An ninh cơ sở

Hiệu quả từ mô hình quân dân y cai nghiện ma túy

11:28, 17/08/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An từng được biết đến là một trong những điểm “nóng” về tình trạng sử dụng ma túy. “Cơn lốc” ma túy đã “đổ bộ” vào vùng đất này và để lại nhiều hệ lụy đau lòng. Năm 2008, mô hình “Quân dân y cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai cho người nghiện ma túy thuộc các xã khu vực biên giới” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai thực hiện thí điểm tại các xã khu vực biên giới huyện Kỳ Sơn. Đây được xem là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm “nguội” điểm “nóng” ma túy vùng biên này.

Cán bộ Bệnh xá quân dân y Kỳ Sơn tư vấn điều trị methadone cho người nghiện ma túy
Cán bộ Bệnh xá quân dân y Kỳ Sơn tư vấn điều trị methadone cho người nghiện ma túy

Giúp đỡ người nghiện

Kỳ Sơn là một huyện miền núi phía Tây Nghệ An, có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới tiếp giáp với Lào. Đây là huyện kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, trong khi hiểu biết pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, đây được xem là địa bàn trung chuyển ma túy với số lượng lớn từ Lào vào Việt Nam qua khu vực biên giới tỉnh Nghệ An.

Với quyết tâm “hạ nhiệt” điểm “nóng” ma túy, giúp người dân thoát khỏi “vòng vây” của “cái chết trắng”, năm 2008, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Quân dân y cai nghiện ma túy” tại các xã khu vực biên giới huyện Kỳ Sơn. Mô hình được thực hiện thí điểm trên địa bàn 3 xã Mỹ Lý, Bắc Lý và Mường Ải, với mục tiêu ngăn chặn, phòng chống lạm dụng ma túy; cai nghiện, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma túy, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm tỉ lệ người nghiện ma túy phạm tội và nhiễm HIV/AIDS cho đồng bào dân tộc giáp biên giới Lào.

Ngoài ra, mô hình cũng đưa ra một số mục tiêu cụ thể: 100% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý có mặt tại cộng đồng đều được tham gia mô hình; 100% người nghiện ma túy sau cai được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy để thay đổi hành vi và có biện pháp phòng ngừa; được truyền nghề hoặc dạy nghề và tạo việc làm dựa trên nhu cầu, sức khỏe, trình độ và tình hình thực tế của địa phương.

Để chuẩn bị triển khai các hoạt động của mô hình, Bệnh xá Quân dân Y phối hợp với Đồn Biên phòng và chính quyền cấp xã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của nghiện ma tuý, lợi ích của cai nghiện đối với người nghiện tới từng thôn bản, từng gia đình, người dân để tạo sự đồng thuận; thuyết phục các già làng, trưởng bản, người đứng đầu dòng họ tham gia vận động người nghiện và gia đình cam kết tham gia chương trình cai nghiện tại cộng đồng nói chung và mô hình cai nghiện nói riêng.

Sau khi vận động được gia đình có người nghiện và người nghiện ma tuý làm đơn xin được cai nghiện ma tuý tại cộng đồng, Bệnh xá Quân dân y phối hợp với chính quyền cấp xã lập hồ sơ, tổ chức cắt cơn nghiện cho người nghiện ma túy (địa điểm được chọn là Trường học hoặc Trạm Y tế xã) trong thời gian 10 - 15 ngày. Đối với những đối tượng ở xa, BĐBP cử cán bộ đến từng gia đình đưa người nghiện về địa điểm cai nghiện.

Khi đối tượng đến tập trung, cán bộ quân y và y tế xã kiểm tra sức khỏe, sau đó tiến hành các biện pháp cắt cơn (sử dụng thuốc Cedemex, kết hợp châm cứu, matxa hỗ trợ), đồng thời dùng các biện pháp nâng đỡ thể trạng cơ thể cho người nghiện (truyền dịch, thuốc hỗ trợ…). Sau khi cắt cơn thành công, gia đình và bản thân người cai nghiện sẽ được các y, bác sĩ tư vấn các biện pháp phòng, chống tái nghiện và bàn giao cho gia đình quản lý. Sau gần 10 năm triển khai, đến nay, khoảng 500 người nghiện ma túy, chủ yếu ở khu vực biên giới đã được cai nghiện theo mô hình này.

