịch cư trái pháp luật                               trên địa bàn xã Xá Lượng
Lực lượng Công an gặp gỡ, tuyên truyền phòng, chống di dịch cư trái pháp luật trên địa bàn xã Xá Lượng
Trước thực trạng đó, Đảng ủy, UBND xã Xá Lượng đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp triển khai thực hiện quyết liệt các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, của UBND và Công an các cấp đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; đồng thời, nghiên cứu xây dựng và phát triển mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Điển hình là mô hình phòng, chống di dịch cư ở bản Hợp Thành, xã Xá Lượng bước đầu đạt được kết quả quan trọng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và ổn canh, ổn cư trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
 
Nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã Xá Lượng nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp cũng như Công an tỉnh Nghệ An và Công an huyện Tương Dương. Qua đó, UBND xã đã ban hành  chương trình, kế hoạch chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp làm tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và  bảo đảm ANTT trên địa bàn. Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung và có hiệu quả, năm 2017, UBND xã Xá Lượng đã tổ chức xây dựng mô hình phòng, chống di dịch cư tự do tại bản Hợp Thành. Qua 1 năm hoạt động, mô hình đã đạt được những kết quả quan trọng ban đầu.
 
 Đối với cấp xã: Tổ chức 3 đợt quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và văn bản triển khai của địa phương về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến và công tác bảo đảm ANTT trong Đảng bộ, chính quyền, lực lượng Công an, các đoàn thể quần chúng, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn với 150 lượt cán bộ, đảng viên tham gia. Đối với các bản, làng trên cơ sở hướng dẫn và chỉ đạo của cấp trên, Đảng uỷ, UBND xã ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức quán triệt, triển khai trong các chi uỷ, chi bộ, các bản, làng. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bản Hợp Thành tổ chức Hội nghị quán triệt chủ trương và nội dung về xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến.
 
Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong năm 2019, Ban chỉ đạo mô hình đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tranh thủ già làng, người có uy tín; làm tốt công tác vận động những người trước đây di cư sang Lào quay trở về tham gia công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống di dịch cư tự do của xã. Kết quả, đã tổ chức 2 đợt tuyên truyền với 350 lượt người tham gia, có 79 hộ gia đình ký cam kết không di dịch cư tự do.
 
Qua công tác tuyên truyền đã giúp đồng bào hiểu được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, do đó đã làm giảm tình trạng di dịch cư tự do. Đáng chú ý, một số hộ đồng bào dân tộc H’Mông trước đây di dịch cư sang Lào nay hồi cư và không tiếp tục di cư nữa. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện tổ chức 2 đợt tuyên truyền về phòng, chống di dịch cư tự do tại bản Hợp Thành, trong đó lồng ghép nội dụng về công tác xây dựng nông thôn mới và công tác phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội; vận động được 1 hộ gồm 9 nhân khẩu có ý định di cư ở lại địa phương làm ăn sinh sống. Nội dung tuyên truyền được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và có tác dụng cao như: Các chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc thiểu số; khó khăn khi di cư tự do trái pháp luật… Công tác xây dựng mô hình phòng, chống di dịch cư tự do không chỉ tập trung tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn gắn với chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Với những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, trong năm 2017 và 2018, có 73 hộ gia đình thuộc bản Hợp Thành được tập huấn về công tác phát triển kinh tế gia đình, 50 hộ được tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng chính sách. Tính đến nay, có 45 hộ gia đình có thu nhập ổn định từ phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác vận động đồng bào dân tộc H’Mông chung sức xây dựng nông thôn mới. Đến nay, bản Hợp Thành đã xây dựng xong hệ thống giao thông, công trình thủy lợi, điện, nước phục vụ sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, cơ sở vật chất của từng hộ gia đình được nâng lên.
 
Sau khi thành lập mô hình và đi vào hoạt động, không có hộ dân nào di cư; có 3 hộ, 10 nhân khẩu tự hồi cư;  nhiều hộ có ý định di cư nhận thức được và không di cư mà ở lại địa phương làm ăn sinh sống. Đối với các hộ hồi cư quay lại sinh sống tại địa phương, hiện chính quyền các cấp đang nghiên cứu đề xuất giải pháp ổn định cuộc sống cho các hộ này. Hiện, trên địa bàn bản Hợp Thành có 4 hộ làm kinh tế giỏi.
 
Có thể thấy, sau 2 năm xây dựng và đi vào hoạt động, mô hình “Phòng, chống di dịch cư trái pháp luật” tại địa bàn xã Xá Lượng đã đạt hiệu quả đáng ghi nhận. Mô hình đã được xây dựng và nhân rộng thành điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở.
.

Thuỳ Anh

.