An ninh cơ sở
Tăng cường phòng cháy, chữa cháy tại nhà ở kết hợp kinh doanh
(Congannghean.vn)-Trong thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thực trạng đáng báo động là vậy, song thực tế công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với mô hình này đang bộc lộ rất nhiều khó khăn, bất cập. Từ thực tiễn đó, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an đã có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát lại công tác phòng, chống cháy nổ của các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ.
Nhà ở kết hợp kinh doanh: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ
Theo thông báo của Bộ Công an, thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ nằm trong khu dân cư, làm chết và bị thương nhiều người. Trong đó có một số vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như vụ cháy nhà dân tại phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) vào ngày 5/4, làm 3 người chết; vụ cháy tại số nhà 37 (đường Xuân Định, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) làm 4 người trong một gia đình thiệt mạng. Gần đât nhất là vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo vào sáng 29/7 ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, làm chết 8 người, bị thương 2 người.
Hiện trường vụ cháy tại cơ sở kinh doanh đệm mút kết hợp nhà ở trên đường Lê Lợi, TP Vinh |
Tại Nghệ An, theo số liệu tổng hợp của Cảnh sát PC&CC tỉnh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, làm chết 3 người, bị thương 3 người, thiệt hại về tài sản ước tính gần 3 tỉ đồng. Thời gian gần đây, tình hình cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ nằm trong khu dân cư diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Mặc dù chưa gây thiệt hại về người nhưng đã có một số vụ gây thiệt hại lớn về tài sản, như vụ cháy cơ sở kinh doanh spa kết hợp nhà ở trên đường Đinh Công Tráng; vụ cháy vào ngày 11/7 tại nhà số 68, đường Lê Lợi, phường Hưng Bình, TP Vinh, tầng 1 kinh doanh đệm mút và bạt nhựa, tầng 2 là kho chứa đệm mút, còn tầng 3 là nhà ở của gia đình…
Theo thông báo của Bộ Công an và thực tiễn tình hình tại Nghệ An cho thấy, nguyên nhân gây cháy, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản chủ yếu là do nhiều cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC; một bộ phận nhân dân có tâm lý chủ quan trong việc sử dụng các thiết bị, vật liệu dễ cháy; nhiều người dân thiếu kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn. Bên cạnh đó, các nhà bị cháy đều thuộc dạng nhà ống, chỉ có duy nhất một lối thoát nạn nên rất dễ bị lửa, chướng ngại vật chặn lối thoát dẫn đến nạn nhân bị chết ngạt, chết cháy.
Đã hơn nửa năm trôi qua, nhưng đến nay những người trong gia đình bà Hoàng Thị Minh Hiền, kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ tại nhà ở số 42, đường Đinh Công Tráng, TP Vinh vẫn còn khiếp sợ khi nhắc đến vụ cháy xảy ra tại nhà bà vào đêm 17/1/2017. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do chập điện ở tầng 1 - nơi kinh doanh dịch vụ. May mắn cho gia đình bà là được lực lượng Cảnh sát PC&CC số 1 kịp thời có mặt nên cả 6 người trong gia đình đều được giải cứu an toàn.
Không may mắn như gia đình bà Hiền, nhà của anh Lê Văn Thắng ở xóm Vạn An, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn cũng là nơi kinh doanh, sửa chữa các thiết bị điện lạnh vừa mới xảy ra hỏa hoạn vào ngày 13/8. Tài sản trong kho hàng của anh là toàn bộ các thiết bị điện lạnh trị giá hơn 100 triệu đồng đã bị thiêu rụi, nhưng đau lòng hơn cả là vụ cháy đã làm anh Thắng bị bỏng rất nặng. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân cháy do nổ khí gas, oxy trong quá trình sử dụng hàn xì sửa chữa tủ lạnh.
Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy
Hiện nay, loại hình cửa hàng kinh doanh nằm trong nhà ở rất phổ biến, tồn tại nhiều ở các điểm dân cư để phục vụ tại chỗ cho người dân trong khu vực cư trú. Trừ một số cửa hàng có quy mô lớn, mặt bằng rộng, điều dễ nhận thấy khi đến các cửa hàng là sự bừa bộn, kho chứa thiếu ngăn nắp tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng quan tâm và được tập huấn kỹ năng PCCC. Chưa kể nhiều hộ kinh doanh còn tự ý cơi nới, cải tạo sai với thiết kế, thẩm duyệt ban đầu; lắp đặt biển quảng cáo có kích thước lớn, xây dựng các “lồng sắt” bằng sắt thép kiên cố ở khu vực ban công khiến công tác tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tiễn các vụ cháy trong thời gian qua, Cục Cảnh sát PCCC&CN,CH vừa có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát lại công tác phòng, chống cháy nổ của các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ. Theo đó, đề nghị Giám đốc Công an, Cảnh sát PC&CC tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai một số biện pháp cấp bách sau: Tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp, nhất là UBND cấp xã đề cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC tại địa phương. Trong đó, tập trung đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC đối với khu dân cư; phát động phong trào toàn dân PCCC và CN,CH; xây dựng, duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội dân phòng; xây dựng, ban hành bộ tiêu chí an toàn PCCC và CN,CH đối với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong các khu dân cư, làng nghề… phù hợp thực tế địa phương. Khi xây dựng quy hoạch các khu dân cư mới trên địa bàn cần tính toán các giải pháp an toàn PCCC và thoát nạn cho hạ tầng kỹ thuật và từng căn hộ.
Thượng tá Hồ Sỹ Hiệp, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 1 cho biết: Loại hình kinh doanh kết hợp nhà ở hiện nay rất phổ biến. Nhưng hầu hết các chủ hộ đều không quan tâm đến công tác PCCC, không có kiến thức, không trang bị các thiết bị chữa cháy, nguy cơ cháy nổ rất cao. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra thông qua sinh hoạt tổ dân phố, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng.
Bên cạnh đó, tham mưu tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, đôn đốc, hướng dẫn chủ hộ khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về PCCC như: An toàn PCCC hệ thống, thiết bị điện; bố trí sắp xếp vật tư, hàng hóa; quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; gia công, sửa chữa, hàn cắt kim loại; trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu… và đặc biệt là phương án thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Tuy nhiên, theo quy định, Cảnh sát PC&CC không quản lý loại hình kinh doanh tại hộ gia đình mà loại hình này do cấp xã, phường, thị trấn quản lý. Do vậy, việc quản lý, nhất là về PCCC đối với loại hình kinh doanh này đang còn bộc lộ rất nhiều bất cập.
Cảnh sát PC&CC khuyến cáo chủ hộ gia đình và người dân khi sử dụng nhà ở kết hợp cửa hàng kinh doanh cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC sau đây: - Không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy, nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan. - Phải lắp thiết bị bảo vệ (Cầu chì, rơ le, Aptomat …) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon. Không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy. - Không bày hàng hóa và vật dụng dễ cháy gần nơi thờ cúng, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. - Không bố trí nơi đun nấu tại cửa hàng kinh doanh và không để hàng hóa, các vật dụng dễ cháy gần bếp ăn. - Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. - Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. - Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn. - Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị. - Khi cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số máy 114. |
Huyền Thương - Vương Linh