Trong nỗ lực ngăn chặn hiểm họa từ ma túy, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân “nói không với ma túy” luôn được các lực lượng chức năng chú trọng hàng đầu. Xác định rõ động cơ đó, giữa tháng 6/2016, BĐBP Nghệ An và Công an huyện  Kỳ Sơn đã phối hợp giải quyết tình hình phức tạp về ma túy trên tuyến biên giới huyện Kỳ Sơn và huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). 

Sau 1 năm triển khai kế hoạch phối hợp, BĐBP Nghệ An đã tích cực phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn và chính quyền địa phương tổ chức in ấn tài liệu và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân với 123 buổi tại 111 điểm bản, thu hút 7.675 lượt người nghe. Đến nay, đã có 6.716 gia đình trên địa bàn biên giới huyện Kỳ Sơn ký cam kết thực hiện phong trào 5 không (không mua bán, không vận chuyển, không tàng trữ, không sử dụng trái phép các chất ma túy, không tái trồng cây thuốc phiện).

Với phương châm: “Chặn cầu bền vững, chặn cung quyết liệt”, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy thẩm lậu vào địa bàn cũng được đơn vị triển khai đồng bộ, có hiệu quả. BĐBP Nghệ An và Công an huyện Kỳ Sơn đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 180 vụ với 222 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 63,705 kg hêrôin và nhiều tang vật liên quan. Đồng thời, rà soát, lập danh sách và tham mưu cho chính quyền địa phương làm thủ tục đưa các đối tượng đi cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện tại địa phương. Hằng năm, bình quân có từ 20 - 25 người nghiện trên địa bàn được vận động về cai nghiện tập trung tại đồn, mỗi đợt kéo dài 15 ngày.

Sau gần 10 năm tích cực triển khai, đến nay, mô hình “Kết hợp quân dân y cai nghiện cho người nghiện ma túy” trên địa bàn các xã biên giới huyện Kỳ Sơn đã thực sự phát huy hiệu quả. Số người nghiện trên địa bàn giảm đáng kể. Ý thức, trách nhiệm của người dân về ma túy cũng được nâng cao. Mô hình “Quân dân y cai nghiện ma túy” tại các xã biên giới huyện Kỳ Sơn đã trở thành nơi để những người nghiện trên biên giới quyết tâm thoát khỏi sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”.

Nhân rộng mô hình

Cai nghiện và phục hồi cho người nghiện ma túy tại khu vực biên giới là nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy được Chính phủ ban hành từ năm 2007. Sau 10 năm triển khai, việc phối hợp triển khai mô hình này đã giúp công tác cai nghiện đạt hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc ổn định an ninh, trật tự khu vực biên giới. Tuy nhiên, mô hình cũng còn nhiều hạn chế như chưa có địa điểm cai nghiện phù hợp, chưa có cán bộ chuyên trách, trang thiết bị và đặc biệt kinh phí phục vụ công tác cai nghiện còn thiếu nên cũng chỉ thực hiện giai đoạn cắt cơn giải độc là chủ yếu, còn các giai đoạn khác đều gặp khó khăn về kinh phí và quản lý giám sát sau cai.

Bên cạnh đó, công tác cai nghiện tại địa bàn còn thiếu sự kết hợp đồng bộ với các biện pháp phòng chống ma túy khác hoặc các giải pháp kinh tế - xã hội của địa phương; kinh phí mua thuốc cắt cơn, thuốc hỗ trợ sức khỏe không đủ nên gây khó khăn cho người nghiện trong giai đoạn cắt cơn. Kinh phí hỗ trợ học nghề, hướng nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng còn quá hạn hẹp nên không hỗ trợ được việc dạy nghề, hướng nghiệp, gây nhiều khó khăn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng của người nghiện ma túy.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình cai nghiện “Quân dân y kết hợp”, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP và cán bộ xã về công tác tổ chức, quản lý người nghiện. Bên cạnh những biện pháp trước mắt, về cơ bản lâu dài, các đồn, trạm BĐBP cần được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất để giúp đỡ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm cho người dân sau cai nghiện...

Cao Loan

Các tin khác